Nâng 'chất' dòng vốn ngoại, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 quốc gia thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần tái định hình chiến lược thu hút dòng vốn ngoại theo hướng tăng cường chọn lọc và nâng cao chất lượng dòng vốn.

Dòng vốn FDI đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh minh họa: S.T
Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài
Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 với chủ đề “Việt Nam: Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới”, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương - cho biết, sau gần bốn thập niên đổi mới, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã liên tục được cải thiện thông qua việc cải cách hành chính, hoàn thiện pháp luật, nâng cấp hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn quốc tế lớn.
Theo số liệu thống kê, tính lũy kế đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 510 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 327,5 tỷ USD, bằng gần 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã và đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, Intel, Foxconn, Amkor...
Với sự tăng trưởng tích cực, dòng vốn FDI đã và đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đơn cử, tính riêng năm 2024, khu vực FDI đóng góp 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp hơn 20 tỷ USD vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, thống kê sơ bộ cho thấy, khu vực FDI đã góp phần giải quyết khoảng hơn 5 triệu việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đem lại nguồn thu nhập khả quan cho người lao động.
Chỉ ra những lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI hiện nay, ông Sơn cho biết, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam không chỉ đến từ quy mô thị trường hơn 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và mức tiêu dùng gia tăng nhanh chóng, mà còn nhờ mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tham gia, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
“Là một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất thế giới, với tỷ lệ kim ngạch thương mại trên GDP lên tới gần 200%, cùng với hạ tầng không ngừng được nâng cấp, môi trường kinh doanh cải thiện, chính trị ổn định và chính sách ưu đãi hấp dẫn, Việt Nam tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI. Khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tiếp cận thuận lợi các thị trường rộng lớn, giảm đáng kể chi phí và rào cản thương mại; kết nối sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng hiệu quả kinh doanh và tăng trưởng bền vững trong dài hạn” – ông Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Lim Dyi Chang - Giám đốc cấp cao Khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam - cho biết, những biến động về chính sách thương mại, thuế quan và tình hình địa chính trị phức tạp đang làm gia tăng áp lực lên các chuỗi sản xuất và thương mại toàn cầu. Hiện nay, các tập đoàn lớn trên thế giới đang tìm kiếm những điểm đến đầu tư không chỉ có khả năng thích ứng nhanh, mà còn có thể phân tán rủi ro một cách hiệu quả và tạo ra triển vọng phát triển bền vững.
Với triển vọng dài hạn tích cực, ông Lim Dyi Chang cho rằng ASEAN vẫn giữ vững vị thế là một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đặc biệt nổi bật với dân số trẻ, lực lượng lao động giàu kỹ năng công nghệ và mạng lưới thương mại nội khối ngày càng gắn kết. Trong đó, Việt Nam không chỉ nổi lên như một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, mà còn đóng vai trò là mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị khu vực, kết nối các nền kinh tế ASEAN.

Các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 do Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức, chiều 23/4. Ảnh: D.T
Thu hút có chọn lọc, nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại
Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng vẫn còn tồn tại không ít hạn chế trong thu hút và sử dụng vốn FDI thời gian qua.
Cụ thể là, quy mô và trình độ công nghệ của các dự án FDI còn hạn chế; nhiều dự án chưa thực sự tạo giá trị gia tăng cao; thiếu liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước; tỷ lệ nội địa hóa thấp, khiến doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu được vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, những rào cản về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, một số quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy, thuế... vẫn đang là trở ngại, tạo gánh nặng lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI. Các nhà đầu tư cũng gặp phải khó khăn do nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đặc biệt, vẫn còn xảy ra hiện tượng chuyển giá, gian lận thương mại, đặc biệt là vấn đề “đội lốt, tráng men xuất xứ” sản phẩm…
Chia sẻ thêm hạn chế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 510 tỷ USD, nằm trong nhóm 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5% trong tổng vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, một con số được đánh giá là chưa tương xứng với kỳ vọng.
“Chúng ta không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp. Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị” - Thứ trưởng Trung nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Sơn cho biết, Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng tăng tốc để đạt được hai mốc mục tiêu phát triển quan trọng vào năm 2030 và 2045. Trọng tâm là vượt qua nguy cơ tụt hậu, tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế cần đạt trên 8% vào năm 2025 và phấn đấu đạt hai con số ở giai đoạn tiếp theo.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những yêu cầu cấp thiết đang được đặt ra là cần định hình lại chính sách thu hút, quản lý và sử dụng vốn FDI. Thay vì thu hút đại trà, Việt Nam cần chuyển sang chiến lược chọn lọc, định hướng rõ ràng hơn vào các dự án có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có tính kết nối chuỗi, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và công nghiệp nền tảng.
Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế hậu kiểm, đánh giá định kỳ và có chế tài thu hồi ưu đãi nếu vi phạm, nhằm nâng cao kỷ cương trong quản lý đầu tư.
Cùng với đó là tăng cường liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước, phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đầu tư vào các vùng trọng điểm như miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và siết chặt quản lý nhằm ngăn chặn hiện tượng chuyển giá, “núp bóng” trong đầu tư…
Để đồng hành với các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục thuế, hải quan và hành chính liên quan đến đầu tư theo hướng tự động hóa, số hóa, minh bạch và giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi quyết tâm cải cách sâu rộng ở nhiều khâu, từ chính sách thuế, thủ tục hải quan đến các quy trình đầu tư. Mục tiêu là nâng cao hiệu suất, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam” - ông Trung nhấn mạnh./.