Đề xuất GV mầm non được nghỉ hưu sớm tối đa 5 năm: Đúng, trúng với thực tế
Dự thảo Luật Nhà giáo cho phép giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm nhưng không quá 5 tuổi so với quy định nhận được sự ủng hộ lớn của các giáo viên.
Khoản 2, Điều 30, dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo lần thứ 5) quy định chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo: “Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”.
Nội dung này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận và đặc biệt là đội ngũ giáo viên mầm non. Giáo viên mầm non kỳ vọng thông qua quy định này sẽ giúp nhà giáo giảm bớt gánh nặng công việc cũng như giữ chân giáo viên gắn bó với nghề, giảm tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay.
Giáo viên mầm non lớn tuổi yêu nghề nhưng khó đứng lớp
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lý Thị Hằng (51 tuổi), giáo viên Trường Mầm non thực hành Hoa Sen - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho biết giáo viên mầm non không chỉ đảm nhiệm việc nuôi dạy mà còn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh trong suốt thời gian các em ở trường. Vì thế, ngoài kỹ năng sư phạm, sự sáng tạo, giáo viên cần nhanh nhẹn, năng động và có sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc.
“Từ tuổi 52, 53 trở đi, giáo viên mầm non thường khó duy trì sự linh hoạt, tư duy sáng tạo và sức khỏe như trước. Đặc thù công việc của giáo viên mầm non là chăm sóc, nuôi dưỡng và tổ chức các hoạt động thể chất, vui chơi phù hợp với độ tuổi trẻ mầm non (dưới 6 tuổi). Những hoạt động này đòi hỏi giáo viên phải luôn vui vẻ, tươi tắn, nhanh nhẹn, tuy nhiên, những giáo viên lớn tuổi khó đáp ứng được. Hơn nữa, trẻ nhỏ thường yêu thích những cô giáo trẻ trung, năng động, dễ tạo sự gần gũi và gắn kết trong các hoạt động của lớp học.
Ở độ tuổi này, nhiều giáo viên thường gặp các vấn đề về sức khỏe như đau nhức xương khớp, thoát vị đĩa đệm,.... Với những trẻ biếng ăn, cô giáo phải kiên nhẫn động viên và đút từng thìa cơm, khiến các cô phải di chuyển thường xuyên và cúi người liên tục. Ngoài ra, khi sức khỏe đi xuống giáo viên không thể đảm bảo việc bế ẵm trẻ hay bê vác đồ dùng, thiết bị phục vụ cho các hoạt động khác nhau trong lớp học, trường học”, cô Hằng nói.
Trong khi đó, cô Cù Thị Thu Thủy (52 tuổi), giáo viên Trường Mầm non Hoa Sữa (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay: “Công việc của giáo viên mầm non khác các bậc học khác ở chỗ giáo viên phải đảm nhận toàn bộ công việc chăm sóc, nuôi dưỡng và tổ chức các hoạt động thể chất cho trẻ, đòi hỏi sự dẻo dai, linh hoạt và sức khỏe tốt. Ở độ tuổi ngoài 50, sức khỏe của tôi đã lộ rõ các dấu hiệu như mắt mờ, chân chậm và trí nhớ cũng giảm sút. Dù vẫn đầy tâm huyết với nghề, nhưng tuổi tác và sức khỏe không còn cho phép tôi tiếp tục làm việc như trước.
Mặc dù vẫn cố gắng múa, hát cùng học sinh, nhưng do xương khớp không còn linh hoạt và giọng hát không còn hay như trước, tôi gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động cùng các em. Nhiều khi các bé cảm thấy không hứng thú, mà bản thân cô cũng áy náy vì không hoàn thành công việc đúng như mong đợi”.
Cô Thủy chia sẻ thêm, nhiều giáo viên lớn tuổi còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, sử dụng thiết bị điện tử và công nghệ hiện đại phục vụ công việc chăm sóc, dạy học cho trẻ. Trong khi đó, yêu cầu từ phụ huynh và xã hội đối với công tác giáo dục ngày càng tăng cao, giáo viên lớn tuổi khó có thể thay đổi và thích ứng kịp thời để đáp ứng được yêu cầu này.
Bên cạnh đó, thời gian làm việc của giáo viên mầm non lên đến 10-12 tiếng/ngày. Giáo viên phải có mặt tại lớp vào lúc 7 giờ 15 phút sáng để đón trẻ và rời trường lúc 17 giờ 30 phút. Nếu phụ huynh đón trẻ muộn, giáo viên còn phải ở lại lâu hơn. Vào buổi trưa, các giáo viên thay phiên nhau làm việc và nghỉ ngơi để chuẩn bị đồ dùng cho trẻ vào buổi chiều và cho ngày hôm sau. Với thời gian làm việc từ sáng sớm đến chiều muộn, các giáo viên ít có thời gian nghỉ ngơi và sắp xếp công việc cá nhân.
Với vai trò là người quản lý, cô Phạm Thị Kim Huê, Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Hoa Sen chia sẻ: Nhiều giáo viên tuy có kinh nghiệm và tình yêu nghề, nhưng khi bước qua tuổi 55, sức khỏe yếu đi khiến giáo viên mầm non khó duy trì sự năng động, linh hoạt trong công việc.
Thứ nhất, giáo viên mầm non cần có sự thông minh, dí dỏm để tạo ra những bài giảng hấp dẫn, giúp trẻ tập trung lắng nghe trong 15-30 phút. Tuy nhiên, khi các cô ngoài 55 tuổi, khả năng khuấy động không khí và thu hút trẻ giảm đi, khiến việc giữ sự chú ý của trẻ trở nên khó khăn hơn.
