Quản lý cấp trung tiếp tục khủng hoảng trong năm 2025
Báo cáo cho thấy 'sự sụp đổ của các nhà quản lý' là một trong 4 xu hướng công sở năm tới. Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp.
Những quản lý cấp trung, tức nhân sự không thuộc cấp lãnh đạo và có trách nhiệm giám sát nhân viên cấp thấp, cảm thấy họ ít nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên so với nhân viên của họ.
Theo Fortune, trong năm 2025, sau nhiều năm chật vật với tình trạng làm việc quá sức, nhiều doanh nghiệp có thể chứng kiến tình trạng “sự sụp đổ của các nhà quản lý”.
Đó là 1 trong 4 dự đoán trong báo cáo của meQuilibrium, nền tảng huấn luyện kỹ thuật số về cách thức nâng cao niềm hạnh phúc tại nơi làm việc tại Mỹ.
Ba dự đoán còn lại là khả năng sẵn sàng thay đổi tại nơi làm việc, lợi ích về niềm hạnh phúc của nhân viên khi xu hướng làm việc từ xa đang dần suy thoái và nhân sự Gen Z (sinh năm 1997-2012) đang gặp khó khăn nhiều hơn so với các đồng nghiệp lớn tuổi.
“Nếu không quan tâm đến các nhà quản lý, hiệu suất làm việc của họ sẽ suy giảm ở mức báo động và nguy cơ nghỉ việc cũng cao hơn”, Alanna Fincke, Trưởng nhóm phòng ban nội dung và học tập tại meQuilibrim, viết trong báo cáo.
Cũng theo báo cáo này, sự bất mãn của các quản lý cấp trung có thể mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Những quản lý vui vẻ và nhận được sự khuyến khích là “nhân sự quan trọng” đối với thành công của toàn bộ tổ chức.
Không thể thiếu nhân sự cấp trung
Để giữ chân quản lý cấp trung, những người đứng đầu doanh nghiệp nên đưa ra giải pháp phù hợp để giảm thiểu tình trạng làm việc kiệt sức.
Fincke cho rằng đó là mục tiêu quan trọng và có thể lan tỏa lợi ích đến toàn bộ tổ chức. Khi đó, năng suất, sự sáng tạo và sức khỏe tổng quát của đội ngũ nhân sự sẽ được cải thiện.
Bà cảnh báo nhân sự ở mọi cấp bậc có khả năng bỏ việc cao gấp 4 lần khi tình trạng sức khỏe tổng quát của họ không được cấp trên hỗ trợ.
Tuy nhiên, không có nhiều triển vọng về sự thay đổi tích cực tại các doanh nghiệp. Theo báo cáo của nền tảng tuyển dụng toàn cầu Glassdoor, tính đến tháng 2/2024, mức độ hài lòng của các quản lý cấp trung đang ở mức thấp nhất.
Theo chia sẻ của Daniel Zhao, nhà kinh tế trưởng tại Glassdoor, nguyên nhân là “các nhà quản lý cấp trung đang đối mặt với áp lực làm được nhiều hơn với ít nguồn lực hỗ trợ”.
Zhao bổ sung việc chứng kiến những đợt sa thải quản lý cấp trung khiến nhiều người cảm thấy bi quan về tiềm năng và sự phát triển ổn định của doanh nghiệp.
Động thái của nhân sự Gen Z
Làm việc đến mức cạn kiệt năng lượng là tình trạng phổ biến đối với quản lý cấp trung trong nhiều năm qua. Họ thường xuyên rơi vào tình huống khó xử khi vừa tìm cách xoa dịu cấp trên, vừa đáp ứng nhu cầu của các nhân viên mới.
Vì thế, theo báo cáo UKG 2023, gần 50% đáp viên là quản lý cấp trung cho biết họ có dự định nghỉ việc trong năm nay do có quá nhiều áp lực.
“Quản lý cấp cao thường đặt quá nhiều áp lực trên vai quản lý mà không cho họ sự hỗ trợ cần thiết”, Pat Wadors, Giám đốc nhân sự của nền tảng cung cấp giải pháp nhân sự Mỹ UKG, chia sẻ với Fortune.
Do đó, việc hỗ trợ cho nhà quản lý cấp trung có thể giúp họ ngăn chặn tình trạng làm việc quá sức và nâng cao hiệu suất.
“Quản lý cấp cao không thể mong đợi họ có thể dẫn dắt đội ngũ nhân sự nếu không hỗ trợ và ủng hộ họ”, Tapaswee Chandele, Phó chủ tịch toàn cầu về nhân sự và phát triển hệ thống đối tác tại Coca-Cola trụ sở ở Mỹ, chia sẻ tại hội nghị Sáng kiến Tác động của Fortune vào năm 2023.
Dẫu vậy, ngay cả khi các nhà quản lý cấp trung tiếp tục cố gắng và chấp nhận làm việc quá sức, những điều tồi tệ hơn vẫn có thể xảy ra với họ.
Theo báo cáo của Bloomberg, vào năm ngoái, vị trí quản lý cấp trung chiếm 1/3 số lượng nhân viên bị sa thải, tăng lên so với tỷ lệ 1/5 của những năm trước đó.
Minh chứng cụ thể nhất là chính sách Year of Efficiency của Meta do Mark Zuckerberg đặt ra, nhằm tinh giản các cấp quản lý của tập đoàn.
Như vậy, nếu những vấn đề trên không được giải quyết khi bước qua năm mới, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt quản lý cấp trung.
Giờ đây, khi những mặt tối của vai trò quản lý cấp trung ngày càng hiện rõ hơn, nhóm nhân sự mới cảm thấy chán nản khi nghĩ đến viễn cảnh bắt đầu đảm nhận vị trí này.
Theo nghiên cứu gần đây của công ty tuyển dụng Robert Walters tại Mỹ, gần 3/4 nhân sự Gen Z có mong muốn thăng tiến với vai trò cá nhân, thay vì thăng chức và trở thành quản lý.
Trong khi đó, gần 1/3 đáp viên tin rằng họ sẽ trở thành quản lý trong tương lai, dù đó không phải là viễn cảnh họ mong đợi. Rõ ràng, có nhiều nguyên nhân chính đáng khiến họ cảm thấy như vậy.