Gặp người du kích tham gia đánh phá hàng rào điện tử Mc.Namara

Trong ngày tháng Tư lịch sử, tôi tìm về làng Cát Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị gặp ông Hoàng Ngọc Dũng-người chiến sĩ du kích gan dạ một thời, để nghe ông kể về những trận đánh phá hàng rào điện tử Mc.Namara của Mỹ. Trong câu chuyện kể của mình, ông nhớ từng chi tiết mỗi trận đánh với giọng kể hào hùng.

Ông Hoàng Ngọc Dũng bên những huân, huy chương được Đảng, Nhà nước trao tặng - Ảnh: Q.H

Ông Hoàng Ngọc Dũng bên những huân, huy chương được Đảng, Nhà nước trao tặng - Ảnh: Q.H

Đến cổng làng Cát Sơn hỏi ông Hoàng Ngọc Dũng, ai cũng biết bởi ông quá nổi tiếng ở xứ này. Vì có hẹn trước nên khi tôi vừa đến đầu ngõ, ông đã hỏi tên. Trong căn nhà khang trang, thoáng sạch, ông rót nước mời khách, rồi nhiệt tình trò chuyện với tôi suốt mấy tiếng đồng hồ.

Ông Dũng sinh năm 1947 tại làng Cát Sơn. Cũng năm ấy, khi ông mới 3 tháng tuổi thì ba ông là liệt sĩ Hoàng Trưa bị giặc Pháp bắt. “Lúc đó ba tôi là dân quân cùng với 7 đồng chí khác, trong đó có Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã bị Pháp bắt. Địch đưa cả 8 người lên đồn khu vực chợ Cầu và xử bắn sau đó”, ông cho biết.

Cuộc sống gia đình của ông Dũng có thể nói là mĩ mãn. Ông Dũng kể vợ là bà Nguyễn Thị Vân người cùng làng, cùng đội du kích Trung Giang năm ấy. Đám cưới của họ diễn ra trong thời chiến, đơn sơ mà hạnh phúc. Ông bà có 5 người con thì tất cả đều học hành thành đạt và gia đình hạnh phúc. Trong đó, người con trai út đang là thiếu tá hải quân công tác tại Vùng 3 Hải quân.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, lại chứng kiến cảnh quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh nên ông luôn nung nấu đến ngày được cầm súng giết giặc. Và rồi năm 1967 xã Trung Giang giải phóng, ông được kết nạp vào đội du kích địa phương để bám đất giữ làng, chính thức tham gia cách mạng. Hai năm sau khi 22 tuổi, ông được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Ông kể thời đó du kích địa phương được trang bị 2 đến 3 người 1 khẩu súng, nhưng phải được lựa chọn, bình xét rất kỹ. “Trận đánh đầu tiên của tôi vào ngày 19/5/1967 khi địch bố trí lực lượng tập trung hút dân để tạo vùng trắng nhằm mục đích thỏa sức bắn phá. Từ sáng sớm địch đã bắn phá quyết liệt và đổ bộ lực lượng. Trận đó là lần đầu tiên du kích chúng tôi được chạm trán địch, nhưng cũng chỉ từ xa”, ông Dũng kể.

Cây nhiệt đới - phương tiện điện thám của Mỹ dùng để theo dõi hoạt động quân sự từ miền Bắc vào miền Nam qua vĩ tuyến 17 - Ảnh: Q.H

Cây nhiệt đới - phương tiện điện thám của Mỹ dùng để theo dõi hoạt động quân sự từ miền Bắc vào miền Nam qua vĩ tuyến 17 - Ảnh: Q.H

Lần chạm trán đầu tiên với địch càng tiếp thêm tinh thần, ngọn lửa chiến đấu trong trái tim người chiến sĩ du kích Hoàng Ngọc Dũng. Để từ đó, ông cùng những đồng chí của mình kiên cường bám đất giữ làng và tham gia đánh phá hàng rào điện tử Mc.Namara, góp phần vào chiến thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông kể tại khu vực Trung Sơn hồi đó, địch cho xe ủi đất trống và bố trí hàng rào thép gai bùng nhùng nhiều lớp bề ngang tầm 20 m, cao hơn 3 m. Tất cả các cọc thép cố định hàng rào đều gài đủ các loại mìn. Hàng rào thép gai được địch thả ra cách bờ biển khoảng 200 m nhằm ngăn đặc công nước của ta. Chủ trương của ta là khi địch mới bắt đầu xây dựng hàng rào điện tử Mc.Namara là đánh phá ngay để cho chúng biết ở đây luôn có lực lượng, chứ không phải “vùng trắng”.

Hàng rào điện tử Mc.Namara là tên gọi của hệ thống các thiết bị điện tử phát hiện xâm nhập, được quân đội Mỹ sử dụng phía nam sông Bến Hải (Quảng Trị), dọc theo khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17 và đường mòn Hồ Chí Minh.

Hàng rào xây dựng từ tháng 6/1966 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là Robert McNamara, tiêu tốn 2 tỉ USD. Hệ thống gồm 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản, các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất... được bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều rộng 10-20 km, dài khoảng 100 km từ cảng Cửa Việt giáp biển lên Đường 9, tới biên giới Việt Nam-Lào, kéo dài sang Mường Phìn (Lào).