Thứ hai, về thẩm mỹ, giáo viên mầm non cần có ngoại hình ưa nhìn, khéo tay, giọng hát hay và khả năng múa dẻo để thu hút các bé. Tuy nhiên, khi qua độ tuổi 55, các cô giáo không còn khả năng vận động nhanh nhẹn để truyền cảm hứng cho học sinh.
Thứ ba, về năng lượng, giáo viên mầm non luôn cần mang đến niềm vui và năng lượng tích cực để chăm sóc trẻ nhưng khi sức khỏe không còn tốt, các cô giáo lớn tuổi không thể duy trì năng lượng này mỗi ngày.
Thứ tư, về năng lực, các cô giáo lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm và sự kiên nhẫn, tận tình với trẻ. Tuy nhiên, sự nhanh nhẹn và dẻo dai của các cô không còn như trước, trong khi trẻ em rất hoạt bát và hiếu động, nếu giáo viên không phản ứng kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Mặt khác, các trường mầm non nói chung và Trường Mầm non thực hành Hoa Sen nói riêng thường xuyên tổ chức các hoạt động phong phú như vui chơi, thể dục, nghệ thuật và học tập cho học sinh. Các hoạt động này đa số do các giáo viên tự chuẩn bị và thực hiện. Vì thế, bên cạnh việc khéo tay để trang trí, chuẩn bị đồ dùng học tập, vui chơi cho học sinh, các cô giáo còn phải bê vác đồ vật, thiết bị phục vụ cho các hoạt động này. Với giáo viên lớn tuổi, công việc này trở nên vất vả hơn.
Thời gian làm việc cũng gây áp lực cho giáo viên mầm non, nhất là với giáo viên lớn tuổi, các cô giáo phải làm việc ít nhất 10 tiếng/ngày. Với thời gian và cường độ làm việc như vậy, giáo viên lớn tuổi khó có thể đảm bảo được hiệu quả công việc.
Giáo viên mầm non mong mỏi dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua
Khoản 2, Điều 30 trong dự thảo Luật Nhà giáo cho phép nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có nguyện vọng có thể nghỉ hưu sớm nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi được các giáo viên mầm non rất ủng hộ.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội), một số giáo viên mầm non lớn tuổi có dấu hiệu suy giảm sức khỏe nhưng các cô vẫn duy trì công việc do chưa đến tuổi nghỉ hưu. Hiện tại, nhà trường luôn nỗ lực tìm phương án tối ưu để vận hành hiệu quả nhất đội ngũ giáo viên, nhất là với các giáo viên lớn tuổi.
Cụ thể, nhà trường thực hiện theo Điều 5, Thông tư số 19/2023/TT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Theo đó, nhà trường phân công ít nhất 2 giáo viên trên một nhóm lớp và tùy từng độ tuổi mà quy định số học sinh khác nhau.
Trong đó, một giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm sẽ phối hợp cùng một giáo viên trẻ để các giáo viên hỗ trợ nhau. Cô giáo lớn tuổi có kinh nghiệm hơn về chăm sóc, giao tiếp với phụ huynh, kinh nghiệm quản lý nhóm lớp. Trong khi đó, giáo viên trẻ lại có khả năng về ứng dụng công nghệ thông tin hoặc hát, múa, tạo hình.
Ban giám hiệu nắm rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng giáo viên để sắp xếp phù hợp, đảm bảo mỗi lớp học có sự hỗ trợ và phối hợp tốt nhất giữa các cô giáo với nhau. Cách bố trí này giúp tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy, tạo điều kiện để các hoạt động trong lớp diễn ra hiệu quả nhất.
Khi được biết về khoản 2, Điều 30 của dự thảo Luật Nhà giáo, đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Thượng Thanh rất mong chờ dự thảo được thông qua. Quy định này không chỉ mang lại quyền lợi chính đáng cho các giáo viên lớn tuổi đã cống hiến lâu năm trong môi trường áp lực cao mà còn giúp đảm bảo sức khỏe của giáo viên khi đã có tuổi được nghỉ ngơi sớm hơn.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Kim Huê chia sẻ rằng, một số giáo viên mầm non nhiệt huyết và có đủ sức khỏe đến tuổi nghỉ hưu vẫn muốn tiếp tục làm việc, nhưng cũng có nhiều giáo viên mong muốn được nghỉ hưu sớm. Do đó, quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo có thể đáp ứng được mọi mong muốn của giáo viên. Bên cạnh đó, công việc giáo viên mầm non có tính đặc thù, vất vả và áp lực, nên nhiều giáo viên khó có thể duy trì sức khỏe để làm việc đến 60 tuổi. Ở tuổi ngoài 55, nếu giáo viên có nguyện vọng nghỉ hưu mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi là điều đội ngũ giáo viên mầm non rất mong đợi.
Bên cạnh đó, việc cho phép giáo viên mầm non có nguyện vọng được nghỉ hưu sớm là một chính sách khuyến khích giúp giữ chân đội ngũ giáo viên lâu năm, đồng thời thu hút thêm nguồn lực giáo viên trẻ chất lượng gia nhập ngành giáo dục. Các giáo viên mầm non có thể yên tâm hơn về chế độ mà mình được hưởng. Điều này không chỉ mang lại sự công bằng cho các giáo viên mầm non mà còn tạo điều kiện cho giáo dục mầm non phát triển hơn.