Giải bài toán chống ngập cho TP Thủ Đức
TP Thủ Đức cần có đề án tổng thể về giảm ngập, song song đó xây dựng quy chuẩn riêng, phù hợp với đặc thù của địa phương
Sáng 31-5, UBND TP Thủ Đức (TP HCM) phối hợp với Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi tổ chức tọa đàm với chủ đề "Thực trạng và giải pháp giảm ngập nước trên địa bàn TP Thủ Đức".
Cần có quy chuẩn thoát nước riêng
Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Phó Viện trưởng Viện Môi trường Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM, đưa ra cảnh báo: "Với những nguyên nhân gây ngập như hiện nay, nếu chúng ta không làm gì hết thì trong tương lai TP Thủ Đức sẽ ngập ngày càng nhiều hơn, trầm trọng hơn".
Về giải pháp chống ngập cho TP Thủ Đức, theo PGS-TS Châu Nguyễn Xuân Quang, phải có đề án nghiên cứu tổng thể, triển khai càng sớm thì càng có lợi cho TP Thủ Đức. "Nếu chúng ta cứ chống ngập theo kiểu thầy bói xem voi, không có số liệu mà cứ phán đoán là một sự lãng phí lớn" - ông Châu Nguyễn Xuân Quang nói.
Cũng theo PGS-TS Châu Nguyễn Xuân Quang, cần tiếp cận hướng thoát nước bền vững. Cụ thể, tăng cường khả năng thấm, trữ, tái sử dụng nước mưa, chỉ thoát khi cần thiết. Ông cũng đề xuất nên có một tiêu chuẩn thoát nước riêng ở TP HCM.
Đồng quan điểm, TS Ngô Châu Phương (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cũng cho rằng TP HCM cần có quy chuẩn địa phương liên quan đến vấn đề thoát nước. Quy chuẩn này được nghiên cứu, xây dựng dựa trên những điều kiện đặc thù của TP HCM.
Theo TS Ngô Châu Phương, TP Thủ Đức phải ưu tiên thực hiện kiên cố hóa các hệ thống kênh, rạch kết hợp với đường giao thông. Cần ưu tiên thực hiện các giải pháp trữ nước vì hệ thống cống, rãnh hiện nay chủ yếu được thiết kế để thoát nước, chưa có chức năng trữ nước. Để có chức năng này cần tăng thêm kích thước cống; các phần diện tích giao thông trên mặt đường cũng có thể tạo thành những điểm trữ nước và sẽ tiêu thoát dần.
Vận dụng Nghị quyết 98
Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Tính, Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi, TP Thủ Đức phải tuân theo quy hoạch chống ngập của TP HCM. Dựa trên quy hoạch này, TP Thủ Đức có một quy hoạch bài bản cho tiêu thoát nước. Về lâu dài, TP HCM cần nghiên cứu, tham mưu và có những đề xuất liên quan đến các tiêu chuẩn thiết kế trong công tác chống ngập dựa trên đặc thù của địa phương.
Ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết địa phương này sẽ sớm thực hiện đề án tổng thể về giảm ngập trên địa bàn. Vận dụng Nghị quyết 98 để có nguồn kinh phí xây dựng đề án tổng thể mang tính khoa học, đầy đủ nhất về công tác giảm ngập trên địa bàn TP Thủ Đức.
Trước mắt, TP Thủ Đức sẽ triển khai một số giải pháp nhằm giảm thiểu ngập, đặc biệt là tại khu vực chợ Thủ Đức. Hiện TP Thủ Đức đã chuẩn bị sẵn một số dự án như mở rộng rạch Cầu Ngang, dự án thoát nước đường Dương Văn Cam, dự án cải tạo rạch Thủ Đức… Dự kiến kinh phí để thực hiện các dự án này khoảng hơn 4.000 tỉ đồng. TP Thủ Đức cũng sẽ đề xuất TP HCM đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, TP Thủ Đức sẽ nghiên cứu xây dựng thí điểm một số điểm trữ nước tại một số công trình như trường học, công viên để làm giảm lượng nước đổ dồn về khu vực chợ Thủ Đức.
3 điểm ngập cần giải quyết ngay
Ông Lưu Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng Giao thông công chính TP Thủ Đức, cho biết trên địa bàn TP Thủ Đức còn 24 điểm ngập và 13 điểm theo dõi ngập.
Ba khu vực tập trung nhiều điểm ngập cần giải quyết ngay: khu vực phường Thảo Điền; khu vực phường Hiệp Phú - Tăng Nhơn Phú A và khu vực phường Linh Tây, Trường Thọ.