Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Long Phú, Sóc Trăng
Huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, với hơn 27% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó chủ yếu là người Khmer, đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện đã t tập trung giải quyết thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt (Dự án 1) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình).
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 9/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng về lãnh đạo triển khai Chương trình, huyện ủy Long Phú đã ban hành Kế hoạch số 34-KH/HU vào ngày 20/12/2021 để cụ thể hóa các mục tiêu. Trên cơ sở đó, UBND huyện Long Phú xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các phòng, ban, ngành và chính quyền các xã, thị trấn trong vùng đồng bào DTTS triển khai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Những kế hoạch này không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện Chương trình mà còn đảm bảo các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra.
Báo cáo tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện Long Phú lần thứ IV, năm 2024, huyện đã đầu tư gần 66 tỷ đồng để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2024. Cụ thể, đối với Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, tính đến ngày 30/6/2024, huyện Long Phú thực hiện giải ngân được trên 16,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 97,02%; trong đó ngân sách Trung ương trên 15,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 96,81% và ngân sách địa phương trên 1,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 100%. Huyện đã hỗ trợ nhà ở cho 284 hộ; chuyển đổi nghề cho 395 hộ; nước sinh hoạt phân tán cho 92 hộ.
Tân Hưng là một trong những xã nghèo của huyện Long Phú, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân, trong năm 2022, xã được phân bổ nguồn vốn từ Chương trình để xây dựng 64 căn nhà cho các hộ nghèo. Tiếp nối thành công, năm 2023, xã được bổ sung nguồn vốn xây dựng thêm 37 căn nhà. Đến nay, việc xây dựng đã hoàn thành trên 95% công trình. Mỗi căn nhà có tổng trị giá 50 triệu đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, huyện hỗ trợ 4 triệu đồng, và các gia đình tự đối ứng thêm 6 triệu đồng. Nhờ chương trình này, hơn 100 hộ nghèo tại Tân Hưng, đặc biệt là đồng bào Khmer, đã có nơi ở kiên cố, giúp họ yên tâm trước những mùa mưa bão.
Thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình, xã Long Phú được phân bổ tổng vốn trên 5,3 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2024. Với nguồn vốn này, xã đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 51 hộ với số tiền trên 155 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 144 hộ với gần 2 tỷ đồng, hiện đã cơ bản giải ngân xong.
Tại xã Trường Khánh, trong giai đoạn 2021 - 2023, chương trình đã hỗ trợ nhà ở cho 16 hộ, chuyển đổi nghề cho 32 hộ, và cung cấp nước sinh hoạt phân tán cho 7 hộ DTTS với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Những nỗ lực này không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững tại địa phương.
Bên cạnh đó, huyện Long Phú đã tập trung xây dựng 27 công trình giao thông nông thôn tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn, tổ chức duy tu, bảo dưỡng 10 công trình giao thông với tổng vốn ngân sách giao 2.273 triệu đồng, giải ngân đạt 91,12%. Những tuyến lộ quan trọng như lộ giao thông ấp Phú Đức, lộ Tân Lập - Bưng Long - Bưng Thum, và lộ chùa Bưng Kol - Rạch Bưng Cà Pốt không chỉ cải thiện hạ tầng mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Trong lĩnh vực hỗ trợ sinh kế, huyện đã xây dựng 9 mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ 165 hộ nghèo, cận nghèo với 370 con bò sinh sản. Tổng vốn đầu tư cho các mô hình này gần 3 tỷ đồng. Các chương trình đào tạo nghề cũng được chú trọng với 47 lớp, thu hút 846 học viên, giúp nâng cao kỹ năng lao động và mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS. Tổng vốn cấp cho các hoạt động này là 9.415 triệu đồng, trong đó đã giải ngân 2.130 triệu đồng.
Ngoài ra, huyện còn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu với ngân sách trên 11,8 tỷ đồng, giải ngân hơn 8,5 tỷ đồng tính đến tháng 5/2024. Các công trình cơ sở hạ tầng không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể, còn 1.201 hộ, chiếm 4,53%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào Khmer còn 401 hộ (5,78%) và hộ nghèo dân tộc Hoa chỉ còn 2 hộ (0,86%). Những kết quả này cho thấy sự hiệu quả của các chính sách, dự án mà huyện Long Phú đã và đang triển khai. Việc cải thiện hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào DTTS tại địa phương.
Trong thời gian tới, huyện Long Phú đặt mục tiêu giải quyết các khó khăn còn tồn đọng, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, và nước sinh hoạt nhằm ổn định đời sống người dân. Huyện tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực để thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao và kết nối hiệu quả với thị trường bên ngoài. Đồng thời, Long Phú đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đổi mới nội dung và phương thức thông tin để người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu của các chính sách giảm nghèo. Huyện cũng chú trọng khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường trong đồng bào, từ đó lan tỏa các mô hình điển hình tiên tiến.
Huyện cam kết thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đảm bảo chất lượng các dự án thuộc Chương trình. Công tác kiểm tra, giám sát sẽ được tăng cường để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các dự án được thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.
Song song với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, huyện tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ DTTS nhằm nâng cao năng lực quản lý tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Huyện cũng sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Thông qua những nỗ lực này, Long Phú kỳ vọng tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn huyện.