Giá sô-cô-la ngày càng chát do biến đổi khí hậu

Hôm nay 14.2 là ngày Lễ tình nhân và là dịp để người ta trao cho nhau thanh kẹo sô-cô-la (chocolate) đậm đà hương vị tình yêu. Nhưng càng ngày, vị tình yêu này lại càng đắt đỏ vì biến đổi khí hậu.

Mỗi năm, giá kẹo sô-cô-la lại tăng thêm vì biến đổi khí hậu

Mỗi năm, giá kẹo sô-cô-la lại tăng thêm vì biến đổi khí hậu

Các nhà nghiên cứu hôm 12.2 vừa cho biết rằng biến đổi khí hậu vào năm ngoái đã khiến mùa màng khô héo trong nhiều tuần tại các quốc gia Tây Phi. Điều cần nhớ, đây là nơi cung cấp nguồn cung sô-cô-la cho thế giới. Do đó, ảnh hưởng đến mùa màng ở Tây Phi có khả năng làm giá sô-cô-la tăng cao hơn nữa.

Vựa sô-cô-la thất thu

Những người nông dân trong khu vực cung cấp khoảng 70% sản lượng ca-cao toàn cầu. Trong những năm gần đây, họ đã phải vật lộn với nhiệt độ, dịch bệnh và lượng mưa bất thường. Tất cả các yếu tố môi trường bất lợi này đều góp phần làm giảm sản lượng. Điều đó đã khiến giá ca-cao, được sản xuất từ hạt của cây ca-cao và là thành phần chính trong sô-cô-la, tăng vọt.

Một báo cáo mới phát hiện ra rằng "biến đổi khí hậu, chủ yếu là do đốt dầu, than và khí mê-tan, đang khiến nhiệt độ tăng cao trở nên thường xuyên hơn" ở Bờ Biển Ngà, Ghana, Cameroon và Nigeria. Nghiên cứu của nhóm nghiên cứu độc lập Climate Central cũng phát hiện ra rằng xu hướng này đặc biệt rõ rệt ở Bờ Biển Ngà và Ghana, hai quốc gia sản xuất ca-cao lớn nhất.

Sử dụng dữ liệu quan sát từ 44 khu vực sản xuất ca-cao ở Tây Phi và các phần mềm máy tính, các nhà nghiên cứu đã so sánh nhiệt độ hiện giờ với một thế giới không chịu tác động của biến đổi khí hậu. Họ đã xem xét khả năng các khu vực này phải đối mặt với nhiệt độ vượt quá 32 độ C, tức là cao hơn mức được coi là tối ưu cho cây ca-cao.

Báo cáo tính toán rằng trong thập niên qua, biến đổi khí hậu đã làm tăng số tuần nhiệt độ trên 32 độ C ở Bờ Biển Ngà và Ghana thêm 3 tuần trong mùa sinh trưởng chính từ tháng 10 đến tháng 3. Năm ngoái là năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu và họ phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ tăng trên 32 độ C trong ít nhất 42 ngày ở hai phần ba diện tích được phân tích.

Các nhà nghiên cứu cho biết "nhiệt độ quá cao có thể góp phần làm giảm số lượng và chất lượng khi thu hoạch ca-cao". Nhiều yếu tố khác cũng có khả năng gây hại cho cây ca-cao và làm tăng giá, chẳng hạn như bùng nổ rệp sáp, lượng mưa cực đoan và cả yếu tố con người như nạn buôn lậu và khai thác bất hợp pháp.

Christian Aid đã công bố nghiên cứu riêng vào 12.2 về tình trạng của những người nông dân trồng ca-cao dễ bị tổn thương trước thay đổi thời tiết và các hiện tượng cực đoan do Trái đất nóng lên gây ra. Tổ chức từ thiện của Anh cảnh báo các điều kiện ở Tây Phi đã chuyển từ lượng mưa cực lớn và mùa màng bị hư hỏng trong mùa khô năm 2023 sang hạn hán năm 2024.

Giám đốc chính sách của Christian Aid là Osai Ojigho cho biết: "Trồng ca-cao là nghề mưu sinh quan trọng của nhiều người nghèo nhất trên thế giới và biến đổi khí hậu do con người gây ra đang đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế đó".

Mối đe dọa hiện hữu

Mùa màng thất bát đã góp phần thúc đẩy giá ca-cao tăng vọt kể từ cuối năm 2023 trên thị trường London và New York, nơi mặt hàng này được giao dịch. Giá ca-cao ở New York đã tăng trên 10.000 USD một tấn vào 12.2 dù thấp hơn mức đỉnh điểm là hơn 12.500 USD vào giữa tháng 12.

Giá ca-cao trước đó tại New York phần lớn dao động trong khoảng từ 2.000 đến 3.000 USD một tấn trong nhiều chục năm. Vào tháng 1, nhà sản xuất sô-cô-la Thụy Sĩ Lindt & Spruengli cho biết họ sẽ tăng giá một lần nữa trong năm nay để bù đắp cho chi phí ca-cao tăng cao.

Giáo sư Narcisa Pricope từ Đại học bang Mississippi cho biết vụ mùa này phải đối mặt với "mối đe dọa hiện hữu" chủ yếu là do tình trạng khô hạn ngày càng gia tăng ở các vùng sản xuất ca-cao. Pricope phát hiện ra rằng hơn ba phần tư diện tích đất liền của Trái đất đã trở nên khô hạn hơn trong 30 năm qua.

Giáo sư cho biết khí thải nhà kính làm nóng hành tinh là động lực lớn nhất gây ra tình trạng khô hạn này, nhưng các hoạt động làm suy thoái đất và thiên nhiên cũng đóng một vai trò quan trọng. Bà khẳng định: "Hành động tập thể chống lại tình trạng khô hạn không chỉ là cứu sô-cô-la mà còn là bảo tồn khả năng duy trì sự sống của hành tinh".

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gia-so-co-la-ngay-cang-chat-do-bien-doi-khi-hau-229285.html
Zalo