Gác lại ước mơ học luật vì 'gánh nặng' kinh tế, nữ sinh vẫn tự nhủ mình may mắn

Nữ sinh Lạng Sơn phải gác lại ước mơ học luật vì 'gánh nặng' kinh tế, vẫn thấy bản thân may mắn hơn nhiều người.

Phải gác ước mơ học luật vì “gánh nặng” học phí

Nữ sinh Lộc Thị Hoàn (sinh năm 2006), người dân tộc Nùng, quê ở xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ấp ủ giấc mơ trở thành luật sư, nữ sinh đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, không ngừng cố gắng học tập, thế nhưng, gánh nặng chi phí đã khiến em phải rẽ sang một hướng khác.

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Lộc Thị Hoàn đạt 28,25 (tổ hợp C00), với số điểm này, cô hoàn toàn có thể theo học ngành Luật (Trường Đại học Luật Hà Nội), nhưng vì hoàn cảnh gia đình, nên cô chọn theo học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc (Trường Đại học Hạ Long) để có mức chi phí “nhẹ nhàng” hơn.

 Nữ sinh Lộc Thị Hoàn (bên trái) - cựu học sinh lớp 12C1, Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: NVCC.

Nữ sinh Lộc Thị Hoàn (bên trái) - cựu học sinh lớp 12C1, Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: NVCC.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình hộ nghèo của xã thuộc vùng khó khăn, cuộc sống của gia đình nữ sinh Lộc Thị Hoàn lại càng trở nên khó khăn hơn, khi bố mắc bệnh phổi và ra đi mãi mãi năm cô chỉ mới học lớp 7.

“Tất cả số tiền dành dụm của cả gia đình đã được dùng để chạy chữa bệnh cho bố, nên sau khi bố mất, cuộc sống gia đình lại càng khó khăn hơn. Kể từ đó, mẹ trở thành trụ cột, lo toan mọi chuyện và kiếm tiền trang trải cuộc sống. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, mẹ đã phải tần tảo sớm hôm, làm đủ mọi công việc, từ cạo nhựa thông, cắt cỏ rừng, làm vườn cho đến gặt, cấy thuê...

Nhìn thấy mẹ hằng ngày vất vả kiếm tiền, tôi luôn tự dặn mình phải cố gắng học tập thật tốt để phụ giúp cho mẹ.

Khi học trung học cơ sở, tôi tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và mỗi lần đạt giải, lại được nhà trường tặng những phần quà nho nhỏ là một vài cuốn vở viết, tôi luôn giữ gìn thật cẩn thận, để dành cho học kỳ sau. Như vậy, mẹ sẽ đỡ đi một phần chi phí cho đồ dùng học tập của tôi.

Đó cũng là lúc tôi nhận ra rằng, mình nhất định phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đỡ đần cho mẹ và có một tương lai tốt hơn sau này. Tôi đặt mục tiêu thi đỗ vào Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn, từ đó, được hưởng chế độ của Nhà nước dành cho học sinh dân tộc thiểu số, được miễn tất cả chi phí học tập, ký túc xá,... để phần nào làm vơi đi sự vất vả của mẹ”, Hoàn tâm sự.

 Nữ sinh Lộc Thị Hoàn và mẹ trong trang phục hàng ngày của dân tộc Nùng (chụp năm 2019). Ảnh: NVCC.

Nữ sinh Lộc Thị Hoàn và mẹ trong trang phục hàng ngày của dân tộc Nùng (chụp năm 2019). Ảnh: NVCC.

Đã có lúc, nữ sinh tưởng chừng phải gác lại ước mơ của mình, khi mẹ nói không lo được chi phí cho cô đi học đại học, chỉ có thể đi làm công nhân. Khoảng thời gian đó, bản thân cô cũng tự phân vân, khi nhận thấy hoàn cảnh gia đình đang xảy ra nhiều biến cố, mẹ phải chạy vạy khắp nơi để trang trải cuộc sống. Vậy nên, có những lúc, nữ sinh mất đi động lực, bỏ bê, lơ là việc học, dẫn đến kết quả học tập sa sút.

"Một thời gian sau, lấy lại được tinh thần, tôi thầm nhủ, mình cứ cố gắng, biết đâu lại có cơ hội nào đó mở ra. Và đến ngày cuối cùng làm thủ tục nộp hồ sơ, tôi mới biết mình được đi học. Mẹ và anh trai đã động viên tôi cố gắng, đường đi đến đâu hay đến đó" - Hoàn kể.

Nữ sinh Lộc Thị Hoàn cũng chia sẻ thêm, trong quá trình học tập ở Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn, cô đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các thầy, cô và nhân viên nhà trường. Đặc biệt, với sự dìu dắt, quan tâm, động viên của cô giáo chủ nhiệm Phạm Bích Loan, nữ sinh dân tộc Nùng đã có thêm động lực để cố gắng.

Hoàn tâm sự: "Với đặc thù trường nội trú, học sinh phải học tập và sinh hoạt tại trường, thầy, cô giống như những người cha, người mẹ thứ hai của tôi. Ngoài giờ lên lớp, các thầy các cô luôn chăm lo và hỏi thăm từng bữa ăn, giấc ngủ của học trò, lắng nghe và chia sẻ, hỗ trợ khi tôi gặp khó khăn.

Đặc biệt, cô Loan đã giúp đỡ tôi rất nhiều, cô luôn động viên tôi và các bạn cố gắng học tập. Vào những ngày lễ, cô thường hỏi han và mua đồ cho học sinh để vơi đi nỗi nhớ nhà, quên đi áp lực học tập.

