Giải bài toán hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo môi trường

Giải bài toán hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo môi trường, tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư cải tạo cảnh quan, xử lý, tái chế chất thải rắn nguy hại ngay từ nguồn phát sinh.

Cùng với tập trung đổi mới công nghệ, chế biến sâu, nâng cao hiệu quả khai thác nguồn tài nguyên, trong nhiều năm qua Lào Cai đặc biệt quan tâm thúc đẩy sản xuất công nghiệp theo hướng xanh, bền vững. Tại Khu công nghiệp Tằng Lỏng, khu công nghiệp lớn nhất ở địa phương, môi trường ở đây đang dần được cải thiện nhờ rất nhiều nỗ lực từ tỉnh đến chủ các doanh nghiệp.

KCN Tằng Loỏng nằm ở khu vực xã Xuân Giao, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng - Ảnh: Báo Lao động

KCN Tằng Loỏng nằm ở khu vực xã Xuân Giao, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng - Ảnh: Báo Lao động

Ngay sau Tết Nguyên đán, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã phát động tổ chức Tết trồng cây tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, thu hút sự tham gia của đại diện các nhà máy, đông đảo cán bộ, kỹ sư, người lao động. Toàn bộ khuôn viên rộng 18 ha, tại Chi nhánh luyện đồng Lào Cai gần như được phủ kín bởi cây xanh và các loại hoa. Đây là nỗ lực của đơn vị trong suốt nhiều năm qua, nhằm cải thiện môi trường cảnh quan cho người lao động.

“Hàng năm công ty đều lên kế hoạch và đã triển khai, đặc biệt trong những năm qua, công ty đã trồng hàng nghìn cây xanh, trong 6 tháng công ty có kế hoạch chi khoảng 1,5 tỷ đồng cho trồng cây xanh”, ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh luyện đồng Lào Cai cho biết.

Không gian xanh luôn được các DN chú trọng - Ảnh: Báo Lao động

Không gian xanh luôn được các DN chú trọng - Ảnh: Báo Lao động

Giải bài toán hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo môi trường, tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp cũng đã nỗ lực đầu tư, xử lý, tái chế chất thải rắn nguy hại ngay từ nguồn phát sinh. Tại Công ty CP Hóa chất Đức Giang, doanh nghiệp này tiên phong đầu tư gần 200 tỷ đồng cho hệ thống xử lý tái chế bãi thải thạch cao. Hệ thống này mỗi năm đã xử lý được khoảng 5.000 tấn thạch cao nhân tạo làm phụ gia xi măng, giảm được 60% công suất thải ra hàng năm.

“Công ty luôn sẵn sàng sản phẩm cung cấp cho thị trường, đảm bảo đầu ra, đầu vào cân bằng khi sản xuất, như vậy sẽ không phát sinh chất thải rắn trong nhà máy, giúp cho doanh nghiệp sản xuất lâu dài. Ngoài ra, các nhà máy xi măng cũng đã giảm khai thác nguyên vật liệu tự nhiên như đá vôi, giúp cảnh quan môi trường ở các công ty sản xuất xi măng được tốt hơn”, ông Đặng Tiến Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Hóa chất Đức Giang chia sẻ.

Lào Cai quyết tâm đưa khu công nghiệp Tằng Loỏng xanh, thân thiện với môi trường - Ảnh: Báo Lao động

Lào Cai quyết tâm đưa khu công nghiệp Tằng Loỏng xanh, thân thiện với môi trường - Ảnh: Báo Lao động

Lào Cai đang đẩy mạnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực này theo hướng chuyển từ khai thác tự nhiên sang khai thác hiệu quả, bền vững. Quan điểm của tỉnh là thu hút các dự án chế biến sâu sản phẩm khoáng sản; nói không với dự án gây tác động lớn đến môi trường.

“Lào Cai luôn yêu cầu các doanh nghiệp phải có công nghệ mới, thân thiện với môi trường, giảm khí thải, đặc biệt là phải đảm bảo nguồn dự trữ về tín chỉ carbon. Bởi các sản phẩm đều xuất khẩu ra nước ngoài, nếu không chuẩn bị kỹ hành trang cho sản phẩm sẽ vướng mắc bởi các quy định mới. Vừa qua, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng khu công nghiệp Tằng Loỏng trở thành khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường”, ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho biết.

Tỉnh Lào Cai cũng đang nỗ lực xử lý triệt để vấn đề khí thải và nước thải tại các Khu công nghiệp, thông qua hệ thống quan trắc môi trường và các nhà máy xử lý nước thải. Đặc biệt, những vi phạm về môi trường sẽ nhanh chóng được phát hiện với chế tài xử phạt rất mạnh, hướng tới cải thiện môi trường tại các khu công nghiệp, sản xuất xanh bền vững.

Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/giai-bai-toan-hai-hoa-giua-tang-truong-kinh-te-voi-dam-bao-moi-truong-post1154750.vov
Zalo