GDP tăng vượt mọi dự báo, dấu ấn những 'siêu dự án' năm 2024

Cơn bão số 3 mạnh nhất 30 năm qua gây thiệt hại nặng nề cho miền Bắc nhưng không thể xóa sạch thành quả của nền kinh tế. Bằng chứng là tăng trưởng GDP bứt phá ấn tượng, tăng lương cao nhất từ trước tới nay, đại dự án về đích thần tốc, nhiều kỷ lục mới được thiết lập... Cùng Tiền Phong điểm lại những sự kiện kinh tế nổi bật nhất năm 2024.

Tăng trưởng GDP vượt mọi dự báo

Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm nay ước đạt 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6-6,5%. Con số này cũng vượt mọi dự báo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam thuộc nhóm ít nước tăng trưởng GDP cao trong khu vực.

Trong 11 tháng năm nay, cả nước thu hút gần 31,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. 2024 cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD.

Ảnh minh họa: VnEconomy.

Ảnh minh họa: VnEconomy.

Cả nước có 55/63 tỉnh, thành phố nhận vốn đầu tư nước ngoài trong 11 tháng, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2023. Trong 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,14 tỷ USD, chiếm hơn 29,1% tổng vốn đầu tư, tăng 53,7% so với cùng kỳ 2023.

Sáp nhập ở các bộ lớn, kết thúc ‘siêu ủy ban’

Chính phủ sẽ giảm từ 30 xuống còn 21 đầu mối, gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 4 cơ quan trực thuộc. Trong đó, các bộ thuộc lĩnh vực kinh tế thuộc diện hợp nhất gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáp nhập với Bộ Tài chính; Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ hợp nhất.

Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty với số vốn lên tới 1,18 triệu tỷ đồng. Theo đó, bộ quản lý chuyên ngành sẽ phụ trách chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với các tập đoàn, tổng công ty thuộc “siêu ủy ban” này.

Tăng lương cơ sở cao nhất từ trước tới nay

Từ ngày 1/7, cán bộ, công chức, viên chức được tăng 30% lương cơ sở, từ 1,8 triệu đồng tăng lên 2,34 triệu đồng. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là mức tăng lương cao nhất từ trước tới nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp, các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Lương cơ sở tăng 30% từ ngày 1/7 là mức cao nhất từ trước tới nay. Ảnh minh họa: VGP.

Lương cơ sở tăng 30% từ ngày 1/7 là mức cao nhất từ trước tới nay. Ảnh minh họa: VGP.

Đối với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023. Sau khi tăng, bình quân 4 vùng là 4,17 triệu đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.

Nhiều luật (sửa đổi) quan trọng có hiệu lực

Năm 2024, hàng loạt luật (sửa đổi) quan trọng có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Cụ thể, ngày 29/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Theo đó, Quốc hội cho phép 3 luật gồm: Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với dự kiến trước đó (là 1/1/2025).

Ngày 29/11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật). Ngày 30/11, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, luật có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025…

Những chính sách quan trọng này có hiệu lực được kỳ vọng góp phần hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Ngày 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là sự kiện đáng chú ý trong ngành năng lượng Việt Nam.

Trước đó, ngày 25/11/2009 Quốc hội khóa XII thông qua chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm nhà máy 1 và 2, với tổng công suất 4.000MW. Tổng mức đầu tư theo 3 kịch bản thấp 10,8 tỷ USD, cao là 11,2 tỷ USD và 12,2 tỷ USD, trên diện tích 1.642 ha. Tuy nhiên, tháng 11/2016 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phối cảnh 3D dự án điện hạt nhân. Ảnh: VietnamNet.

Phối cảnh 3D dự án điện hạt nhân. Ảnh: VietnamNet.

Việc phát triển nguồn điện hạt nhân được đánh giá sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.

Hoàn thành đường dây 500kV mạch 3

Ngày 29/8, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) chính thức khánh thành. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, dài 519 km đi qua 9 tỉnh, tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng.

Đáng nói, với những dự án 500kV có quy mô tương tự thường phải mất từ 3-4 năm mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 6 tháng thi công, với sự quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng, sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, đặc biệt là sự nỗ lực lớn của ngành điện lực, dự án Đường dây 500kV mạch 3 đã chạm đích để đóng điện với tiến độ thần tốc bất chấp nhiều khó khăn, thách thức.

Lịch sử xây lắp đường dây 500kV của ngành điện Việt Nam đã lập nên kỳ tích tiết kiệm trong xây dựng, giúp tiết kiệm rất lớn về thời gian, công sức và tiền bạc.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD

Ngày 30/11, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với tổng vốn hơn 67 tỷ USD, tốc độ thiết kế 350 km/h. Đây là “siêu dự án” chưa từng có ở Việt Nam, được thông qua sau 18 năm nghiên cứu và chuẩn bị.

Với tổng chiều dài hơn 1.540 km, dự án kéo dài từ Hà Nội đến TPHCM, đi qua 20 tỉnh thành. Tuyến đường vận chuyển hành khách và đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Phối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Ban QLDA đường sắt.

