Biến động của thị trường tài chính và sức ép của Fed

Những diễn biến không bình thường xảy ra trên thị trường trái phiếu Mỹ và sự bất ổn về thương mại, giá vàng... đang tạo sức ép lên Fed trong việc sớm hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong mấy tuần vừa qua, thị trường tài chính toàn cầu đã có những phen thót tim gây ra bởi những tuyên bố về thuế nhập khẩu của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tình hình có vẻ dịu đi khi mới đây, ông Trump bóng gió rằng chuyện ăn miếng trả miếng với Trung Quốc có thể cũng sắp đến hồi kết thúc. Thế nhưng lo ngại về suy thoái, về tăng trưởng kinh tế chậm lại kèm theo lạm phát khiến cho không ít người đau đầu. Và người đang chịu sức ép nhiều nhất có lẽ không ai khác là chủ tịch Fed, ông Jerome Powell.

HỆ LỤY KHÔN LƯỜNG CỦA THUẾ ĐỐI ỨNG

Với việc tăng mạnh thuế nhập khẩu của nhiều quốc gia vào thị trường Mỹ, rồi theo đó là sự đáp trả của Trung Quốc và EU đã khiến cho những bất ổn trong chính sách thương mại vượt qua khỏi các khuôn khổ truyền thống. Thị trường tài chính đã chứng kiến những đợt tăng giảm đột biến của chỉ số VIX, từ vùng 20x vọt lên 60x rồi giảm về 30x. Một khảo sát của Reuters cho thấy xác suất nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái trong vòng một năm tới đây là vọt lên 45% từ 25% của tháng trước.

Đại diện của quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng căng thẳng thương mại gây ra những hệ lụy rất lớn, và cuộc gặp gỡ mùa Xuân sắp tới đây của IMF và World Bank sẽ tập trung vào câu chuyện này. Tuy vậy, khả năng suy thoái là không hiện hữu dù tăng trưởng bị sụt giảm đáng kể. Hồi đầu năm, dự báo tăng trưởng kinh thế toàn cầu của IMF là 3,3% trong năm 2025, và con số mới sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Chỉ số VIX đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán.

Chỉ số VIX đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán.

Những bất ổn về thương mại cũng đã khiến cho nhiều loại tài sản có những biến động bất thường. Giá vàng thế giới tăng mạnh, vượt mốc 3300 usd/oz vì là loại tài sản trú ẩn được ưu tiên. Trong khi đó giá dầu giảm kỷ lục, có hợp đồng tương lai xuống dưới 60 usd/thùng. Đồng USD cũng chịu chung cảnh ngộ khi giảm đáng kể, chỉ số DXY có lúc xuống dưới 100, so với hồi đầu năm ở mốc 110 thì là một mức giảm khó tin.

Có một diễn biến không bình thường là lợi tức (yield) của Trái phiếu 10 năm của Chính phủ Mỹ tăng mạnh trong tuần đầu tháng 4. Lẽ ra khi nhiều bất ổn, Trái phiếu chính phủ Mỹ cũng là một lựa chọn làm nơi trú ẩn nhưng lo ngại về lạm phát, việc chính phủ Trung Quốc tạo áp lực bán và một số quỹ đầu tư bị margin call đã khiến nguồn cung tăng, từ đó giá Trái phiếu giảm và yield tăng.

Áp lực của thuế đối ứng cũng đặt nặng lên vai các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc và EU. Trung Quốc đã thực hiện phá giá đồng Nhân dân tệ, đẩy xuống mức thấp nhất từ 2007 ở mức 1usd = 7.3498 RMB. Ngoài ra, việc nới lỏng chính sách tiền tệ qua hạ lãi suất cũng là một khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới. Về phía EU, ngân hàng trung ương ECB đã giảm lãi suất cơ bản xuống còn 2.25%, sau bảy lần từ tháng Sáu năm ngoái. Ngay cả trong trường hợp sức ép lạm phát quay trở lại thì ECB vẫn có thể tiếp tục kế hoạch hạ lãi suất của mình.

