Cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy

Nếu như công cuộc Đổi mới lần thứ nhất vào năm 1986 là công cuộc giải phóng sức lao động và năng lực sản xuất, thì cuộc Đổi mới đất nước cần thực hiện bây giờ phải cải cách toàn diện về thể chế, tinh gọn bộ máy hành chính vốn cồng kềnh.

TPHCM sẽ sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới.

TPHCM sẽ sắp xếp 80 phường để hình thành 41 phường mới.

Nhìn thẳng vào thực tại…

Tôi vẫn nhớ năm 1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh quyết định tổ chức Hội nghị Trung ương ở TPHCM. Khi ấy đất nước khó khăn đến mức, để tiết kiệm chi phí, Tổng Bí thư quy định chỉ có Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư được đi máy bay, còn lại tất cả Ủy viên Trung ương đều phải đi tàu hỏa.

Trên đường đi tàu hỏa từ Bắc vào Nam, tôi được xếp cùng toa tàu với anh Đoàn Duy Thành (Phó Thủ tướng Chính phủ). Đó là một kỷ niệm tôi không quên, nhắc nhở về những năm tháng khó khăn của đất nước trước và sau Đổi mới.

Giai đoạn ấy, anh Nguyễn Văn Linh không đi xe Volga mà chỉ đi xe nhỏ Lada, cán bộ cấp thứ trưởng cùng đi chung một xe, không có bất cứ ngoại lệ nào cho bất cứ ai. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng viết báo đăng trên báo Nhân Dân dưới tiêu đề “Những việc cần làm ngay”, đề cập đến những chủ đề thời sự trong cuộc sống, phê phán các biểu hiện phô trương, lãng phí, được công luận chú ý, góp phần thúc đẩy quá trình cải cách.

Có thể nói, sự đi lên của đất nước vượt qua bao thử thách khắc nghiệt, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lắng nghe, tổng kết những sáng tạo của quần chúng như khoán trong nông nghiệp, và phong trào “xé rào” trong doanh nghiệp nhà nước. Và thành công nhờ những nhà lãnh đạo đất nước ngày ấy đã thực hiện phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật”.

Còn nhớ những năm 1990, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, đó là bước tiến quan trọng, hợp pháp hóa sự ra đời của kinh tế tư nhân. Bởi trước đó, muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân kinh doanh phải được Chủ tịch tỉnh ký cho phép, và để "an toàn" có cả chủ tịch quận, chủ tịch phường, rồi cả tổ dân phố, đoàn thanh niên phải ký vào hồ sơ xin lập doanh nghiệp… Một hồ sơ thành lập doanh nghiệp cần tất cả 35 chữ ký và 32 con dấu.

Vì thế muốn thành lập một công ty, một doanh nghiệp phải mất từ khoảng 6 tháng đến 1 năm với không ít chi phí "bôi trơn" bộ máy.

Nên đến khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp năm 1999, chúng tôi đề nghị phải thi hành quyền của công dân được “tự do kinh doanh theo pháp luật”, quy định rõ tư nhân muốn kinh doanh thì cần có những loại hồ sơ, giấy tờ gì, và bất cứ ai đáp ứng đầy đủ các loại hồ sơ giấy tờ đó đều được đăng ký, chứ không cần ông Chủ tịch tỉnh ký “cho phép” nữa.

Nếu nhìn lại chặng đường gần 40 năm Đổi mới vừa qua và nói về những thành công của công cuộc cải cách và phát triển của Việt Nam, phải nói đến sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân trong quy mô tổng thể nền kinh tế. Kinh tế tư nhân được thừa nhận trong một nền kinh tế nhiều thành phần từ sau Đại hội VI cho đến nay, từ con số 0 giờ đã từng bước phát triển.

Hiện nay kinh tế tư nhân đăng ký theo Luật Doanh nghiệp chiếm khoảng 12% GDP, kinh tế hộ gia đình đóng góp 32% GDP, trở thành khu vực tạo nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế, góp phần quan trọng thực hiện xóa đói giảm nghèo từ nông thôn đến thành thị.

Ngày nay, khu vực kinh tế tư nhân đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, dù rằng đóng góp vào xuất khẩu của khu vực kinh tế tư nhân còn rất khiêm tốn, phần giá trị gia tăng được làm ra tại Việt Nam còn rất thấp. Chính vì vậy, để khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa trong giai đoạn này, phải đẩy mạnh công cuộc cải cách của Chính phủ.

Và cần một cuộc Đổi mới lần 2

Từ nhiều năm trước, khi trả lời phỏng vấn báo chí, tôi đã nêu lên yêu cầu đã đến lúc chúng ta phải tiến hành Công cuộc Đổi mới lần thứ 2 của Việt Nam. Cho đến hôm nay, khi đất nước đang đối diện với những khó khăn chưa từng có, cũng như những thời cơ vận hội lớn kể từ sau Đổi mới, Cách Mạng Công nghiệp 4.0 với kinh tế số, thương mại điện tử phát triển như vũ bão, thì chúng ta càng phải đẩy mạnh cải cách, đổi mới sáng tạo để tránh bị tụt hậu.

Bộ Chính trị năm 2021 đã có Kết luận 14/KL-TW về Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện kết luận quan trọng này.

Nếu như cuộc Đổi mới lần 1 là cuộc đổi mới để giải phóng năng lực sản xuất, thì cuộc Đổi mới lần 2 phải đổi mới toàn diện, cải cách toàn diện cả về thể chế, bộ máy. Mặc dù cho đến nay đã có cải cách và đạt một số tiến bộ đáng ghi nhận, nhưng thể chế vẫn là nhân tố được đánh giá thấp hơn trong các tiêu chí về năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Cách đây mấy năm, tôi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sỹ, lúc đó họ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam xếp thứ 67 trong 141 nền kinh tế, tăng 3,5 điểm, đạt 61,5/100 điểm, nhưng chỉ số về thể chế xếp 89/141 nền kinh tế; Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 47/127 nền kinh tế, nhưng chỉ số thể chế chỉ xếp thứ 71.

Những “nút thắt thể chế” của Việt Nam có thể liệt kê ra hàng loạt như bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, dẫm chân lên nhau và chi phí quá lớn về thời gian và tiền bạc, trong đó tỷ lệ chi phí “không chính thức” chiếm phần không nhỏ. Đó là chưa kể đến các chính sách luật pháp chồng chéo, thủ tục rườm rà, chi phí chính thức các doanh nghiệp phải trả để có thể sản xuất kinh doanh quá lớn…

Đó là những “rào cản” ngăn cản sự phát triển của Đổi mới. Mặc dù chúng ta đã và đang cải cách thể chế, nhưng việc này cần được thực hiện mạnh hơn nữa, bởi đây sẽ là chìa khóa để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tôi rất đồng tình với chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước mà Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đang thực hiện. Nên xem rằng đây là công cuộc Đổi mới lần thứ hai của Việt Nam. Và quan trọng hơn, công cuộc Đổi mới lần 2 này cũng có điểm chung như lần 1, đó là mệnh lệnh của thời đại, rất cần trở thành hiện thực để thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ.

TS. LÊ ĐĂNG DOANH, Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cai-cach-the-che-tinh-gon-bo-may-post118747.html
Zalo