Phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho tương lai

Năm 2024 đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia với nhiều bứt phá. Trong đó, phát triển hạ tầng số đạt được một số thành tựu, qua đó, góp phần vào sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Đầu tư hạ tầng số làm nền tảng trong chuyển đổi số.

Đầu tư hạ tầng số làm nền tảng trong chuyển đổi số.

Đấu giá thành công quyền sử dụng tần số

Lần đầu tiên sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua, Việt Nam đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số, thu về cho ngân sách Nhà nước 12.697 tỷ đồng, tăng 88% số lượng tần số di động đã cấp cho các DN.

Qua đó, giúp DN nâng cao chất lượng dịch vụ, cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia. Mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G, là cơ sở để phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, làm tiền đề thương mại hóa dịch vụ 5G của các DN viễn thông hiện nay. Đồng thời, giải quyết được điểm nghẽn là DN cần tần số mà lâu nay chưa cấp được.

Hiện, dịch vụ viễn thông 5G đã được các DN viễn thông cung cấp đến 63 địa phương. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 5G toàn quốc đạt 25,5%, tỷ lệ dân số được phủ sóng 5G khu vực thủ phủ tỉnh đạt 93,34%. Việt Nam là một trong sáu quốc gia làm chủ công nghệ 5G.

Trong khi đó, việc dừng cung cấp dịch vụ 2G only giúp giảm chi phí vận hành và tối ưu băng tần, thúc đẩy người dân chuyển sang dùng điện thoại thông minh. Từ đó, gia tăng tiếp cận các dịch vụ số, đặc biệt là dịch vụ hành chính công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.

Xác lập thêm 678 cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực

Năm 2024, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng, phát triển, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL ngành, lĩnh vực và đẩy mạnh kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để đảm bảo nguyên tắc dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống".

Theo đó, 3 loại dữ liệu lõi, tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số (bao gồm dữ liệu về con người, DN và đất đai) đã, đang được xây dựng, hoàn thành. Các CSDL quốc gia này đang được làm giàu, khai thác, mở rộng để phục vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể, năm 2024, xác lập thêm 4 CSDL quốc gia ưu tiên, nâng tổng số CSDL quốc gia ưu tiên triển khai là 10 (trong đó, 5 CSDL quốc gia đã hoàn thành, khai thác sử dụng; 3 CSDL đang triển khai; 2 CSDL đã có kế hoạch, bắt đầu triển khai); xác lập thêm 678 CSDL các ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành, địa phương, tăng 30% (từ 2.312 CSDL lên 2.990 CSDL bao gồm cả các cơ sở dữ liệu đã, đang và có kế hoạch xây dựng).

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã thực hiện xây dựng CSDL tích hợp các lĩnh vực quản lý liên quan tới DN (thuế, hải quan) để tạo thành CSDL phản ánh 360 độ về DN, giúp cơ quan quản lý nắm rõ "sức khỏe" cùa DN Việt Nam.

Hơn 50 triệu hồ sơ khách hàng được đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD

Các bộ, ngành, địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh kết nối các CSDL thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để chia sẻ, khai thác sử dụng dữ liệu trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực. Năm 2024, tăng trưởng 57% số giao dịch (từ 647 triệu năm 2023 lên 1.013 triệu giao dịch năm 2024).

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (National Data Exchange Platform - NDXP) đã kết nối 28 hệ thống với 94 cơ quan. CSDL quốc gia về dân cư kết nối và chia sẻ dữ liệu cho 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 DN (tăng 2 bộ, ngành so với năm 2023). CSDL quốc gia về cán bộ công chức, viên chức kết nối với 36 bộ, ngành và 63 địa phương,...

Các CSDL quốc gia đã hoàn thành tiếp tục được khai thác, chia sẻ sử dụng hiệu quả. Qua đó, giúp đồng bộ thông tin dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý nhà nước, giảm sai sót, giảm thời gian xử lý thông tin.

Trong đó, CSDL quốc gia về dân cư đã giúp các bộ, ngành, địa phương xác thực, đồng bộ, làm sạch thêm hàng trăm triệu dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và quản lý của các bộ, ngành, địa phương.

Hơn 50 triệu hồ sơ khách hàng được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chip và qua ứng dụng VNeID (tăng gần 4 triệu hồ sơ so với tháng 10/2024); 30 tổ chức tín dụng và 13 đơn vị trung gian thanh toán đang triển khai mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng bằng ứng dụng VNeID.

Đặc biệt, lần đầu tiên, dữ liệu dân cư và dữ liệu đất đai được khai thác, chia sẻ, sử dụng trong giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký cư trú (tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương).

Cũng trong năm 2024, có thêm 21 bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, nâng tổng số cơ quan, địa phương đã ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở lên 75 cơ quan, địa phương… Số cổng dữ liệu mở đã được xây dựng (bao gồm cả thử nghiệm) đạt hơn 30 cổng dữ liệu và đang tích cực gia tăng trong thời gian tới…

Việt Nam không chỉ xác định hạ tầng số là nền tảng cho tương lai mà còn là động lực để thúc đẩy bứt phá trong lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần vào sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Quỳnh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-ha-tang-so-lam-nen-tang-cho-tuong-lai.html
Zalo