Giá thành sản xuất cao 'làm khó' ngành tôm
Hạ tầng vùng nuôi tôm nhiều nơi chưa bảo đảm, nguồn tôm bố mẹ phụ thuộc vào nhập khẩu, nguy cơ dịch bệnh lớn, giá thành sản xuất cao... Đây là những khó khăn ngành tôm phải vượt qua để đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm nay.
Vẫn nhiều khó khăn
Cục Thủy sản cho biết, năm 2025, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 - 270.000 con (trong đó tôm thẻ chân trắng 200.000 - 210.000, tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140 - 150 tỷ con (trong đó, tôm thẻ chân trắng 100 - 110 tỷ con và tôm sú 30 - 40 tỷ con). Ngành cũng đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm đạt 750.000ha (tôm sú 630.000ha, tôm thẻ 120.000ha), sản lượng tôm các loại 1,3 - 1,4 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu từ 4 - 4,3 tỷ USD, cao hơn kết quả đạt được của năm 2024 là 3,95 tỷ USD.
Theo Cục Thủy sản, phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đạt mục tiêu này. Đó là hạ tầng vùng nuôi tôm nhiều nơi chưa bảo đảm, nguồn tôm bố mẹ phụ thuộc vào nhập khẩu, giá thành sản xuất vẫn cao - chủ yếu do chi phí thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 55 - 57,2% trong giá thành nuôi. Đặc biệt, nghề nuôi tôm vẫn tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Hiện nay có 5 tỉnh đã quyết định thành lập các khu ứng dụng công nghệ cao và phức hợp sản xuất tôm hiện đại. Cụ thể: (1) Bạc Liêu với quy mô 418,91ha; (2) Bà Rịa - Vũng Tàu, rộng 303,5ha; (3) Bình Định, nơi có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 406ha và tổng vốn đầu tư lên đến 2.002 tỷ đồng; (4) Quảng Ninh với quy mô 169,5ha; và (5) Kiên Giang, nơi UBND tỉnh đã công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho Công ty CP Trung Sơn.
Bạc Liêu là tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao (chiếm hơn 50% của vùng và khoảng 22% cả nước). Năm 2024, tỉnh sản xuất được 38 tỷ post tôm sú giống và tôm canh trắng và 900 triệu con tôm càng xanh giống, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,2 tỷ USD, trong đó sản phẩm tôm là 1,13 tỷ USD. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng cho hay, giá tôm nguyên liệu trong giai đoạn này đang biến động theo chiều hướng giảm sâu, trong khi giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao, gây khó khăn rất lớn cho người nuôi tôm.
Về thị trường, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa thực sự ổn định, ảnh hưởng đến sức mua và tiêu thụ sản phẩm tôm. Dự báo năm 2025, xuất khẩu tôm sẽ tăng trưởng nhờ vào sự điều chỉnh chiến lược sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng áp lực cạnh tranh từ các nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới như Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan vẫn rất lớn. Ngoài ra, các quy định nghiêm ngặt từ thị trường Mỹ, EU về truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng càng khiến doanh nghiệp xuất khẩu phải nâng cao năng lực cạnh tranh để giữ vững thị phần.
Xây dựng nguồn giống chất lượng cao
Tại hội nghị "Phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025" mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và tạo sự bứt phá để ngành tôm phát triển bền vững, các địa phương, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần chú ý xây dựng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi, giảm dịch bệnh.
Năm 2024, tôm Việt Nam đã xuất khẩu đến 107 thị trường, tăng thêm 5 thị trường so với năm 2023. Top 5 thị trường chính gồm: Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Nhóm thị trường này chiếm tới 76% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Bước sang năm 2025, tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1.2025, với giá trị xuất khẩu đạt 273 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Cùng với đó, cần có cơ chế chính sách để giải quyết những vấn đề về kỹ thuật nuôi; đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistic; tổ chức lại khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại... "Giải quyết các vấn đề này một cách đồng bộ, chặt chẽ mới tạo ra cạnh tranh tốt hơn ở thị trường tôm thế giới, đưa ngành tôm bứt phá, đạt được mục tiêu 10 tỷ USD trong thời gian tới", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Dưới góc độ địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đề xuất, cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá cả vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm, tránh tình trạng tăng giá liên tục như hiện nay. Cùng với đó, có giải pháp ổn định giá tôm nguyên liệu, tránh để tình trạng tôm giảm giá sâu ảnh hưởng đến sản xuất của người dân; hỗ trợ vốn để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp để ngành tôm phát triển bền vững. Nguồn: ITN
Tương tự, Chi Cục Thủy sản Sóc Trăng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan liên quan quan tâm đến vấn đề tái cấu trúc nguồn vốn vay ngân hàng để hỗ trợ nghề nuôi tôm nước lợ. Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nuôi tôm thông qua liên kết chuỗi; xem xét đưa thức ăn tôm vào mặt hàng kiểm soát giá…
Trước những thách thức hiện hữu, để đạt được kế hoạch năm 2025, tận dụng các cơ hội đưa ngành tôm phát triển bền vững, Cục Thủy sản cho biết, tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng giống tôm; nghiên cứu, phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao để cải thiện năng suất. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thời tiết, nhu cầu thị trường để kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất, nuôi trồng...
Cục Thủy sản đề nghị các địa phương bố trí đủ nguồn lực, tài chính, nhân lực; ưu tiên hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông đầu mối cho vùng nuôi tôm trọng điểm của địa phương. Phía Hiệp hội, ngành hàng quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.
Cục Thủy sản cũng khuyến cáo doanh nghiệp và người nuôi tôm xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh và tình hình mới của ngành tôm trong nước và toàn cầu; nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.