ESG trở thành một tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp và quốc gia

ESG đang dần trở thành định hướng cốt lõi, thúc đẩy các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình thích ứng với những yêu cầu mới của phát triển bền vững trong thời kỳ kinh tế xanh.

Thúc đẩy ESG trong hội nhập

Phát biểu tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất do báo Dân trí tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc đối mặt với những thách thức về môi trường, xã hội và quản trị là điều tất yếu.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà phát biểu động lực hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà phát biểu động lực hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

“ESG - với ba trụ cột Môi trường, Xã hội và Quản trị ngày nay đã trở thành một tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp và quốc gia. Người tiêu dùng, nhà đầu tư và cộng đồng sẽ ngày càng chú trọng đến các yếu tố ESG trong mọi quyết định của mình. Điều này không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh, mà còn góp phần thu hút đầu tư và định hình năng lực phát triển bền vững của doanh nghiệp và cả nền kinh tế” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, lực lượng lao động bền vững - những con người có kiến thức, kỹ năng và khả năng thích ứng là yếu tố then chốt trong nền kinh tế xanh, kinh tế số. Đồng thời cũng khẳng định khoa học, công nghệ là "chìa khóa" giải quyết vấn đề môi trường và tối ưu hóa tài nguyên.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn xác định phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều chính sách và chương trình cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng ESG, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao năng lực quản trị.

Trong đó, Bộ Nội vụ giữ vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý, cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước - tạo nền tảng thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Ngoài ra, Bộ cũng đóng vai trò then chốt trong việc định hướng và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố cốt lõi để thực hiện các mục tiêu ESG trong dài hạn.

“Để ESG thực sự đi vào thực tiễn, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có lộ trình tiếp cận phù hợp với điều kiện và năng lực hiện tại của từng đơn vị” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Chuyển mình vì mục tiêu xanh

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn từ những doanh nghiệp tiên phong thực hành ESG hiệu quả, theo ông Phạm Tuấn Anh - Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới, gắn với năng lượng sạch và phát triển bền vững thông qua 3 yếu tố ESG, là yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp.

Đại diện Xanh SM chia sẻ về những thành tựu mà doanh nghiệp đã làm được trong 2 năm vừa qua.

Đại diện Xanh SM chia sẻ về những thành tựu mà doanh nghiệp đã làm được trong 2 năm vừa qua.

Đại diện PVN nhấn mạnh vai trò then chốt của doanh nghiệp, đặc biệt là tại PVN trong đảm bảo an ninh năng lượng và đóng góp cho ngân sách, kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên truyền thống đang dần bộc lộ giới hạn khi tài nguyên cạn kiệt và tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe.

Theo đại diện PVN, trong kỷ nguyên chuyển đổi số, PVN ứng dụng công nghệ cốt lõi, dữ liệu và quản trị hiện đại để tối ưu vận hành và ứng phó linh hoạt với biến động. Từ năm 2015, doanh nghiệp công bố báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn GRI, tích hợp ESG vào chiến lược dài hạn.

Trước thực tế đó, PVN đã chủ động tái định vị sứ mệnh, mở rộng sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, hydrogen xanh… nhằm đa dạng hóa nguồn cung, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài.

Song song với đó, PVN cũng đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp liên quan như hóa dầu, khoáng sản, cơ khí, công nghệ, tài chính và đào tạo, giúp gia tăng giá trị, tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bà Phan Thị Hồng Dung - Phó Giám đốc Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (Xanh SM) chia sẻ rằng, Xanh SM được thành lập nhằm hưởng ứng cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26. Sau 2 năm hoạt động, công ty đã ghi nhận hơn 300 triệu chuyến xe và tạo việc làm cho khoảng 100.000 tài xế. Không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh, Xanh SM còn giúp giảm hơn 211.000 tấn CO₂ phát thải ra môi trường.

Đại diện Xanh SM nêu rõ, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vận tải, sau khi chuyển đổi sang xe điện, đã ghi nhận mức giảm lên tới 40% chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng. Với lợi thế đó, Xanh SM không ngừng mở rộng quy mô, trở thành một trong những doanh nghiệp vận tải hàng đầu tại Việt Nam và hiện đã hiện diện tại các thị trường quốc tế như Lào và Indonesia.

Hiện nay, hơn 100 doanh nghiệp đã cùng tham gia vào Liên minh Xanh Việt Nam - một sáng kiến thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua chuyển đổi năng lượng và kinh tế xanh. Theo đại diện Xanh SM, công ty không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người lao động mà còn tạo ra giá trị tích cực và bền vững cho cộng đồng.

“Đối với chúng tôi, ESG không còn là khẩu hiệu, mà là kim chỉ nam trong mọi hành động” - đại diện Xanh SM khẳng định./.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/esg-tro-thanh-mot-tieu-chuan-quan-trong-trong-danh-gia-su-phat-trien-cua-doanh-nghiep-va-quoc-gia-175202.html
Zalo