Gắn kết người dân trong tiến trình chuyển đổi số
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã và đang thể hiện vai trò nòng cốt trong việc đưa công nghệ đến gần hơn với người dân. Không chỉ hỗ trợ kỹ năng số cơ bản, các tổ còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, để người dân thực sự hiểu và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả là cả một quá trình cần sự đồng hành sát sao từ cơ sở. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, các tổ công nghệ số cộng đồng đã trở thành cầu nối quan trọng giữa chính quyền và người dân trong hành trình chuyển đổi số.
Bên cạnh việc hướng dẫn các thao tác cơ bản như cài đặt ứng dụng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt… các tổ còn tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân và các hình thức lừa đảo qua mạng. Những hoạt động tưởng chừng đơn giản nhưng lại có ý nghĩa thiết thực, giúp người dân có thêm kỹ năng về công nghệ và ứng dụng một cách an toàn, chủ động.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
Một trong những điểm nổi bật của tổ công nghệ số cộng đồng chính là thành viên là những cán bộ gần dân ở ấp, khóm, trong đó có lực lượng công an, đoàn viên, thanh niên ở xã, phường là những người trẻ có kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ tốt và có khả năng tuyên truyền hiệu quả. Chính sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của lực lượng này đã góp phần lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến từng hộ dân.
Tại Phường 4, thành phố Sóc Trăng, hiện có 6 tổ công nghệ số cộng đồng, mỗi tổ có từ 5 - 10 thành viên. Theo đồng chí Thạch Xuân Tùng - Bí thư Đoàn Phường 4, các tổ thường xuyên sử dụng nền tảng Zalo cộng đồng để cập nhật thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, chia sẻ thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao. Đồng thời hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, triển khai các nội dung của Đề án 06 và đăng ký căn cước công dân cho trẻ dưới 16 tuổi.

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tích cực đưa chuyển đổi số đến người dân. Ảnh: HẢI HÀ
Toàn tỉnh Sóc Trăng đã thành lập 775 tổ công nghệ số cộng đồng tại 775 khóm, ấp với tổng số hơn 5.000 thành viên. Tại huyện Trần Đề, mô hình được triển khai tại 57/57 ấp, đạt tỷ lệ 100% với 353 thành viên tích cực hoạt động. Các tổ đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân tiếp cận và sử dụng các nền tảng số như “Công dân Sóc Trăng”, “Cổng dịch vụ công Sóc Trăng”… Thành viên tổ còn hướng dẫn người dân giới thiệu sản phẩm, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; cài đặt và sử dụng ứng dụng thanh toán không tiền mặt như Viettel Money, VNPT Money... Qua đó đã có hơn 8.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt được thiết lập; trên 1.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chấp nhận thanh toán không tiền mặt và gần 9.200 tài khoản dịch vụ công trực tuyến được thiết lập cho người dân.
Tại thị trấn Lịch Hội Thượng của huyện Trần Đề, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt đã lan tỏa đến nhiều hộ kinh doanh. Hiện đã có 17 hộ được hỗ trợ cài đặt mã QR, các hộ khác chủ động in mã QR từ ngân hàng để giao dịch. Từ khi thực hiện tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt đến nay, đã có trên 1.000 phát sinh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực giáo dục, các trường học trên địa bàn thị trấn cũng đã triển khai thu học phí, bán trú qua hình thức thanh toán điện tử. Ông Huỳnh Văn Năm ở thị trấn Lịch Hội Thượng chia sẻ: “Nhờ có tổ công nghệ số mà tôi biết cách tự nộp hồ sơ trực tuyến, mua sắm qua mạng, thanh toán điện tử và quan trọng nhất là tránh được những chiêu trò trên mạng xã hội và những số điện thoại lạ gọi đến. Rất thiết thực và dễ hiểu”.
Tổ công nghệ số cộng đồng không chỉ là cầu nối giữa người dân và chính quyền trong tiến trình chuyển đổi số, mà còn góp phần giúp người dân phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Mô hình này đang từng bước khẳng định vai trò thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số từ cơ sở, hướng tới xây dựng một cộng đồng số phát triển, an toàn và bền vững.