Xuất khẩu khí đốt sang Ấn Độ, cơ hội 'hốt bạc' cho Mỹ

Các công ty khí đốt của Mỹ có thể sẽ trở thành đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ cam kết của Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi về đưa Ấn Độ trở thành một nước nhập khẩu lớn năng lượng từ Mỹ...

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, tháng 2/2024 - Ảnh: ANI.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, tháng 2/2024 - Ảnh: ANI.

Theo giới phân tích, cơ sở cho nhận định này là Ấn Độ - nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới - đang có nhu cầu rất lớn về năng lượng hóa thạch.

Trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào tuần trước - lần đầu tiên kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai - ông Trump và ông Modi đã nhất trí tăng cường xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Mỹ sang Ấn Độ như một cách để đưa quan hệ thương mại giữa hai nước về trạng thái cân bằng hơn.

CHÌA KHÓA GIẢI QUYẾT MẤT CÂN ĐỐI THƯƠNG MẠI

Ở thời điểm hiện tại, Nga đang là nhà cung cấp dầu thô chính cho Ấn Độ, trong khi Qatar là nhà cung ứng lớn nhất của Ấn Độ về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Về phần mình, Mỹ hiện là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới và đã chiếm khoảng 1/5 lượng LNG nhập khẩu của Ấn Độ trong năm 2024. Tuy nhiên, cam kết của hai nhà lãnh đạo - được đưa ra sau khi ông Trump gọi Ấn Độ là “vua thuế quan” và “kẻ lạm dụng lớn thuế quan”, kèm theo cảnh báo đánh thuế quan có đi có lại - có khả năng sẽ mở rộng thị trường cho các nhà xuất khẩu khí đốt Mỹ.

“Khí đốt sẽ là một thỏa thuận thực sự. Ấn Độ là một trong những thị trường lớn cuối cùng còn lại trên toàn cầu chưa được khai thác hết cho mặt hàng khí đốt”, ông Rajeev Lala, Giám đốc chương trình giải pháp thượng nguồn của công ty S&P Global, nhận định với tờ báo Financial Times.

Ông Arvinder Singh Sahney, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (IOC), một trong những nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất của nước này, cho biết khi giá xuất khẩu khí đốt của Mỹ ổn định hơn, “chúng tôi sẵn sàng nhập thêm khí đốt” từ Mỹ.

Trong một báo cáo công bố tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Ấn Độ sẽ tăng gần 60% trong thời gian từ nay tới năm 2030, lượng nhập khẩu LNG của nước này có thể tăng hơn gấp đôi trong cùng khoảng thời gian do nhu cầu khí đốt tăng trưởng ổn định nhưng sản lượng khí đốt trong nước tăng chậm hơn nhiều. Năm 2023, tổng sản lượng khí đốt ròng của Ấn Độ chỉ đáp ứng được khoảng một nửa nhu cầu của nước này.

Bộ trưởng Bộ Dầu khí Ấn Độ Hardeep Singh Puri nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn trước cuộc gặp giữa ông Trump và ông Modi: “Có khả năng Ấn Độ sẽ mua nhiều khí đốt hơn từ tất cả các nguồn. Ấn Độ có nhu cầu lớn về năng lượng”.

Ông Puri cho biết thêm: “Quyết định chính sách cơ bản của Chính phủ Ấn Độ là nâng tỷ lệ khí đốt tự nhiên trong cơ cấu năng lượng của đất nước từ 6% hiện nay lên mức 15% vào năm 2030”, nên Ấn Độ sẽ cần nhập khẩu thêm khí đốt.

Các công ty Ấn Độ gần đây đã ký các thỏa thuận mua khí đốt với các quốc gia xa xôi như Argentina. Ông Puri cũng nhấn mạnh rằng Ấn Độ hiện đang nhập khẩu mỗi năm 20 tỷ USD năng lượng từ Mỹ. Bằng cách tăng cường mua hàng Mỹ, “có vẻ như năng lượng, dầu thô và khí đốt sẽ giúp Ấn Độ có thể giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ”. Năm ngoái, thặng dư thương mại Ấn - Mỹ đạt khoảng 35 tỷ USD.

Chuyên gia Kevin Book đến từ công ty nghiên cứu ClearView Energy Partners, nhận định: “Việc mua năng lượng hóa thạch của Mỹ có vẻ là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Ông Trump muốn Ấn Độ giải quyết vấn đề thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách mua thêm dầu khí Mỹ”.

LNG MỸ "KHAO KHÁT" THỊ TRƯỜNG ẤN ĐỘ

Từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022, Ấn Độ đã mua mạnh dầu thô giá rẻ từ Nga, nhất là sau khi dầu Nga bị nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) áp trần giá. Năm ngoái, Nga là nhà cung cấp 1/3 lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ, tương đương khoảng 630 triệu thùng dầu.

Trong khi đó, Mỹ chỉ cung cấp được cho Ấn Độ số lượng dầu bằng 1/10 so với Nga, tức 65 triệu thùng - theo dữ liệu từ công ty LSEG.

Các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn mà chính quyền Tổng thống Joe Biden thông qua vào tháng 1 vừa qua có thể cản trở khả năng của Ấn Độ trong việc nhập khẩu dầu giá rẻ từ Nga, và do đó tạo cơ hội cho dầu Mỹ được nước này mua nhiều hơn.

Ông Shilan Shah, nhà kinh tế cấp cao tại công ty nghiên cứu Capital Economics, cho biết giá dầu Nga hiện chỉ còn thấp hơn một chút so với giá thị trường. Tuy nhiên, khoảng cách xa giữa Mỹ và Ấn Độ, so với các tuyến vận tải ngắn hơn từ nhà cung cấp ở Trung Đông và thách thức kỹ thuật đối với các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ trong việc chuyển đổi giữa các loại dầu thô khác nhau, có thể hạn chế lượng nhập khẩu dầu từ Mỹ.

Ông Book cho rằng các nhà xuất khẩu dầu khí Mỹ sẽ hoan nghênh các cơ hội giao thương ngày càng tăng ở châu Á, đồng thời lưu ý khả năng có một thỏa thuận hòa bình giữa Moscow và Kiev có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga. Diễn biến như vậy rốt cục có thể dẫn đến việc nối lại đường ống khí đốt giá rẻ của Nga sang châu Âu và châu Âu sẽ không cần phải nhập khẩu nhiều LNG đắt đỏ hơn từ Mỹ vận chuyển bằng tàu biển.

Ngành công nghiệp LNG của Mỹ cho biết họ sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ, vì các công ty tư nhân trong lĩnh vực này đang có những kế hoạch tăng trưởng quyết liệt thông qua việc xây dựng các cảng xuất khẩu LNG mới.

Công ty Venture Global, một trong những nhà cung cấp LNG lớn nhất ở Mỹ, cho biết họ có năng lực cung cấp thêm khí đốt cho Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác sau khi khởi động nhà máy hóa lỏng Plaquemines khổng lồ ở bang Louisiana vào tháng 12/2024.

“Chúng tôi có vị trí tốt và có khả năng thực hiện cam kết của Tổng thống Trump về cung cấp thêm LNG cho các đồng minh của Mỹ để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng”, CEO Mike Sabel của Venture Global cho biết.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-khi-dot-sang-an-do-co-hoi-hot-bac-cho-my.htm
Zalo