Giải 'bài toán' nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp

Chia sẻ với PV Báo CAND chiều 21/11, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp tăng khả năng thu hút FDI, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, tạo đà cho các DN vừa và nhỏ phát triển…

Song, có một thực tế là nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, có tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ. Đây là trở ngại lớn của nhiều DN cơ khí, chế biến chế tạo, thiết bị linh phụ kiện điện, điện tử... đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Có một thực tế đáng lo ngại là hiện các DN trong Hiệp hội đang chịu sự cạnh tranh rất lớn về vấn đề thu hút người lao động chất lượng cao. Điều này dẫn đến một số DN bị tuột mất rất nhiều hợp đồng sản xuất cũng như cơ hội đầu tư đến từ các DN lớn trên thế giới”, ông Vân nói.

Theo ông Vân, nguyên nhân có một phần là từ các chương trình đào tạo nhìn chung hiện nay vẫn chưa theo sát giữa xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới và hoạt động sản xuất của DN. Trong nhà trường, đối với các chương trình đào tạo kỹ sư thì cũng đang đào tạo thiên về lý thuyết và rất thiếu thời lượng thực hành. Để giải bài toán về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ hiện nhiều DN đã phối hợp, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng của DN.

Trên thực tế, liên kết giữa nhà trường và DN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi nhanh chóng. Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, thời gian qua, Cục đã phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc triển khai nhiều chương trình đào tạo, tư vấn đổi mới công nghệ sản xuất, giúp các DN cải thiện năng suất, đủ năng lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, ngành khuôn mẫu là nền tảng của nhiều ngành công nghiệp sản xuất, từ đồ gia dụng đến hàng không và điện tử. Vì vậy, để nâng cao năng lực chế tạo và làm chủ công nghệ khuôn mẫu cho các DN Việt Nam, Bộ Công Thương và Samsung Electronics Việt Nam hợp tác cùng nhau triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực khuôn mẫu với mục tiêu đào tạo 200 chuyên gia trong lĩnh vực khuôn mẫu (khuôn ép nhựa và khuôn dập).

Đào tạo gắn với thực hành giúp các học viên ra trường dễ có việc làm.

Đào tạo gắn với thực hành giúp các học viên ra trường dễ có việc làm.

Ông Phạm Danh Mạnh, Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) cũng cho rằng, việc cập nhật, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động là quan trọng, được thực hiện thường xuyên để cập nhật sự thay đổi của các loại máy móc, điều hành. Do đó, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, DN sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà trường.

Là một trong những DN lớn, Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Hải (THACO) chú trọng hợp tác với các trường cao đẳng, đại học. THACO đã ký kết, hợp tác với hơn 45 trường đại học, cơ sở đào tạo trong cả nước để phối hợp đào tạo, tiếp nhận thực tập, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tài trợ giáo dục và trang thiết bị học tập.

Để có nguồn nhân lực chất lượng cho công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phát triển, các chuyên gia và DN cho rằng, cần có kế hoạch đào tạo nguồn lực bài bản, có lộ trình và những chế độ đãi ngộ phù hợp, đòi hỏi sự chủ động từ 2 phía DN và nhà trường. TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức những khóa đào tạo theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu của DN. Đây là những khóa giúp nâng cao trình độ người lao động, chuyển giao khoa học-công nghệ. Việc này sẽ giúp nhiều DN công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ khắc phục khó khăn bởi thiếu hụt nguồn lực lao động chất lượng cao. Mỗi năm nhà trường tuyển sinh khoảng 2.000 học viên để đào tạo những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao của các DN, khu công nghiệp.

Theo các chuyên gia, với những nỗ lực liên kết, kết nối trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề nguồn nhân lực cho DN thời gian tới sẽ được giải quyết, đặc biệt cần “cân bằng” lại giữa việc học và thực hành của người lao động. Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho biết, trung tâm tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ DN, trong đó có việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, như chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tạo ra một hệ thống chuyên gia nhằm giúp cho các DN tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm của DN.

Phan Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/giai-bai-toan-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-doanh-nghiep-i751027/
Zalo