Fed: Bất ổn chính sách tạo đang đè nặng lên kinh tế Mỹ
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 23/4 cảnh báo chính sách thương mại thiếu nhất quán của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tạo áp lực cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Quang cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN
Trong báo cáo khảo sát kinh tế Sách Be (Beige Book), Fed cho biết triển vọng kinh tế tại nhiều khu vực đã xấu đi đáng kể do gia tăng các yếu tố bất định, đặc biệt là những bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan của Tổng thống Trump.
Báo cáo nêu rõ nỗi lo về chính sách thương mại quốc tế của Mỹ xuất hiện xuyên suốt trong các khảo sát tình hình kinh tế tại toàn bộ 12 khu vực chi nhánh trực thuộc Fed.
Trong những tuần gần đây, hoạt động sản xuất tại 2/3 các khu vực nhìn chung đình trệ hoặc thậm chí suy giảm. Lĩnh vực du lịch cũng chững lại, đặc biệt một số nơi còn chứng kiến lượng khách quốc tế giảm mạnh. Trong khi đó, thị trường ô tô lại có mức tăng doanh số “từ trung bình đến mạnh” tại nhiều nơi, do người tiêu dùng tranh thủ mua xe trước khi giá tăng do bị áp thuế nhập khẩu.
Fed đã thu thập thông tin cho báo cáo khảo sát trước hoặc vào ngày 14/4, sau khi nhiều biện pháp thuế quan quy mô lớn của Tổng thống Trump được ban hành và bắt đầu có tác động trên quy mô cả nước.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Trump đã khiến các thị trường toàn cầu xáo trộn với việc đảo ngược chính sách thương mại tự do trong nhiều thập kỷ; tuyên bố áp đặt thuế 25% đối với toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu; áp thuế cơ bản 10% cùng các mức thuế đối ứng khác nhau với hàng hóa từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào Mỹ.
Ông Trump cho rằng chính sách bảo hộ của ông sẽ đưa các dây chuyền sản xuất trở về Mỹ và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân nước này. Tuy nhiên, các mức thuế đối ứng đang được Mỹ tạm hoãn trong 90 ngày kể từ ngày 9/4, ngoại trừ với Trung Quốc. Trong khi đó, Nhà Trắng thông báo đến nay đã có 18 quốc gia đề nghị đàm phán thương mại với Mỹ.
Giới lãnh đạo các ngân hàng lớn của Mỹ mới đây cảnh báo những bất ổn kinh tế do thuế quan gây ra, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ngay cả khi lợi nhuận của các ngân hàng này vượt dự báo trong quý đầu tiên.
Giới lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết mặc dù còn quá sớm để thấy được đầy đủ tác động của thuế quan, nhưng người tiêu dùng và doanh nghiệp đã bắt đầu phản ứng và ngày càng thận trọng hơn về các mức thuế quan sâu rộng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Jeremy Barnum, Giám đốc tài chính của ngân hàng JPMorgan, cho biết người tiêu dùng đã bắt đầu mua trước những thứ có thể sẽ đắt đỏ hơn do thuế quan. Trong khi đó, các khách hàng doanh nghiệp đang bật chế độ “án binh” để xem xét tình hình, vì mức độ bất ổn chính sách này khiến việc lập kế hoạch dài hạn trở nên khó khăn.
Tương tự, ông Michael Santomassimo, Giám đốc tài chính của ngân hàng Wells Fargo, cho biết khách hàng doanh nghiệp và thương mại đang tỏ ra thận trọng hơn, vì muốn chờ đợi thêm để có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình thị trường trước khi đưa ra quyết định. Ông Santomassimo dự đoán thu nhập lãi ròng, khoản chênh lệch giữa lãi cho vay và lãi tiền gửi, của ngân hàng này sẽ ở mức thấp trong khoảng dự báo cho năm nay do thị trường biến động.
Giám đốc điều hành của ngân hàng Morgan Stanley, ông Ted Pick, lại bày tỏ sự lạc quan hơn, khi cho rằng nền kinh tế có thể tránh được suy thoái, dù vẫn thừa nhận những rủi ro hiện hữu. Giám đốc tài chính Sharon Yeshaya cho biết, dù một số khách hàng trì hoãn giao dịch do bất ổn thị trường, nhưng nhìn chung các thương vụ của ngân hàng vẫn duy trì ổn định.
Mảng ngân hàng đầu tư là điểm sáng trên Phố Wall, với mức phí tại JPMorgan tăng 12% và doanh thu của Morgan Stanley tăng 8%.