Gen Z lương 8 triệu đồng nhưng chi 15 triệu mua quà Giáng sinh tặng bạn gái

Không ít gen Z sẵn sàng chi số tiền bằng một vài tháng thu nhập của mình cho món quà Giáng sinh đắt đỏ hay bữa ăn sang trọng cho bạn gái, thậm chí còn vay nợ.

Mạnh Hùng (26 tuổi, Hà Nội) tự nhận mình là một "chàng trai thư giãn" chính hiệu vì đang làm thiết kế đồ họa tự do, khách hàng chưa ổn định và thu nhập chỉ khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, dịp Giáng sinh này, anh vẫn quẹt thẻ tín dụng 15 triệu đồng để mua quà cho người yêu, đó là gói tập thể hình một năm.

Mạnh Hùng và người yêu quen nhau vào đầu năm 2024. Giữa năm, vì công ty cắt giảm nhân sự, Hùng bắt đầu chuyển ra làm việc tự do và thu nhập không còn ổn định như xưa. Anh từng khốn đốn vì không có tiền tiết kiệm để chi dùng trong giai đoạn chuyển đổi công việc này, phải nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình, đặc biệt là chị gái. Tuy công việc bấp bênh nhưng các khoản chi của anh không giảm mà còn liên tục tăng lên.

Chàng trai bộc bạch thêm về tình hình tài chính của mình: "Tôi thường quẹt thẻ hoặc đi rút tiền mặt từ thẻ tín dụng cho các khoản cần gấp, hiện giờ đã dùng hết một thẻ hạn mức 60 triệu đồng, mỗi tháng thanh toán tối thiểu 3 triệu đồng. Đôi khi cũng áp lực nổ đầu vì phải chi quá nhiều khoản tiền cố định hàng tháng. Giờ chỉ mong khách hàng sớm thanh toán hết tiền công để còn kịp sắm sửa vào dịp năm mới, về ra mắt nhà bạn gái".

Sự túng thiếu này không làm chàng trai gen Z phải chùn tay khi chọn quà tặng Giáng sinh cho bạn gái. Anh nói về món quà trị giá bằng 2 tháng thu nhập: "Khoản chi này hoàn toàn xứng đáng vì tuổi trẻ thì cần tập trung vào bản thân. Món quà Giáng sinh của tôi rất hữu ích, hợp lý hơn những thứ quà vật chất khác".

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng vay nợ để chi đậm cho ngày lễ Giáng sinh. (Ảnh minh họa: Freepik)

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng vay nợ để chi đậm cho ngày lễ Giáng sinh. (Ảnh minh họa: Freepik)

Những bạn trẻ sẵn sàng vung một vài tháng lương để làm hài lòng người yêu trong dịp Giáng sinh không hề hiếm. Văn Lâm (23 tuổi, TP.HCM) cũng chi khoảng 10 triệu đồng cho buổi tối đi chơi Noel dù thu nhập của chàng nhân viên chạy quảng cáo này chỉ khoảng 7 triệu đồng/ tháng.

"Ngày lễ Giáng sinh là một dịp mà cả hai chúng tôi đều rất kỳ vọng. Cô ấy mong có thể đăng lên mạng xã hội những bức ảnh về món quà xinh đẹp hay bữa tiệc lãng mạn mà bạn trai dành cho mình; nếu tôi không tổ chức sang chảnh một chút thì sẽ làm người yêu xấu mặt", Lâm nói.

Vì sống cùng gia đình, nên Lâm có thể dành phần lớn thu nhập cho các nhu cầu cá nhân và tình phí. Tuy nhiên, để "chơi lớn" dịp Giáng sinh này, chàng trai gen Z phải vay thêm của bạn bè 5 triệu đồng. Anh mua một chai nước hoa hơn 6 triệu đồng, một bó hoa hồng giá 500 nghìn đồng và chi hơn 3 triệu đồng cho bữa ăn ở nhà hàng sang trọng.

"Giáng sinh cũng là ngày lễ cũng khá lớn trong năm với các cặp đôi, chỉ sau ngày kỷ niệm yêu nhau và Ngày lễ Tình nhân, vậy nên tôi muốn phải 'ra tấm ra món' một chút. Tiền đi vay rồi có thể kiếm lại và trả bạn bè sau, nhưng ngày lễ mỗi năm chỉ có một lần thì không thể làm xuề xòa được", Lâm lý giải về chuyện vay tiền tổ chức Noel và tin rằng bạn gái sẽ hài lòng.

Một khảo sát do Ogilvy - Công ty đa quốc gia về dịch vụ quảng cáo, marketing - công bố đầu năm 2024 cho thấy gen Z là thế hệ có mức chi tiêu theo cảm xúc cao nhất, chiếm đến 58%, so với con số 52% ở những người hơn 30 tuổi và 19% ở những người trên 59 tuổi.

Ngoài ra, khoảng 73% GenZ cho biết họ thích tận hưởng việc tiêu tiền để có cuộc sống chất lượng cao hơn là để tiền trong tài khoản tiết kiệm. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi tiêu mà không tính toán đến khoản tài chính cho tương lai.

Kỳ vọng cao vào dịp lễ như Giáng sinh là điều khó tránh. Tuy nhiên, những người trẻ cần cân đối tài chính để chi tiêu cho phù hợp. (Ảnh minh họa: Freepik)

Kỳ vọng cao vào dịp lễ như Giáng sinh là điều khó tránh. Tuy nhiên, những người trẻ cần cân đối tài chính để chi tiêu cho phù hợp. (Ảnh minh họa: Freepik)

Tuy nhiên, không phải bạn trẻ gen Z nào cũng vung tiền không tính toán. Tuy có mức lương "đủ để ổn định cuộc sống và có tích lũy" nhưng Mai Chi (25 tuổi, trợ lý giám đốc ở Hà Nội) xác định không chi nhiều tiền cho quà Giáng sinh và cũng không muốn bạn trai quá tốn kém. Cô cho rằng ngày lễ Giáng sinh cũng là một dịp để thể hiện tình cảm, nhưng cần chọn món quà phù hợp về mặt tài chính.

Khi bạn trai hỏi "Lễ này thích quà gì? Đi chơi đâu", Chi đáp: "Không cần quá quan trọng đâu, anh thấy hợp lý là được".

Theo cô, phía sau những bức ảnh về món quà lộng lẫy được đăng tải trên mạng xã hội là không ít lời than thở và sự thất vọng vì không thực sự vừa ý. "Tôi nghĩ các bạn trai nên chọn một món quà hữu dụng mà cũng vừa với tài chính của mình. Giá trị thực của ngày lễ là được tận hưởng thời gian bên nhau. Các món quà chỉ là một phần thể hiện tình cảm; không có không được, nhưng có thì cần hợp lý, không làm cho cả hai bị áp lực. Con gái mà nhận quà đắt tiền cũng phải đau đầu suy nghĩ để tặng lại dịp khác chứ", Mai Chi bày tỏ quan điểm.

Lễ Giáng sinh này, Mai Chi quyết định tự tay làm chiếc móc khóa bằng len để tặng người yêu. Cô thấy nó vừa hữu dụng vừa đủ xinh xắn và lãng mạn để làm món quà kỷ niệm, thể hiện được tâm ý của mình. Không có nhà hàng đắt tiền với ánh nén lung linh, hai người dự định cùng đi thưởng thức những món thường ăn và trao món quà nhỏ cho nhau.

Hoàng Hà

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gen-z-luong-8-trieu-dong-nhung-chi-15-trieu-mua-qua-giang-sinh-tang-ban-gai-ar915672.html
Zalo