Trong một phân tích mới đây của GS. Gianluca Benigno (HEC Lausanne), cú sốc thuế quan lần này có thể dẫn đến một cú sốc tài chính. Căn cứ của luận điểm này là ở chỗ: ảnh hưởng của nó rất lớn; gây bất ngờ (về thuế suất cao); và có tính hệ thống (muốn tách Hoa Kỳ ra khỏi hệ thống thương mại toàn cầu). Khi bất ổn từ thương mại gia tăng, nó sẽ lan truyền sang thị trường tài chính theo khuôn khổ kinh điển Kindleberger–Minsky. Theo đó, thị trường sẽ điều chỉnh lại kỳ vọng về lợi nhuận và tăng trưởng, nhiều loại tài sản được định giá lại theo hướng giảm, căng thẳng của các giao dịch ký quỹ (margin stress), vòng xoáy giảm đòn bẩy buộc bán giải chấp, rồi cuối cùng lây lan (contagion) sang hệ thống tín dụng ngân hàng.

SỨC ÉP ĐÈ LÊN FED

Một mặt tổng thống Donald Trump gây sức ép thuế quan lên nhiều nước, thậm chí là đồng minh của Hoa Kỳ, một mặt liên tục gây sức ép lên Fed, mà cụ thể là chủ tịch Jerome Powell trong việc sớm hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Fed ở trong một tình thế rất khó khi thuế quan làm tăng lạm phát trong khi Fed muốn giảm, và Fed cũng muốn tỷ lệ thất nghiệp trong tầm kiểm soát, vì việc làm ảnh hưởng rất nhiều đến lạm phát và qua đó là chính sách lãi suất.

Trong buổi chia sẻ ở CLB Kinh tế Chicago ngày 16/4, ông Powell đã chia sẻ về những rủi ro của sự bất định trong tương lai ảnh hưởng đến quyết định của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Trong trường hợp xấu, môi trường đầu tư ở Hoa Kỳ sẽ trở nên kém hấp dẫn. Tuy vậy, ông cũng đã trấn an rằng thị trường tài chính đang hoạt động trong trật tự và Fed sẵn sàng cung cấp thanh khoản qua hoạt động hoán đổi đồng usd với các ngân hàng trung ương khác khi cần thiết.

Ông Trump đã nhiều lần gây sức ép lên ông Powell, thậm chí muốn sa thải và tìm cách hạn chế tính độc lập của Fed. Tuy vậy tính độc lập là giá trị quý nhất của một ngân hàng trung ương, điều này tạo ra uy tín với công chúng và nhờ đó kiểm soát lạm phát tốt hơn. Trong trường hợp hy hữu nhất, ông Trump có thể sa thải ông Powell dựa trên “lý do chính đáng” nhưng điều này cũng mơ hồ và khó thực hiện. Mà ngay cả trong trường hợp điều hiếm hoi này xảy ra, cựu chủ tịch Fed vẫn có nhiều khả năng tiếp tục trong 2 hội đồng quan trọng là Board of Governors và FOMC.

Cho đến lúc này, ông Powell và Fed vẫn giữ được sự bình tĩnh và độc lập với chính quyền của ông Donald Trump. Các quyết định sắp tới của Fed sẽ rất nhiều khó khăn nhưng có lẽ sự thận trọng và lợi ích của công chúng sẽ là sự ưu tiên hơn sức ép từ Chính phủ.

Hệ lụy của thuế đối ứng trong trường hợp căng thẳng leo thang thì tất cả các bên đều bị thiệt hại, và điều này chắc chắn đã được nghĩ tới, nhưng con số cụ thể thì rất khó để có thể ước tính chính xác được. Hy vọng rằng ông Trump và đội ngũ cố vấn sẽ đủ tỉnh táo để tìm ra điểm cân bằng, giảm dần sự bất định, giúp nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung tránh được một cuộc suy thoái, thậm chí là khủng hoảng.

---

(*) Giảng viên trường Đại học Kinh tế TP HCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu - AVSE Global.

TS. Võ Đình Trí (*)

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bien-dong-cua-thi-truong-tai-chinh-va-suc-ep-cua-fed.htm
Zalo