Giá tiền số Pi lao dốc, điều gì đang xảy ra?
Cơn sốt tiền số Pi đang diễn ra nhưng giá đồng tiền này đang có xu hướng giảm dần đều.
Ngày 20-2, tiền số Pi chính thức niêm yết trên nhiều sàn giao dịch. Điều này cho phép những người đào Pi trước đó có thể thuận tiền giao dịch và chuyển thành tiền mặt, tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới trải dài khắp các quốc gia như Iran, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc,...
Ngay những giờ phút khớp lệnh trên sàn, sức nóng diễn ra ngay lập tức khi tiền số Pi đã có lúc nhảy vọt lên trên 2 USD/Pi, sau đó có những nhịp rơi xuống 1,6 USD. Giá trị thanh khoản của tiền số Pi leo lên đến hơn 250 triệu USD.
Tuy nhiên, bước sang ngày 21-2, giá tiền số Pi biến động mạnh, hiện chỉ còn khoảng trên 0,8 USD. Theo giới phân tích, có nhiều nhân tố tác động đến cú lao dốc của giá tiền số Pi.

Nhà đầu tư chưa thể vui vì giá tiền số Pi lao dốc.
Đầu tiên là hiệu ứng lên sàn khiến giới đầu tư bị cuốn theo FOMO đã đổ xô vào mua khiến đẩy giá tiền số Pi lên cao. Tuy nhiên, khi giá đạt đến một mức nhất định, những người mua sau nhận thấy rủi ro và bắt đầu bán tháo, khiến giá lao dốc.
Một số nhà đầu cơ có thể lợi dụng sự quan tâm của cộng đồng đối với Pi để thao túng giá, đẩy giá lên cao rồi bán tháo để thu lợi nhuận.
Tiền số Pi là một dự án blockchain cho phép người dùng khai thác tiền điện tử thông qua ứng dụng di động. Không giống như Bitcoin, đòi hỏi thiết bị khai thác đắt tiền, Pi có thể kiếm được bằng cách xác minh sự hiện diện trên ứng dụng điện thoại hàng ngày.
Chính việc đào Pi đơn giản, nên đồng tiền này không có quá nhiều giá trị do độ khan hiếm tạo nên. Vì nhiều người có tiền Pi và khao khát bán ra để hiện thực hóa ước mơ có tiền thật, dẫn đến khối lượng cung lớn, trong khi cầu ít, đã dẫn đến việc giá lao dốc.