Giá bán cao thúc đẩy đà tăng cổ phiếu cao su
Đà tăng giá của nhóm cổ phiếu cao su được hỗ trợ đắc lực bởi kết quả kinh doanh khả quan khi giá cao su vẫn neo ở vùng đỉnh. Lãi tăng mạnh
Cổ phiếu cao su là một trong những nhóm bứt phá mạnh gần đây dù thị trường chứng khoán không quá khởi sắc. Một số cổ phiếu cao su trong ngành như DPR, RTB, DRI và TRC đang liên tiếp lập đỉnh mới, tạo ra sóng ngành.
Đà tăng giá của nhóm cổ phiếu cao su được hỗ trợ đắc lực bởi kết quả kinh doanh khả quan khi giá cao su vẫn neo ở vùng đỉnh, đồng thời có thêm những triển vọng lớn từ thu nhập chuyển đổi đất cao su sang khu công nghiệp.
Lãi tăng mạnh
Giá cao su thế giới sau khi chạm đáy trung hạn cuối 2022 đã bước vào chu kỳ mới, xác lập xu hướng đi lên giai đoạn 2023-2024. Hiện "vàng trắng" được giao dịch trên 200 UScent/kg, tăng hơn 70% so với hai năm trước và vẫn duy trì ở mặt bằng cao nhất 8 năm.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định giá cao su xuất khẩu tăng đáng kể do điều kiện thời tiết bất lợi ở các khu vực sản xuất chính tại châu Á (đặc biệt là Thái Lan) và ngành sản xuất ô tô điện tại Trung Quốc dần phục hồi dẫn đến gia tăng nhu cầu với lốp xe.
Diễn biến ấy giúp phần lớn doanh nghiệp cao su thiên nhiên hưởng lợi, chứng kiến sự bùng nổ về mặt lợi nhuận trong quý 4/2024, với mức tăng lãi vài chục đến hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ. Lãi ròng các công ty niêm yết thuộc nhóm này tăng gần 60%, một số đơn vị lập đỉnh lợi nhuận.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) ghi nhận lợi nhuận ròng đạt gần 2.000 tỷ đồng quý cuối năm, tăng đến 70%. Lợi nhuận lũy kế cả năm theo đó lên mức hơn 4.200 tỷ đồng, con số cao nhất kể từ 2012 đến nay.
Cao su Tây Ninh (Mã: TRC) cũng hưởng lợi từ giá bán tăng và thanh lý vườn cây, theo đó báo lãi ròng hơn 220 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2014 đến nay, gợi mở về chu kỳ phục hồi của ngành cao su tự nhiên.
Ban lãnh đạo lý giải nhờ giá bán mủ cao su duy trì ở mức cao, không chỉ tại công ty mẹ mà cả công ty con Tây Ninh Siêm Riệp PTCS (Campuchia). Giá bán mủ bình quân đạt hơn 52 triệu đồng/tấn trong quý cuối năm, tăng hơn 56% so với cùng kỳ.
Công ty Cao su Tân Biên (Mã: RTB) cũng bứt phá khi giá bán mủ bình quân cao hơn và thêm thu nhập từ thanh lý cây cao su. Lợi nhuận ròng năm ngoái hơn 368 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của đơn vị này.
Đầu tư Cao su Đăk Lăk (Mã: DRI) chứng kiến lợi nhuận quý cuối năm tăng vọt lên 38 tỷ đồng, mức cao nhất từ quý 2/2017 đến nay. Lợi nhuận cả năm theo đó đạt hơn 110 tỷ đồng, cũng cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
Doanh nghiệp cao su tiếp tục hưởng lợi từ giá cao
ABS Research dự báo giá cao su sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong nửa đầu của năm 2025 khi nguồn cung cao su tiếp tục thiếu hụt. Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ARNPC) cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể kéo dài đến năm 2028, với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600.000 đến 800.000 tấn/năm.
Chuyên gia từ VCBS đồng quan điểm khi cho rằng giá cao su tự nhiên có thể sẽ tiếp tục neo cao do các yếu tố về nguồn cung khan hiếm và tình trạng thời tiết bất lợi vẫn tiếp tục được duy trì đến ít nhất năm 2026.

VCBS dự đoán giá đầu ra của Tập đoàn Cao su sẽ duy trì mặt bằng trên 38 triệu đồng/tấn trong năm 2025. Với năng suất khai thác trung bình trên 1,4 tấn cao su/ha, mảng kinh doanh sản phẩm cao su kỳ vọng đem lại doanh thu trên 23.000 tỷ đồng.
Chứng khoán Phú Hưng kỳ vọng doanh nghiệp cao su nội địa sẽ duy trì khả năng tăng trưởng lợi nhuận tốt, khi mà giá bán cao su dự phóng tăng từ 4% đến 23% so với cùng kỳ trong hai quý đầu năm 2025.
Các doanh nghiệp cao su thiên nhiên tận dụng lượng tồn kho lớn vào cuối năm 2024; thị trường tiêu thụ nội địa hưởng lợi từ sự chuyển dịch đầu tư ngành săm lốp, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.
Kỳ vọng chuyển đổi đất công nghiệp
Không chỉ hưởng lợi từ mảng cao su mà các doanh nghiệp trong ngành còn có câu chuyện đầu tư khác liên quan đến hoạt động thanh lý cây cao su và chuyển đổi đất sang khu công nghiệp.
Luật Đất đai mới có hiệu lực từ tháng 8/2024 mang đến kỳ vọng thu nhập từ bồi thường đất trồng cao su sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi giá đất đền bù tăng mạnh so với hiện tại do được cập nhật sát với giá thị trường hơn (ABS ước tính trung bình tăng trên 30% với giá hiện tại).
Các địa phương có các vườn cây cao su lớn như Bình Dương, Đồng Nai đã có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp cao sẽ thúc đẩy các địa phương đẩy nhanh việc phê duyệt bảng giá đất để bổ sung quỹ đất cho thuê mới.
Mảng bất động sản công nghiệp theo đó được mang lại nhiều tiềm năng lớn cho doanh nghiệp trong ngành. Riêng Tập đoàn Cao su đang triển khai 8 dự án khu công nghiệp với tổng diện tích là 2.921 ha, một số đã được chấp thuận chủ trương đầu tư gần đây.
Việc chuyển đổi hơn 20.000 ha đất cao su sang khu công nghiệp trong giai đoạn 2025 – 2030 cũng là một cơ hội lớn để GVR nắm bắt. Giá đền bù theo VCBS ước tính trên 1 tỷ đồng/ha, có thể ghi nhận thu nhập khoảng trên 500 tỷ đồng/năm trong giai đoạn tới.
Với những động lực từ giá bán mủ cao và thêm nguồn tiền đền bù đất, VCBS dự báo Tập đoàn Cao su có thể tiến tới mức doanh thu kỷ lục 29.900 tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Lợi nhuận sau thuế dự kiến gần 6.100 tỷ đồng, tăng 18% so với năm ngoái và cao nhất từ 2012.
Hay Chứng khoán Phú Hưng đã tăng dự phóng kết quả kinh doanh Đầu tư Cao su Đăk Lăk gần đây, kỳ vọng lợi nhuận sẽ năm sẽ tăng trưởng 15% lên 127 tỷ đồng, cao nhất từ sau năm 2017. Họ nhận thấy công ty có lượng hàng tồn kho lớn và giá cao su dự kiến neo cao trong nửa đầu năm; tăng giá bán các sản phẩm do đạt chuẩn xuất khẩu sang châu Âu; cải thiện sản lượng trong năm thông qua năng lực khai thác tốt hơn ở Lào.