Gạo Việt đắt hàng
Hạt gạo Việt Nam hiện có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng và bất thường, với 7 triệu ha, đất canh tác lúa, Việt Nam đang nắm giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực của thế giới và chất lượng gạo của nước ta cũng ngày càng được đánh giá cao. Điều này được thể hiện ngay ở giá gạo xuất khẩu đang giữ vững ở mức cao nhất thế giới.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm nay đạt hơn 514 USD/tấn. Gạo phân khúc cao cấp của Việt Nam cũng đang đạt giá cao nhất, với 1.200 USD cho 1 tấn gạo ngon nhất thế giới ST 25.
Trong khi các loại gạo cùng phân khúc của các quốc gia khác như Thái Lan hay Ấn Độ… đều có giá thấp hơn từ 100 - 300 USD/tấn.
Công nghệ mở tương lại cho cây lúa
Không chỉ dừng lại ở giống gạo chất lượng cao, Việt Nam còn đang tiên phong sản xuất ra những hạt gạo giảm phát thải với nhãn hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp".
Trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân, doanh nghiệp... đã và đang trực tiếp áp dụng và hưởng thụ ưu việt của khoa học, công nghệ, máy móc hiện đại khi thay thế cho những quy trình canh tác thủ công truyền thống trước đây.
Tối ưu hóa sản xuất, giúp canh tác hiệu quả, tiết kiệm chi phí và giảm tác động đến môi trường, hạt gạo Việt đang chuyển mình cùng thời đại công nghệ. Vòng đời của cây lúa giờ đây không chỉ tính bằng vụ mùa, mà còn tính bằng dữ liệu, công nghệ. Diện tích lúa được số hóa, chính xác đến từng m2, tính toán được lượng giống, phân bón cần thiết cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Không còn cảnh lội bùn giữa nắng gắt, giờ đây, đứng từ xa, người nông dân có thể điều khiển máy bay không người lái rải phân đến từng gốc lúa một cách chính xác, nhẹ nhàng và hiệu quả, tất cả chỉ trong 2 tiếng đồng hồ.
Từ những cánh đồng không dấu chân, chúng ta có những giống gạo ngon nhất thế giới được sản xuất trong các nhà máy gạo hiện đại với công nghệ hàng đầu.
Nhà máy gạo Hạnh phúc hiện là nhà máy gạo lớn nhất châu Á với tổng diện tích 161.000m2. Tổng công suất mỗi ngày lên đến 4.800 tấn. Điểm nhấn đặc biệt tại đây chính là hệ thống 80 silo khổng lồ có sức chứa lên tới 240.000 tấn lúa - kho dự trữ lúa của Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng vào chuỗi cung ứng lúa gạo quốc gia và xuất khẩu
Giữa những cánh đồng lúa đổi mới từng ngày, những người trẻ mang tri thức và đam mê đã chọn ở lại với quê hương, trở thành nhịp đập mới cho một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Từ những bàn tay trần đến những kỹ sư lúa thời 4.0, nửa thế kỷ đã dựng nên một nền nông nghiệp bền bỉ, khát vọng. Giờ đây, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và nông nghiệp thông minh là hành trình không thể khác của Việt Nam.
Hy vọng gạo Việt vươn xa
Hạt gạo Việt Nam hiện có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Một hành đặc biệt không chỉ thay đổi cây lúa, mà cũng thay đổi chính cuộc sống của người trồng lúa. Trên con đường này, mỗi người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long lại mang trong mình niềm tự hào cùng những hy vọng về tương lai.
Ông Võ Hùng Cường - Thị xã Tịnh Biên, An Giang chia sẻ: "Mình cũng rất tự hào là con của Việt Nam và được ở trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất lúa để cho phục vụ cho đất nước của mình".
"Duyên cảm thấy mình tự hào là một người thế hệ trẻ của Việt Nam và luôn sáng tạo mang những công nghệ mới để phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long", bạn Nguyễn Thị Mỹ Duyên - TP. Cần Thơ chia sẻ.
Ông Võ Thành Nhơn - An Giang cho hay: "Tôi muốn Đề án 1 triệu ha sớm triển khai rộng để bà con được nguồn hỗ trợ từ từ phía nhà nước để mình làm ra hạt gạo có thể vươn xa hơn".