Lễ mừng cơm mới của người Thổ
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa có nhiều phong tục tập quán đặc sắc. Trong đó, Lễ mừng cơm mới của dân tộc Thổ là một nét văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc được người Thổ coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác.

Lễ mừng cơm mới là nét văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc được người Thổ coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác
Người Thổ là một trong số 54 tộc người thiểu số ở nước ta. Họ gồm có nhiều nhóm: Kẹo, Mọn, Cuốn, Họ, Đan Lai - Ly Hà, Tày, Poong, tộc người Thổ cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Hiện nay người Thổ ở Thanh Hóa có dân số khoảng hơn 1,1 vạn người (chiếm trên 10% người Thổ ở Việt Nam), sinh sống chủ yếu ở huyện Như Xuân, một trong 11 huyện miền núi nằm về phía Tây Nam của tỉnh Thanh.

Trước khi làm Lễ mừng cơm mới, thầy Mo kiểm tra mâm lễ cúng
Người Thổ ở Thanh Hóa có nhiều dòng họ như Lê, Đinh, Trần, Hà, Nguyễn, Trương. Trong đó họ Lê và họ Đinh hầu như chiếm đa số, đặc biệt là họ Lê có dân số ước tính chiếm tới 8/10 dân số người Thổ ở Như Xuân.
Trong hệ thống quan niệm vạn vật hữu linh, người Thổ tồn tại bền vững tín ngưỡng thờ hồn lúa, giữ hồn lúa ở trong nhà, thậm chí họ còn quan niệm hồn lúa là Lúa mẹ. Đây là một tín ngưỡng nông nghiệp rất cổ xưa còn được người Thổ ở Thanh Hóa gìn giữ.

Lễ vật cúng không thể thiếu hoa quả, gà, gạo và muối
Lúa là cây trồng có vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Thổ từ bao đời nay, nên các nghi lễ nông nghiệp chủ yếu xoay quanh vấn đề cây lúa.
Hàng năm, đồng bào Thổ tổ chức các nghi lễ nông nghiệp liên quan đến cây lúa như Lễ tra hạt, Lễ báo ân, Lễ mừng cơm mới... Trong đó Lễ mừng cơm mới được tổ chức một năm hai lần vào tháng 5 và tháng 10.

Trong âm vang của tiếng trống chiêng nổi lên, thầy Mo đi vào cùng con cháu làm lễ cúng
Đây là lễ nghi, là nhu cầu tâm linh của người dân trong bản trước vòng quay của mùa vụ, cảm ơn các đấng thần linh, ông bà, tổ tiên đã phù hộ, “trông nom” nương rẫy để có một vụ mùa bội thu.
Người Thổ cho rằng để có một mùa màng bội thu, thì sự phù hộ của trời đất, của tổ tiên là rất quan trọng, bởi vậy con cháu không dám ăn trước, không thể ăn qua mặt gia tiên, nên gia tiên phải là người được ăn cơm mới trước, nếu không cây lúa sẽ không tốt và sẽ không được mùa.

Những người phụ nữ dân tộc Thổ trang trọng đặt mâm lễ vật dâng cúng tại khu vực thầy Mo thực hiện nghi lễ
Trong Lễ mừng cơm mới thầy Mo đóng vai trò là chủ lễ, là người kết nối giữa gia chủ với tổ tiên và các thần linh, đọc các bài văn khấn gửi tới các thần linh, ông bà tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn vì đã cho gia đình một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ.
Đây cũng là dịp để cầu an, cầu phúc cho gia đình, dòng tộc và cho cả cộng đồng, đồng thời cũng là dịp để cộng đồng gắn kết, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Lễ cúng mừng cơm mới của người Thổ gồm có cúng thần linh và cúng gia tiên
Người Thổ chuẩn bị cho lễ cúng rất chu đáo, nhiều công việc phải tiến hành từ rất sớm như nuôi gà, nuôi lợn... đặc biệt không thể thiếu rượu để mời khách tới dự lễ.
Khi lúa chín ngả mầu vàng óng trên các vạt nương, trước khi gặt một ngày, chủ nhà lên rẫy chọn một đám lúa đẹp nhất, ngắt 3-5 bông lúa mang về treo ở cạnh bàn thờ gia tiên hoặc một nơi nào đó cao ráo sạch sẽ nhất trong nhà để hồn lúa trú ngụ, vụ sau tiếp tục gieo trồng.

Thầy Mo thực hiện nghi lễ rắc gạo, muối tại lễ cúng
Sau nghi thức này mọi người mới được ra đồng gặt lúa. Khi gặt lúa về, các gia đình phơi khô và làm Lễ mừng cơm mới. Từng gia đình mời thầy Mo và chuẩn bị 2 mâm Lễ cúng: 1 mâm cúng thần linh, thổ địa và 1 mâm cúng gia tiên.
Trong đó, mâm cúng thần linh, thổ địa là mâm cúng chay gồm có hoa quả, bánh kẹo, trầu, cau, rượu, muối, gạo, keo (là 2 thanh nứa)…
Mâm cỗ cúng gia tiên gồm 1 con gà, 1 đĩa xôi, 1 chai rượu, 1 bát nước giếng hoặc nước mưa (người Thổ gọi là đọi nước lã), 1 đinh tiền, 1 đinh vàng, 1 bát cơm mới, 1 đĩa cá 3 - 5 miếng, 3 - 5 miếng trầu và 3 - 5 miếng cau, bánh, keo (là hai thanh nứa…

Sau nghi lễ cúng mừng cơm mới, người Thổ mở hội và hát múa, chơi các trò chơi dân gian như ném còn
Từ sáng sớm tinh mơ, tất cả mọi người đã tập trung đầy đủ, mỗi người một tay chuẩn bị cho Lễ mừng cơm mới được diễn ra thuận lợi.
Trong âm vang của tiếng trống chiêng nổi lên, thầy Mo đi vào cùng con cháu và làm lễ cúng. Thầy Mo lần lượt cúng từng mâm lễ một, cúng thổ công, thần linh trước, sau đó là cúng đến gia tiên.

Trò chơi kéo co tại Lễ mừng cơm mới
Khi nghi lễ kết thúc, mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức các món ăn từ gạo mới, thịt lợn, thịt gà, cá, các loại bánh và uống rượu cần.
Sau các nghi lễ cúng mừng cơm mới, những điệu múa cấy lúa, đập lúa, giã gạo, giã cốm, hát dân ca giao duyên, các trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, bắn nỏ, đánh cồng chiêng được tổ chức, tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm và gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng.

Lễ mừng cơm mới là dịp sum họp gia đình dòng họ, tình làng nghĩa xóm của đồng bào dân tộc Thổ xứ Thanh
Lễ mừng cơm mới là một trong những nét văn hóa độc đáo được người Thổ gìn giữ, phát huy và duy trì hàng năm. Ngoài việc báo hiếu, Lễ mừng cơm mới đánh dấu sự khép lại một chu kỳ sản xuất đã qua, đồng thời mở ra một chu kỳ mới với những khát khao mong ước may mắn thuận hòa, no đủ trọn vẹn cho gia đình và cộng đồng.
Lễ mừng cơm mới cũng là dịp sum họp gia đình dòng họ, tình làng nghĩa xóm làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi nhà.
Đây cũng là dịp nhắc nhở cháu con không quên ơn nguồn cội, không quên bảo vệ rừng, đất rừng và thâm canh ruộng nương phù hợp với tập quán sản xuất truyền thống của người Thổ.