Phối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Ban QLDA đường sắt.

Dự kiến, dự án khởi công năm 2027. Theo chủ trương, toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm; sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn được bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 12 năm, dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2035.

Năm 2010, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được trình Quốc hội, tuy nhiên Quốc hội biểu quyết không thông qua chủ trương đầu tư dự án này.

Giá vàng biến động chưa từng có

Năm 2024, giá vàng SJC và vàng nhẫn liên tục ghi nhận mức tăng kỷ lục. Có thời điểm giá vàng miếng SJC lên 92 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn 89 triệu đồng/lượng.

Trong năm, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện biện pháp bình ổn thị trường vàng thông qua tổ chức đấu thầu vàng miếng và bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC. Nhờ đó, chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới đã giảm mạnh từ 15-18 triệu đồng/lượng xuống còn 3-4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, thị trường phát sinh nhiều vấn đề khi nguồn cung cả vàng miếng và vàng nhẫn hạn chế. Thị trường xuất hiện giá “chợ đen”.

Giá vàng biến động mạnh trong năm 2024. Ảnh: TTXVN.

Giá vàng biến động mạnh trong năm 2024. Ảnh: TTXVN.

Về lâu dài, để ổn định thị trường vàng, nhiều ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên bãi bỏ việc độc quyền nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, đảm bảo liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế.

VinFast lên số 1 thị trường Việt Nam

Trong tháng 11 năm nay, VinFast công bố bán được hơn 16.000 chiếc xe, thiết lập kỷ lục mới tại Việt Nam về lượng xe của một thương hiệu giao được trong 1 tháng.

VinFast là hãng xe điện chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: VinFast.

VinFast là hãng xe điện chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh: VinFast.

Lũy kế doanh số 11 tháng đạt 67.000 xe, củng cố vị thế hãng xe thị phần số 1 tại Việt Nam của VinFast. Với lượng đơn đặt hàng đang chờ bàn giao cao, cùng năng lực sản xuất quy mô lớn, mạng lưới kinh doanh và trạm sạc liên tục mở rộng trên toàn quốc, VinFast tin tưởng sẽ giữ vững vị thế hãng xe điện số 1 thị trường.

Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định doanh nghiệp Việt đã làm chủ được chuỗi sản xuất ô tô từ khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm đến sản xuất hoàn thiện ra thị trường.

Xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng

Tính đến ngày 14/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 745,4 tỷ USD, với xuất khẩu đạt 384,4 tỷ USD và nhập khẩu gần 361 tỷ USD, tăng trưởng lần lượt 14,5% và 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay có thể đạt trên 782 tỷ USD, vượt qua kỷ lục 732 tỷ USD của năm 2022.

Đặc biệt, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5%, với thặng dư thương mại đạt 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ và sản phẩm gỗ (16,1 tỷ USD), rau quả (7,2 tỷ USD), gạo (5,8 tỷ USD) đều có mức tăng trưởng mạnh.

Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế là trụ cột quan trọng, đóng góp vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an ninh lương thực.

Nhiều tỷ phú thế giới đến Việt Nam

Đầu năm nay, Việt Nam đón tỷ phú nổi tiếng người Mỹ Bill Gates đến Đà Nẵng. Đây là lần thứ 2 Bill Gates đến Việt Nam kể từ năm 2006. Sự kiện này mang đến giá trị nhận diện, nâng cao vị thế cho điểm đến Đà Nẵng, lan tỏa hình ảnh du lịch, góp phần thu hút khách quốc tế, nhất là khách chất lượng cao.

Tỷ phú Jensen Huang, nhà sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Nvidia - đến Việt Nam cuối năm nay. Lần trở lại này, Chủ tịch tỷ phú công nghệ hàng đầu nước Mỹ đã ký thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Tỷ phú Jensen Huang - Chủ tịch Tập đoàn Nvidia. Ảnh: VGP.

Tỷ phú Jensen Huang - Chủ tịch Tập đoàn Nvidia. Ảnh: VGP.

Cũng trong năm nay, Việt Nam đón nhiều tỷ phú đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới như: Ông Peter Palanugool (Thái Lan) - Chủ tịch Tập đoàn Bangkok Assay Office - hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, du lịch, golf, trang sức, mỹ phẩm và chế biến vàng từ rác điện tử; tỷ phú Muhammed Akhtar Zaman (người Thụy Điển) - nhà sáng lập và cổ đông chính của Tập đoàn Kmanjaro Holdings, Chủ tịch của Tập đoàn Royal Falcon và đồng Chủ tịch của Công ty 6G Digital Sweden; Tỷ phú Cyril Dissescou (Singapore) - nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Tập đoàn Nexif Ratch Energy SE Asia Pte., Ltd, chuyên về năng lượng, nhiệt điện và dầu khí…

Tiền Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gdp-tang-vuot-moi-du-bao-dau-an-nhung-sieu-du-an-nam-2024-post1703523.tpo
Zalo