Giá sản xuất Trung Quốc giảm mạnh nhất 6 tháng, nguy cơ giảm phát lan rộng vì thương chiến Mỹ-Trung

Chỉ số giá sản xuất Trung Quốc giảm 2,7% trong tháng 4, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 10/2024. Giá tiêu dùng cũng tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp.

Khách hàng mua găng tay tại cửa hàng Wankelai ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 27/2. Ảnh: Reuters.

Khách hàng mua găng tay tại cửa hàng Wankelai ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 27/2. Ảnh: Reuters.

Giá xuất xưởng của Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 6 tháng vào tháng 4, trong khi giá tiêu dùng cũng giảm tháng thứ ba liên tiếp – cho thấy nhu cầu cần thêm các biện pháp kích thích kinh tế, trong bối cảnh Bắc Kinh vật lộn với những hệ lụy từ chiến tranh thương mại với Mỹ.

Một thị trường bất động sản suy thoái kéo dài, nợ hộ gia đình cao và tình trạng thiếu an toàn việc làm đã cản trở đầu tư và chi tiêu tiêu dùng, duy trì áp lực giảm phát. Giờ đây, nền kinh tế Trung Quốc còn phải đối mặt với rủi ro bên ngoài gia tăng do các rào cản thương mại.

Tuy nhiên, vẫn có hy vọng về việc hạ nhiệt căng thẳng khi vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung dự kiến diễn ra tại Thụy Sĩ trong hôm 10/5.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 2,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái – sâu hơn mức giảm 2,5% của tháng 3 nhưng thấp hơn dự báo giảm 2,8% từ các nhà kinh tế, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia công bố hôm thứ Bảy.

“Trung Quốc vẫn đang đối mặt với áp lực giảm phát kéo dài”, ông Trương Trí Vi, Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định. “Áp lực này có thể gia tăng trong những tháng tới khi xuất khẩu có khả năng tiếp tục suy yếu”.

“Ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ đạt được tiến triển trong đàm phán và cắt giảm thuế quan, thì mức thuế cũng khó quay lại thời điểm trước tháng 4”, ông nói thêm. “Trung Quốc cần chính sách tài khóa chủ động hơn để kích cầu nội địa và giải quyết vấn đề giảm phát”.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương với mức giảm của tháng 3 và đúng với dự báo trong cuộc khảo sát của Reuters.

So với tháng trước, CPI tăng nhẹ 0,1%, trái ngược với mức giảm 0,4% của tháng 3 và cao hơn dự báo không thay đổi từ các nhà kinh tế.

Lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh) giữ ở mức 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái – không thay đổi so với tháng 3.

Chính phủ Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng trên nhiều lĩnh vực. Tuần trước, Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp kích thích mới, bao gồm cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản lớn vào hệ thống tài chính.

Khi chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục đè nặng lên xuất khẩu, các “ông lớn” bán lẻ Trung Quốc như JD.com và Freshippo (thuộc Alibaba) đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường nội địa. Điều này có thể tiếp tục kéo giá xuống khi niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn yếu do triển vọng kinh tế bất định.

Nhiều ngân hàng đầu tư toàn cầu, bao gồm Goldman Sachs, đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay xuống dưới mục tiêu chính thức khoảng 5%, lý do chính là tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại kéo dài.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/gia-san-xuat-trung-quoc-giam-manh-nhat-6-thang-nguy-co-giam-phat-lan-rong-vi-thuong-chien-my-trung-post185425.html
Zalo