Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Ai đề nghị trước, bên nào sẽ nhượng bộ?
Mỹ và Trung Quốc ngày 10-5 sẽ có cuộc đàm phán thương mại đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng, kéo theo các đòn trả đũa từ Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Trump ngày 9-5 đã đưa ra tín hiệu rõ ràng nhất cho đến nay về mong muốn hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
“Áp thuế 80% với Trung Quốc có vẻ hợp lý! Tùy ông Scott B” - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, công khai khuyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent giảm mức thuế hiện tại đối với Trung Quốc từ 145% xuống còn 80%.
Bình luận của ông Trump được đưa ra trước thềm ông Bessent dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong vào ngày 10-5 tại Geneva (Thụy Sĩ) - đánh dấu cuộc đối thoại đầu tiên giữa hai nước kể từ khi ông Trump công bố các mức thuế đối ứng.
Dưới đây là những điều cần biết trước thềm đàm phán thương mại Mỹ-Trung, theo tờ The Hill.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Trung Quốc nói Mỹ là bên yêu cầu đối thoại
Trung Quốc nhiều lần khẳng định rằng phía Mỹ là bên đề xuất các cuộc đàm phán và rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bị ép buộc ký vào một thỏa thuận thương mại bất lợi.
“Cuộc chiến thuế quan này do Mỹ khơi mào. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ tăng thuế” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến viết trên mạng xã hội X hôm 7-5.
“Trung Quốc sẵn sàng đối thoại, nhưng bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi. Việc gây sức ép hay cưỡng ép Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào đều sẽ không hiệu quả” - ông Lâm lưu ý.
Ông Trump ngay sau đó đã phản bác cách diễn đạt trên khi trả lời phóng viên tại Phòng Bầu dục.
“Họ nói chúng tôi là bên khởi xướng à? Tôi nghĩ họ nên xem lại những chuyện đã xảy ra” - ông nói.
Ông Bessent cho biết ông sẽ đi cùng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Theo tờ The Wall Street Journal, cáo buộc của Washington rằng Bắc Kinh không nỗ lực đủ để ngăn chặn fentanyl thâm nhập vào Mỹ có thể được thảo luận trong cuộc đàm phán tại Geneva.
Bên nào sẽ xuống nước trước?
Ông Edward Alden, chuyên gia cấp cao tại tổ chức Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), cho rằng chưa rõ liệu bên nào có sẵn sàng nhượng bộ để hạ nhiệt căng thẳng hay không.
“Chính quyền ông Trump dường như chỉ biết cách đàm phán theo kiểu một chiều với các đối tác thương mại nhỏ và yếu hơn, còn Trung Quốc thì sẽ không chấp nhận đàm phán trên những điều kiện như vậy” - ông Alden nhận định.
“Họ sẽ muốn cuộc đàm phán này được xem là giữa hai bên ngang hàng, với những nhượng bộ từ cả hai phía. Tôi không chắc điều đó có thể chấp nhận được về mặt chính trị đối với chính quyền ông Trump” - vị chuyên gia bổ sung.
Cuộc gặp cuối tuần này sẽ là một trong những tín hiệu đầu tiên cho thấy liệu hai bên có nhìn thấy con đường hợp tác khả thi hay không.
Ông Alden cho rằng kết quả tệ nhất sẽ là đàm phán tan vỡ công khai trước cả khi bắt đầu, điều có thể khiến thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, trong khi kịch bản tốt nhất sẽ là đạt được thỏa thuận “đình chiến” với các biện pháp thuế mới để tạo điều kiện cho quá trình đàm phán tiếp diễn.
Tuy nhiên, ông cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất là hai bên tiếp tục đối thoại mà chưa đưa ra cam kết cụ thể nào cũng như tránh đối đầu công khai.

Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin và Tổng thống Thụy Sĩ - bà Karin Keller-Sutter và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (giữa) họp tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 9-5 trước thềm các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: THE LOCAL SWITZERLAND
Những cảnh báo kinh tế
Theo The Hill, Mỹ đã bắt đầu cảm nhận tác động kinh tế từ căng thẳng thương mại với Trung Quốc, khi lưu lượng hàng hóa qua các cảng đang có dấu hiệu sụt giảm.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng ngay cả khi thuế quan hiện tại được hạ xuống trong vài tháng tới, vẫn có thể gây tổn hại lâu dài đến chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá hàng hóa tại Mỹ tăng cao. Theo các chuyên gia, một cuộc chiến thương mại kéo dài, có thể dẫn đến suy thoái và tình trạng “lạm phát đình trệ”.