Cũng nhờ có sự đồng hành, sẻ chia đó, tôi đã có thêm động lực và niềm tin để cố gắng học tập, không phụ công dìu dắt của các thầy cô. Tôi luôn biết ơn tình yêu thương và cả sự nghiêm khắc của các thầy cô đã giúp tôi thêm phần hoàn thiện bản thân mình".

Với niềm đam mê du lịch, tìm hiểu văn hóa, Lộc Thị Hoàn đã cố gắng học tập và tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý để có thêm nhiều kiến thức về những vùng đất mới; đồng thời, có thể bổ trợ cho các môn học khác.

Xuất phát từ niềm yêu thích, ham học hỏi đó, nữ sinh đã đạt được một số thành tích như: Giải Ba kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp trường (lớp 10); giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh (lớp 11); giải Ba kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý "vượt cấp" lớp 12 cấp tỉnh (lớp 11); giải Ba kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh (lớp 12).

“Nghĩ lại theo hướng tích cực, tôi cảm thấy mình còn may mắn...”

Chia sẻ về cuộc sống sinh viên, nữ sinh Lộc Thị Hoàn bày tỏ: “Những ngày đầu nhập học, tôi còn nhiều bỡ ngỡ, xa lạ và chưa bắt nhịp được cuộc sống. Tủi thân, tiếc nuối dâng trào, bởi, tôi đã ước mơ trở thành luật sư, đã từng rất muốn được trải nghiệm cuộc sống sinh viên ở Hà Nội, song, vì điều kiện gia đình không cho phép, tôi phải chọn đi một con đường khác.

Nhưng nghĩ lại theo một cách tích cực, tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều bạn phải gác lại việc học. Dù ở môi trường nào, chỉ cần mình không ngừng cố gắng, nhất định sẽ có kết quả tốt, tôi tin là như vậy”.

Chia sẻ thêm về gia đình, nữ sinh ngậm ngùi tâm sự: “Do làm nhiều việc nặng, sức khỏe của mẹ tôi đang ngày càng yếu đi và không thể làm việc nặng được nữa. Mọi chi phí sinh hoạt, học tập của tôi khi lên đại học đều do người anh trai lo toan, gánh vác”.

Thương mẹ, thương anh, Hoàn càng dặn mình phải cố gắng nhiều hơn nữa... “Tôi dự định sau học kỳ I sẽ sắp xếp và tìm một công việc làm thêm để tự trang trải chi phí, phụ giúp gia đình. Mong muốn lớn nhất của tôi ở thời điểm hiện tại là có nhiều sức khỏe, giữ vững được tinh thần học tập, “bước ra khỏi vùng an toàn” của chính mình.

Tôi muốn trở thành người có ích, cống hiến cho xã hội, có thể giúp đỡ lại những hoàn cảnh khó khăn như tôi đã từng được mọi người giúp đỡ”, nữ sinh bộc bạch.

 Với tinh thần không ngừng cố gắng, Lộc Thị Hoàn đã đạt một số thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp trường, tỉnh. Ảnh: NVCC.

Với tinh thần không ngừng cố gắng, Lộc Thị Hoàn đã đạt một số thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp trường, tỉnh. Ảnh: NVCC.

Nhận xét về người học trò cũ, cô giáo Phạm Bích Loan - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1, Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn cho hay: “Ở lớp, Hoàn là một học sinh chăm ngoan, có ý thức trong học tập. Dù có khó khăn, nhưng ý thức phấn đấu luôn thường trực trong em. Do vậy, kết quả học tập 3 năm trung học phổ thông của em tương đối tốt”.

Nói thêm về cô học trò nhỏ, cô Loan chia sẻ: “Là giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn mong muốn em theo đuổi ước mơ, được học ngành mình mong muốn. Song, tự ý thức được khả năng tài chính của gia đình, Hoàn không dám lựa chọn trường có học phí cao, thay vào đó, lựa chọn trường có chi phí phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Ở trong lớp, các em học sinh đều sống xa nhà, là giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn quan tâm đến tất cả các em để biết hướng đi, khó khăn mà các em đang gặp phải. Khi có một số bạn trong lớp chia sẻ là sẽ không đi học đại học vì không đủ điều kiện kinh tế, tôi cũng chỉ biết động viên các em cố gắng để có tương lai tốt hơn. Nếu nhận thức được, các em sẽ cố gắng vươn lên, chăm chỉ học tập”.

Cô Loan cũng cho biết thêm, Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có những phần quà hỗ trợ vào các dịp lễ, tết,... Những hỗ trợ về vật chất có thể không nhiều nhưng cũng là sự động viên tinh thần, tiếp thêm động lực cho các em học tập.

Theo cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn, để hỗ trợ, động viên tinh thần những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vào dịp đầu năm học mới, Tết Nguyên đán, nhà trường sẽ lập danh sách và trao quà hỗ trợ. Riêng những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo, các thầy cô và nhà trường sẽ miễn phí các khoản đóng góp khác, ví dụ như chi phí phô tô tài liệu học tập.

“Bên cạnh đó, với những em có hoàn cảnh khó khăn, vừa tốt nghiệp và đi học đại học, nhà trường hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng để giúp các em nộp học phí nhập học, nguồn kinh phí này cũng đến từ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm” - nữ hiệu trưởng cho biết thêm.

Thúy Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gac-lai-uoc-mo-hoc-luat-vi-ganh-nang-kinh-te-nu-sinh-van-tu-nhu-minh-may-man-post246739.gd
Zalo