Trẻ sưng đau vùng háng, khó ngồi, cảnh giác với viêm khớp háng
Nhiều người cho rằng viêm khớp háng chỉ xảy ra ở người lớn, tuy nhiên bệnh cũng có thể gặp ở trẻ em, đặc biệt bé trai từ 7 – 14 tuổi. Ghi nhận thực tế viêm khớp háng ở trẻ thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, xuất hiện biến chứng, gây khó khăn cho việc điều trị.
Có liên quan mật thiết tới chức năng vận động của cơ thể, viêm khớp háng ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng tới khả năng đi lại, nguy cơ cao gây thoái hóa khớp khi lớn lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Vì sao trẻ bị viêm khớp háng?
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây viêm khớp háng ở trẻ. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy viêm khớp háng có thể do các yếu tố trong đó có thể là:
Do chấn thương
Trẻ bị chấn thương ở vùng đầu gối nhiều lần hoặc chấn thương trong thời gian dài không được điều trị, điều trị sai cách cũng có thể gây đau, sưng viêm khớp háng.
Do nhiễm virus
Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu nên rất dễ bị virus, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Viêm khớp háng cũng là một trong những bệnh do virus, vi khuẩn gây ra.
Do yếu tố di truyền
Nếu trong gia đình có người nhà mắc các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp háng, viêm khớp háng thì trẻ cũng có khả năng cao mắc bệnh.
Do thừa cân, béo phì
Những trẻ quá béo, cân nặng tăng nhanh và vượt mức cho phép làm tăng tổn thương lên khớp háng và gây viêm khớp háng.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm khớp háng ở trẻ
Do bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ, các triệu chứng lại không rõ ràng vì vậy rất khó để trẻ tự chủ động phát hiện, mô tả chính xác bệnh với người lớn, nhất là lúc bệnh mới khởi phát. Do đó, nếu để ý thấy trẻ gặp các vấn đề sau bố mẹ cần nghi ngờ ngay đến bệnh viêm khớp háng ở trẻ em và đưa trẻ đi khám ngay:
Chân trẻ bước khập khiễng, khó xoay khớp háng, ngồi xổm khó khăn.
Trẻ khó chịu, đau khớp háng thường xuyên, hạn chế vận động.
Sưng đau vùng háng, xương chậu.
Ngoài ra, còn có thể có một số triệu chứng đi kèm như: sốt cao (lúc này khớp háng đã bị viêm, sưng), viêm nhiễm tai mũi họng, tiêu hóa bị rối loạn (gây sụt cân do mệt mỏi biếng ăn)…
Trong trường hợp viêm khớp háng ở trẻ em kéo dài, không được điều trị sẽ xuất hiện những triệu chứng nặng là đau dữ dội khớp háng. Khi đó, ngay cả việc mặc quần hoặc ngồi cũng khá khó khăn với trẻ.
Để chẩn đoán xác định viêm khớp háng các bác sĩ chỉ định trẻ chụp X- quang hoặc chụp MRI để xác định mức độ bệnh viêm khớp háng. Trên cơ sở đó, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân.
Điều trị viêm khớp háng ở trẻ
Viêm khớp háng ở trẻ nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể phục hồi hoàn toàn chỏm xương đùi, trẻ có thể phát triển bình thường. Ngược lại nếu điều trị ở giai đoạn muộn, chỏm xương đùi bị tiêu đi, sẽ khó khăn cho quá trình điều trị và có thể để lại biến chứng, tiến triển thoái hóa khớp.
Tùy vào mức độ nặng – nhẹ của viêm khớp háng ở trẻ, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị viêm khớp háng ở trẻ em có thể được áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp tùy từng trường hợp cụ thể:
Điều trị nội khoa: Dùng thuốc kháng sinh để giúp trẻ giảm sưng viêm, giảm đau. Tuy nhiên có thể xảy ra tác dụng phụ do dùng kháng sinh.
Vật lý trị liệu: Phương pháp này thường được kết hợp với điều trị nội khoa để tránh tình trạng viêm của trẻ chuyển biến xấu hơn, cải thiện bệnh lý theo hướng tích cực. Tuy nhiên, bố mẹ cần giúp trẻ tuân thủ lịch tập và hỗ trợ tập đúng cách theo hướng dẫn của những người có chuyên môn.
Chỉnh hình khớp: Áp dụng với những trường hợp trẻ bị viêm khớp háng nặng để không ảnh hưởng tới khả năng đi lại của trẻ sau này. Với điều trị chỉnh hình khớp, trẻ cần hạn chế đi lại, vận động.
Phẫu thuật: Đây là phương pháp cuối cùng được sử dụng để điều trị viêm khớp háng ở trẻ em khi 3 phương pháp trên không mang lại hiệu quả như mong muốn. Phương pháp này có thể xảy ra những rủi ro. Chưa kể, trẻ cũng có thể được chỉ định thay khớp háng nhân tạo.
Tóm lại: viêm khớp háng ở trẻ là vấn đề thường gặp, ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ cha mẹ cần xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý. Thường xuyên bổ sung nhiều canxi, vitamin D và omega 3 qua thực phẩm để tốt cho xương khớp. Bổ sung những thức ăn giàu vitamin từ rau xanh và trái cây.
Tạo cho trẻ thói quen vận động và tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch. Không nên cho trẻ vận động quá nhiều, không đứng hoặc ngồi lâu một chỗ. Hạn chế lên xuống cầu thang liên tục vì có thể gây ảnh hưởng đến xương khớp.
Điều quan trọng cha mẹ cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ tại nhà và đưa bé đi khám ngay nếu có biểu hiện đau nhức khớp háng hoặc tái phát lại do chấn thương, vận động quá mức.