“Mỗi ngày địch cho xe chở thép gai rào được tầm 20 đến 30 m, còn lại thì để đó. Du kích đặt ống nhòm trinh sát, tối đến lẻn vào gài lựu đạn phía dưới các cuộn thép gai chưa rào. Sáng mai địch ra lấy thép gai làm tiếp thì bị lựu đạn nổ gây thương vong. Nhưng cách thức này chỉ thực hiện được vài lần vì sau đó địch đã cảnh giác. Khi địch rào được 100 m thì du kích chuyển sang đánh bằng cách thức cài bộc phá. Nhưng ta đánh chừng nào thì địch rào chừng đó”, ông Dũng nhớ lại.

Trong những trận đánh phá hàng rào điện tử Mc.Namara, ông Dũng nhớ nhất trận ngày 19/5/1969. Đólà thời điểm địch xây dựng hoàn chỉnh hàng rào, du kích địa phương được lệnh kết hợp với bộ đội từ mặt trận B5 đánh phá. Lúc đầu ta dùng kìm cắt thép gai để phá hàng rào vì đánh bọc phá tạo tiếng động.

“Khi tiếp cận vào ban đêm, tôi thấy hàng rào đen sì như một bức tường, bên trong vắng vẻ, ớn lạnh. Sau khi dùng kìm cắt thép gai không hiệu quả, du kích bàn với bộ đội tốt nhất là dùng bọc phá đánh vì thủ công không ổn. Cắt kìm rất nguy hiểm vì khi cắt ra thì bùng nhùng rút lại, mìn phía dưới sẽ phát nổ, quân ta khó tránh khỏi thương vong. Đánh bộc phá thì theo phương thức kết 4 quả lại với nhau, mỗi quả tầm 4 lạng. Buổi chiều, du kích nằm vùng dò sát địa hình, nắm bắt quy luật hoạt động của lực lượng tuần tra địch. Ban đêm, lực lượng ta đưa bộc phá vào đánh phá hàng rào. Ròng rã đánh như thế tầm một năm rưỡi, địch gần như nản chí không xây lại hàng rào nữa, một phần cũng do kế hoạch xây dựng đã hết. Đến năm 1970, địch thả cho ta qua lại hàng rào nhưng vẫn phục kích”, ông Dũng kể lại.

Du kích Trung Giang hồi đó chịu trách nhiệm đánh phá Đồi 31 ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ và Đồn Thôn 8 của xã Trung Giang.

“Năm 1970, nhận định tình hình chín muồi nên cấp trên giao nhiệm vụ cho du kích Cát Sơn phải bức rút Đồn Thôn 8 và Đồi 31. Ta chủ trương dùng cối 82 đặt tại cứ điểm rú Thôn 9 (xã Trung Giang) bắn liên tục cả ngày làm cho địch mất ăn bỏ ngủ. Đánh cầm canh như vậy tầm 7-8 tháng nên địch ngủ trong đồn không nổi. Nắm được thông tin địch ban đêm ra ngủ ngoài, ban ngày mới trở lại đồn, tổ của tôi gồm 6 người trinh sát mở đường, sau đó hiệu lệnh cho bộ phận phía sau vào phá đồn. Cũng phương thức này, du kích Trung Giang tiếp tục phá Đồi 31. Sau khi đồn bị phá thì địch rút và hàng rào điện tử Mc.Namara coi như xóa, quân ta vào ra thoải mái”, ông Dũng nhớ lại trận đánh đáng nhớ khác.

Hình ảnh tái hiện bộ đội và du kích đánh phá hàng rào điện tử Mc.Namara ở căn cứ Dốc Miếu được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị - Ảnh: Q.HẢI

Hình ảnh tái hiện bộ đội và du kích đánh phá hàng rào điện tử Mc.Namara ở căn cứ Dốc Miếu được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Trị - Ảnh: Q.HẢI

Năm 1972 khi quê hương giải phóng, ông Dũng được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Trung Giang. Năm 1973, ông được điều lên làm cán bộ phòng văn hóa thông tin huyện Gio Linh. Được 8 năm thì do hoàn cảnh khó khăn nên ông xin về làm Chủ nhiệm hợp tác xã thôn Cát Sơn. Năm 1990, ông được điều làm Chủ tịch xã Trung Giang, đến năm 2000 thì về hưu.

Khi về hưu, ông tham gia Hội Cựu chiến binh xã Trung Giang, rất tích cực vào các hoạt động của thôn, xã. Đặc biệt, ông được mời tham gia kể chuyện truyền thống chiến đấu của quê hương cho các cháu học sinh. “Tôi muốn qua những mẫu chuyện mình giúp các cháu phải cố gắng học tập để xứng đáng với công lao to lớn của cha ông, qua đó phát huy truyền thống anh hùng, yêu nước từ những thế hệ đi trước”, ông Dũng nói.

Nói về thế hệ cha anh đi trước, Chủ tịch UBND xã Trung Giang Hồ Đức Phới cho biết: “Ông Hoàng Ngọc Dũng sau khi về hưu có nhiều đóng góp đối với chi bộ, đảng bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Ông rất tích cực hiến kế để xây dựng quê hương”.

Quang Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/gap-nguoi-du-kich-tham-gia-danh-pha-hang-rao-dien-tu-mc-namara-193368.htm
Zalo