Nhằm xoa dịu những lo ngại này, Bộ trưởng Bessent bày tỏ lạc quan rằng hai cường quốc sẽ đạt được đồng thuận để hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời cho rằng mức thuế hiện nay là không thể duy trì lâu dài.
Tuần này, hãng Bloomberg đưa tin về một con tàu cập cảng ở bang California (Mỹ) phải gánh khoản thuế lên đến khoảng 417 triệu USD theo quy định hiện hành — một ví dụ cho thấy mức thuế hiện tại gần như làm tê liệt hoạt động thương mại giữa hai nước.
Mỹ muốn gì?
Mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã âm ỉ từ trước khi ông Trump bước vào Nhà Trắng.
Nhiều năm qua, Mỹ liên tục kêu gọi Trung Quốc cắt giảm tình trạng sản xuất dư thừa và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hành vi phá giá và những hành động cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường toàn cầu.
Giới chuyên gia cho rằng đây sẽ là những vấn đề được nêu ra trong cuộc gặp tại Geneva cuối tuần này.
“Tôi nghĩ lần này ông Trump sẽ yêu cầu những điều căn bản như: ngừng trợ giá, ngừng gây khó dễ cho các công ty phương Tây, rồi thay đổi nền kinh tế theo hướng khuyến khích tiêu dùng nội địa” - chuyên gia Bill Reinsch, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
“Tăng tiêu dùng trong nước, hoạt động như một nền kinh tế thị trường bình thường hơn” - vị chuyên gia bổ sung.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc muốn Mỹ nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để tiếp cận tốt hơn với công nghệ tiên tiến, đồng thời dỡ bỏ mức thuế cao hiện nay.
“Tôi nghĩ cả hai bên sẽ cùng nói rằng nếu đạt được thỏa thuận về các vấn đề còn lại, thì tất nhiên, thuế của hai bên sẽ được dỡ bỏ” - theo ông Reinsch.
Tháng trước, Trung Quốc đã tăng sức ép bằng cách tạm ngừng xuất khẩu đất hiếm và nam châm – những vật liệu quan trọng đối với các ngành quốc phòng, hàng không vũ trụ và ô tô.
Chiến lược truyền thông của Trump khiến nội bộ Cộng hòa lo ngại
Ông Trump dường như đang chuẩn bị tâm lý cho người dân Mỹ rằng họ sẽ phải chi trả cao hơn cho hàng tiêu dùng, khi ông nói trong các cuộc phỏng vấn gần đây rằng trẻ em gái có thể phải chơi ít búp bê hơn vì tác động từ thuế quan.
“Tất cả những gì tôi muốn nói là: một cô bé 10 tuổi, 9 tuổi, hay 15 tuổi cũng không cần tới 37 con búp bê đâu. Cháu có thể hạnh phúc với 2, 3, 4 hoặc 5 con thôi” - ông Trump nói.
Cách diễn đạt này không được một số thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ, họ cho rằng tổng thống có nguy cơ bị xem là xa rời thực tế của các gia đình lao động.
“Điều tôi đánh giá cao là ông ấy dám thừa nhận thuế quan có thể gây ra hậu quả trong ngắn hạn, nhưng ông tin rằng về lâu dài, sẽ mang lại lợi ích, và ông đang chuẩn bị tâm lý cho người dân ngay từ bữa cơm gia đình” - Thượng nghị sĩ Kevin Cramer nói với The Hill.
“Nhưng có thể ông ấy đang đặt kỳ vọng theo góc nhìn của một triệu phú – điều đó chưa chắc phù hợp với người lao động bình thường” - ông Cramer lưu ý.
Đảng Cộng hòa có thể đối mặt với rắc rối lớn hơn nếu chính sách của ông Trump khiến giá cả tăng vọt hoặc dẫn tới “lạm phát đình trệ”, tức tăng trưởng chậm lại trong khi giá cả leo thang.
“Ngay cả khi thuế quan khiến thương mại ngưng trệ, một số mặt hàng vẫn sẽ tăng giá, và các công ty trong nước có thể lợi dụng tình hình để đẩy giá lên nữa. Vì thế, chắc chắn sẽ có một đợt lạm phát ngắn hạn” - chuyên gia Reinsch dự đoán.
Trong khi đó, theo giới quan sát, đảng Dân chủ đang nhìn thấy cơ hội giành thêm ghế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nếu thuế quan gây tổn thất kinh tế mà không mang lại hiệu quả như Tổng thống Trump cam kết.