Ớt, chanh leo, tổ yến và cám gạo sắp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ký các nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch mặt hàng ớt, chanh leo, tổ yến và cám gạo sang Trung Quốc.
Các nghị định thư được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4.
Các nghị định thư vừa được ký kết gồm: Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả ớt xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu an toàn và kiểm dịch động, thực vật đối với cám gạo và cám gạo chiết ly làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với các sản phẩm tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Chanh leo và ớt Việt Nam được thí điểm xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức nghị định thư từ năm 2022. Tính đến tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 10.000 tấn ớt, tổng kim ngạch trên 24 triệu USD. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất, chiếm gần 80% thị phần, tiếp sau đó là Lào với hơn 14%.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi thống kê tỉnh có khoảng 2.500 ha trồng ớt, tập trung chủ yếu ở huyện Bình Sơn và Tư Nghĩa. Trong đó, huyện Bình Sơn có diện tích lớn nhất với khoảng 1.000 ha.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), diện tích trồng chanh leo cả nước ước hơn 12.000 ha, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, và miền núi phía Bắc cũng đang có xu hướng mở rộng diện tích loại cây trồng này. Sản lượng chanh leo mỗi năm đạt khoảng 200.000 tấn.
Những năm gần đây, Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chanh leo, trong đó tập trung vào giống chanh leo vàng và chanh leo tím.
Trên thị trường thế giới, nhu cầu xuất khẩu chanh leo quả tươi của Việt Nam lên đến hàng trăm nghìn tấn/năm, trong khi nước ép chanh cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm. Mặc dù nhu cầu lớn, nhưng sản lượng sản xuất ra vẫn thiếu, Tây Nguyên được xem là thủ phủ chanh leo của cả nước nhưng hiện cũng chỉ đủ cung cấp một phần nhu cầu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn.
14 loại nông sản Việt đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đem lại doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Năm 2024, người tiêu dùng Trung Quốc chi 4,6 tỷ USD để mua rau quả Việt. Tính riêng 11 tháng, sầu riêng đứng đầu với hơn 2,84 tỷ USD, thanh long khoảng 320 triệu USD, chuối 220 triệu USD, mít 240 triệu USD.