Gia tăng người bị rắn độc, rết cắn khi dọn nhà sau bão Yagi
Mới đây, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bị rắn, rết cắn khi đang dọn nhà sau bão.
Bà N.T.M.H. (53 tuổi, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bị rết cắn vào bàn chân phải khi đang dọn vườn sau bão. Khi bệnh nhân được đưa vào viện, vết cắn đã chảy máu, xung quanh sưng nề, đỏ. Các bác sĩ đã tiến hành vệ sinh vết thương, tiêm uốn ván, giảm đau, truyền dịch.
Trường hợp thứ hai là ông B.V.S. (47 tuổi, xã Tiền An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Trước đó, khi đang dọn dẹp sau bão, ông S. bị rết cắn vào tay. Ngón 1 bàn tay phải của bệnh nhân có dấu hiệu sưng nề, đỏ, đau nhức nhiều, không xuất huyết dưới da, hạch ngoại biên không sưng, tuyến giáp không to.
Bác sĩ đã xử trí bằng cách vệ sinh vết cắn, tiêm uốn ván, giảm đau, truyền dịch, xét nghiệm và theo dõi toàn trạng. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, bàn tay tại vết rết cắn đỡ đau nhức, sưng nề.
Trước đó, rạng sáng 8/9, khi bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận, điều trị cho liên tiếp 9 trường hợp bị rắn độc và các động vật gây độc khác cắn, chiếm phần lớn số ca nhập viện.
Đa phần, người dân bị cắn/đốt khi ra ngoài kiểm tra sân vườn, ruộng trong và sau bão, buộc phải tiếp xúc với các các bờ cây, bụi cỏ, đống rác hay lá cây, điều kiện quan sát hạn chế. Thậm chí, có trường hợp rắn độc chui vào nhà cắn khi bệnh nhân đang ngủ.
Rết là loài động vật khá hung dữ và dễ tấn công con người khi vô tình bị chạm phải. Bác sĩ Bùi Thị Ngọc, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên, hướng dẫn nếu không may bị rết cắn, vị trí cắn có thể sưng, nóng, đỏ đau. Các trường hợp có tiền sử dị ứng với côn trùng đốt thì có thể dẫn đến chóng mặt, ù tai, sốt và số ít có thể bị sốc phản vệ.
Vết cắn do rắn độc để lại thường đau, sưng nề, hoại tử, nhiễm trùng, tàn phế, thậm chí không qua khỏi. Các loài rắn như rắn cạp nong, cạp nia, rắn hổ chúa, rắn hổ mang cắn có thể gây liệt dẫn tới suy hô hấp và không thể cứu sống nếu không được cấp cứu kịp thời. Nọc của các loài rắn lục thường gây rối loạn đông máu, cầm máu dẫn tới chảy máu…
Khi bị rắn, rết cắn nói riêng và côn trùng đốt nói chung, nhiều người chưa biết cách xử lý hoặc xử lý không đúng sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo khi bị côn trùng cắn, việc đầu tiên cần làm là rửa sạch vết thương, vết cắn dưới vòi nước chảy. Có thể rửa vết thương với xà phòng và rửa lại bằng nước sạch. Sau khi rửa có thể chườm lạnh tại chỗ giúp giảm đau và giảm sưng.
Nếu vết cắn lớn và có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, cần khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để có các biện pháp can thiệp kịp thời. Tuyệt đối không nên xoa bóp xung quanh vết thương để tránh làm chất độc phát tán nhanh. Không đắp hoặc bôi bất cứ loại thuốc gì khi không có hướng dẫn của bác sĩ để tránh nguy hại đến tính mạng.