Giá dầu gần như đi ngang do bất ổn địa chính trị

Giá dầu gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 20/5, do thị trường lo ngại về tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran, cũng như triển vọng hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Giàn khoan dầu tại Luling, Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giàn khoan dầu tại Luling, Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu gần như không biến động trong phiên giao dịch ngày 20/5, do thị trường lo ngại về tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Iran, cũng như triển vọng hòa bình giữa Nga và Ukraine. Đồng thời, dữ liệu kinh tế mới từ Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới – cũng cho thấy tín hiệu kém lạc quan. Chốt phiên này, tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 16 xu Mỹ, tương đương 0,2%, chốt phiên ở mức 65,38 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giảm 13 xu, tương đương 0,2%, còn 62,56 USD/thùng. Lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei ngày 20/5 cho rằng các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ khó có thể mang lại kết quả, giữa lúc bế tắc ngoại giao về các hoạt động làm giàu urani của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Theo chuyên gia phân tích Alex Hodes từ công ty StoneX, nếu các bên đạt được thỏa thuận và các lệnh trừng phạt được nới lỏng, Iran có thể tăng xuất khẩu dầu thêm 300.000 đến 400.000 thùng mỗi ngày. Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong năm 2024, sau Saudi Arabia và Iraq. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga mà không chờ Mỹ cùng tham gia. Ukraine đang kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hạ mức trần giá dầu Nga vận chuyển bằng đường biển xuống còn 30 USD/thùng, thay vì mức hiện tại là 60 USD/thùng.

Nếu đạt được thỏa thuận hòa bình, Nga có thể gia tăng xuất khẩu dầu ra thị trường toàn cầu. Hiện Nga là thành viên của liên minh OPEC+, bao gồm OPEC và các quốc gia sản xuất dầu ngoài khối. Dữ liệu mới đây cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc đang chậm lại, làm gia tăng áp lực lên giá dầu do lo ngại nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sẽ giảm tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này. Tuy nhiên, phân tích này chưa tính đến việc Mỹ và Trung Quốc vừa đạt thỏa thuận tạm ngừng áp thuế quan trong 90 ngày. Goldman Sachs cho biết dòng thương mại của Trung Quốc đã bắt đầu cải thiện vào cuối ngày 19/5. Viện Dầu mỏ Mỹ (API) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ lần lượt công bố số liệu về dự trữ dầu trong ngày 20 và 21/5 (giờ địa phương). Giới phân tích dự báo các công ty năng lượng Mỹ đã rút khoảng 1,2 triệu thùng dầu khỏi kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 16/5. Nếu chính xác, đây sẽ là tuần thứ ba trong bốn tuần gần nhất ghi nhận lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm.

Minh Trang/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-dau-gan-nhu-di-ngang-do-bat-on-dia-chinh-tri/374280.html
Zalo