Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực hiện tới nơi tới chốn

TP.HCM có hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân, chiếm khoảng hơn 1/3 số doanh nghiệp của cả nước, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khu vực này còn nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.

Doanh nghiệp nội bị kiểm tra nhiều hơn doanh nghiệp ngoại?

Ông Nguyễn Xuân Đức, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM cho rằng, những điều doanh nghiệp tư nhân cần "không mới". Đó là các cơ quan chức năng cần làm đồng bộ và quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng. Nhất là việc rà soát lại những thủ tục không cần thiết để mạnh dạn cắt bỏ vì vẫn còn nhiều doanh nghiệp than phiền về thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế

Hiện nay, bên cạnh chính sách chung của Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thì TP.HCM còn có Chương trình Kích cầu đầu tư. Chương trình này hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ.

Theo ông Đức, Thành phố cũng cần đánh giá lại chương trình này để thời gian tới tiếp tục mở rộng, hỗ trợ hiệu quả thiết thực hơn nữa. Thành phố cũng đang có đề án tái thiết các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó, cần có chính cho các doanh nghiệp nằm trong khu vực này cũng được hưởng chương trình như những doanh nghiệp, ngành nghề khác.

Thời gian qua, Chính phủ và TP.HCM cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển như: hỗ trợ tín dụng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… tuy nhiên, việc thực thi các chính này này theo ông Nguyễn Xuân Đức là chưa tới nơi tới chốn: "Những vấn đề hỗ trợ tín dụng thì đánh giá lại có bao nhiêu doanh nghiệp được tiếp cận vốn này? Còn chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh thì ngân hàng cho biết có gói cho vay tín dụng xanh. Vậy tiêu chí như thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được hay có ràng buộc gì không? hay vẫn phải thế chấp tài sản thì mới vay được? Chúng ta phải đánh giá lại, vì mình không thiếu biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng vấn đề là không làm tới nơi tới chốn".

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI không có sự khác biệt

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI không có sự khác biệt

Hiện nay, trong thu hút đầu tư giữa doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp tư nhân không có sự khác biệt nhiều trong các chính sách ưu đãi về thuế. Các chính sách chỉ tập trung cho ưu tiên ngành nghề, lĩnh vực, quy mô, địa bàn...Tuy nhiên, trong việc thực thi chính sách, doanh nghiệp tư nhân cần được đối xử công bằng hơn.

Một giám đốc doanh nghiệp ngành lương thực phẩm ở TP.HCM cho biết, ông từng làm quản lý cho doanh nghiệp FDI và nay thì làm cho doanh nghiệp tư nhân. Ông thấy có lúc, có nơi doanh nghiệp FDI một năm chỉ bị kiểm tra 1-2 lần, trong khi doanh nghiệp từ nhân trong nước bị kiểm tra đến 5-6 lần.

Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại

Hiện nay, so với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân trong nước còn hạn chế tiềm lực về vốn, công nghệ, nhân sự và tiếp cận thị trường. Phần lớn doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chính vì vậy, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), Giám đốc Công ty luật Phạm Hưng cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thì doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến thương mại…

Trong đó, có cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với hiệp hội, bộ, ngành tạo ra cơ chế cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp. "Ví dụ như doanh nghiệp muốn xuất khẩu cà phê qua một nước ở Ả Rập, nếu gọi cho tổng lãnh sự, thương vụ ở nước ngoài hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp về chính sách, giá cả, quy định của nước đó về sản phẩm nông nghiệp thì doanh nghiệp trong nước sẽ tìm cách đưa hàng ra nước ngoài dễ hơn", Luật sư Phạm Ngọc Hưng chia sẻ.

Doanh nghiệp tư nhân cần hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến thương mại

Doanh nghiệp tư nhân cần hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến thương mại

Về lâu dài, tăng trưởng kinh tế không thể chỉ trông chờ vào doanh nghiệp FDI. Kinh tế tư nhân thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ của khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào GDP có giai đoạn đạt đến 45%, cao hơn cả khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, kinh tế khu vực tư nhân nhiều nhưng yếu, nếu không cải thiện chất lượng, triển vọng kinh tế thời gian tới không thể sáng sủa. Trọng tâm chính sách của đất nước phải tập trung để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-chua-thuc-hien-toi-noi-toi-chon-post1155052.vov
Zalo