Gánh nặng việc nhà khiến phụ nữ chịu bất bình đẳng về thu nhập

Theo báo cáo vừa được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 29/11, kể từ năm 2000 tới nay, mặc dù bất bình đẳng về tiền lương đã giảm ở khoảng hai phần ba các quốc gia, nhưng tình trạng bất bình đẳng về tiền lương vẫn tồn tại dai dẳng.

Gánh nặng việc chăm sóc không lương là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ phải chịu bất bình đẳng trong thu nhập. (Ảnh minh họa: LDG)

Gánh nặng việc chăm sóc không lương là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ phải chịu bất bình đẳng trong thu nhập. (Ảnh minh họa: LDG)

Phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi

Theo Báo cáo “Tiền lương Toàn cầu 2024 - 2025” của ILO, mặc dù có những tiến triển ghi nhận gần đây, tình trạng bất bình đẳng về tiền lương tồn tại ở mức cao vẫn là một vấn đề cấp bách. Báo cáo cho thấy trên toàn cầu, tình trạng bất bình đẳng về tiền lương ghi nhận cao nhất ở các quốc gia thu nhập thấp, với gần 22% người lao động làm công hưởng lương được xếp vào nhóm được trả lương thấp. Phụ nữ và người lao động làm công hưởng lương trong nền kinh tế phi chính thức nằm trong số những đối tượng được trả lương thấp nhất…

Tại Việt Nam, lao động nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động quốc gia, tuy nhiên chất lượng việc làm lại chưa ổn định và thiếu bền vững. Thu nhập bình quân tháng của lao động nữ chỉ bằng khoảng 80% so với nam, nhận định này được lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo rà soát độc lập 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới. Theo đó, trên thực tế, cả nam giới và phụ nữ đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới, tuy nhiên phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn.

Một trong những nguyên nhân của sự thiệt thòi này là do gánh nặng lao động chăm sóc - việc gia đình không được trả lương. Các hoạt động kinh tế mà phụ nữ tham gia phải linh hoạt về thời gian để họ có thể vừa đi làm, vừa thực hiện công việc gia đình. Thực tế đó dẫn đến sự phân biệt nghề nghiệp trong thị trường lao động và có thể làm phát sinh bất bình đẳng giới trong thu nhập. Phụ nữ phải nhận ít tiền lương hơn so với nam giới trong cùng một công việc.

Hoặc có quan niệm cho rằng, phụ nữ tham gia thị trường lao động ít hiệu quả hơn, cho nên, họ nên quay về lo việc nhà. Hiện thực và trách nhiệm của phụ nữ trong việc nhà không được trả lương đã dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia thị trường lao động ít hơn nam, kinh nghiệm ít hơn, phân biệt nghề nghiệp, khoảng cách giới trong thu nhập và cuối cùng là trình độ học vấn, kiến thức và kỹ năng của phụ nữ thấp hơn do ít được đầu tư hơn.

Theo Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UNW), công việc chăm sóc không lương được thực hiện chủ yếu bởi phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ làm gấp 2,5 lần công việc này so với nam giới, chiếm 75% khối lượng công việc chăm sóc không lương, ước tính khoảng 13% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, số liệu về vị thế việc làm cũng cho thấy những bất lợi đáng kể của phụ nữ. Nếu như lao động gia đình không được trả công ở nam giới chỉ là 9,2%, con số này lại gấp đôi ở nữ giới, lên đến 19,4% (vào năm 2019).

Thúc đẩy cơ hội bình đẳng trong đối xử và hưởng thành quả

Có thể thấy, nhận thức sai lệch về vai trò giới tiếp tục củng cố và gắn chặt phụ nữ vào vai trò chăm sóc gia đình, dẫn đến nhiều phụ nữ đã mất cơ hội trong học tập, phát triển sự nghiệp và các hoạt động xã hội. Hiện nay, hầu hết các quốc gia tiến bộ trên thế giới đều đã nhận thức và thừa nhận việc thúc đẩy bình đẳng giới sẽ đem lại cuộc sống có chất lượng tốt hơn. Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết mạnh mẽ trong việc bảo đảm bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới về mọi mặt là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện quyền bình đẳng cho cả nam và nữ giới trong thực tiễn.

Nhiều giải pháp được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa ra để xóa bỏ định kiến giới trên các lĩnh vực, trong đó có bình đẳng trong hoạt động kinh tế, lao động, việc làm, thu nhập. Theo đó, việc xóa bỏ định kiến về vai trò của người phụ nữ trong gia đình như phụ nữ chỉ làm các công việc chăm sóc gia đình là rất quan trọng, bởi chính nhận thức đó đã tạo ra vị thế của người phụ nữ không tương xứng, dẫn đến người phụ nữ không có khả năng tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực và cơ hội tạo ra thu nhập.

Phát hiện tại Báo cáo “Tiền lương Toàn cầu 2024 - 2025” của ILO cũng cho thấy sự cần thiết phải hành động có mục tiêu để thu hẹp khoảng cách tiền lương, việc làm và bảo đảm mức lương công bằng cho tất cả lao động làm công hưởng lương không phân biệt giới tính.

Theo ILO, để giảm tình trạng bất bình đẳng về tiền lương, cần có chính sách tiền lương chặt chẽ và hỗ trợ một cách có hệ thống hướng tới tăng trưởng công bằng. ILO đã đưa ra các khuyến nghị như: Thiết lập tiền lương thông qua đối thoại xã hội (mức lương nên được thiết lập và điều chỉnh thông qua thương lượng tập thể hoặc hệ thống lương tối thiểu được thống nhất giữa Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động); Áp dụng cách tiếp cận dựa trên thông tin và bằng chứng (việc thiết lập tiền lương nên tính đến nhu cầu của người lao động và gia đình họ cũng như các yếu tố kinh tế); Thúc đẩy cơ hội bình đẳng trong đối xử và hưởng thành quả (chính sách tiền lương cần hỗ trợ bình đẳng giới, công bằng và không phân biệt đối xử)…

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ganh-nang-viec-nha-khien-phu-nu-chiu-bat-binh-dang-ve-thu-nhap-post533553.html
Zalo