FDI vào Việt Nam giữa áp lực thuế quan: Thách thức hay cơ hội tái cấu trúc?
Bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức như căng thẳng địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đang có những tác động ban đầu đối với sự chuyển dịch dòng vốn FDI trong khu vực và thế giới. Việt Nam không nằm ngoài tầm ảnh hưởng, tuy nhiên đây cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn FDI.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài Chính, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam 4 tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 4 tháng đạt gần 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ sự bứt phá mạnh mẽ của dòng vốn điều chỉnh và hoạt động góp vốn, mua cổ phần.
Kết quả FDI 4 tháng cho thấy điều gì?

Tình hình thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2025 so với các năm trước.
Cụ thể, trong khi vốn đăng ký mới giảm 23,8%, chỉ đạt hơn 5,59 tỷ USD với 1.204 dự án, thì vốn điều chỉnh lại tăng gần 3,9 lần, đạt gần 6,4 tỷ USD. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh 44,4%, lên 540 lượt. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần sôi động không kém với 1.106 giao dịch, tăng 8,3%, và tổng giá trị đạt gần 1,83 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần so với năm 2024.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, sự gia tăng mạnh mẽ của vốn điều chỉnh và hoạt động góp vốn, mua cổ phần đã bù đắp hiệu quả cho sự sụt giảm của vốn đăng ký mới, đồng thời minh chứng cho niềm tin ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Không chỉ đến tìm cơ hội mới, nhiều doanh nghiệp FDI hiện hữu đang tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất và chuỗi giá trị nội địa.
Vốn FDI thực hiện cũng ghi nhận kết quả tích cực với 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Đây là con số giải ngân cao nhất trong 4 tháng đầu năm của giai đoạn 5 năm gần đây. Phần lớn dòng vốn này được đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (5,5 tỷ USD), tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản (533,1 triệu USD) và sản xuất, phân phối điện, khí đốt (266,2 triệu USD).
Các số liệu trên cho thấy Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên thời gian tới, một trong các ẩn số sẽ tác động mạnh đến dòng vốn FDI là diễn biến đàm phán thuế đối ứng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Tại Diễn đàn hợp tác kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức cuối tuần qua, ông Hong Sun, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết, nhiều doanh nghiệp lớn của nước này đã sang Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư, một số thậm chí đã quyết định đầu tư tuy nhiên do có thông tin về thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, họ đã thận trọng bảo lưu quyết định. Ngay cả những doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam cũng đang, cân nhắc về việc có nên tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư hay không.
Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 92 tỷ USD cho 10.102 dự án, chiếm gần 18,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động chất lượng cao. Đặc biệt, các tập đoàn tầm quốc tế như Samsung, LG, Posco, Kia Motor, Hyundai Motor... đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nhất là điện tử, ô tô, cơ khí... giúp Việt Nam nâng cao trình độ và năng lực sản xuất, tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam đã và đang chỉ đạo sát sao Đoàn đàm phán thương mại với Hoa Kỳ của Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ với tinh thần “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”.
Theo đại diện KOCHAM, đa số doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhắm đến thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp đều tin tưởng và mong chờ kết quả đàm phán tích cực. Tuy nhiên, nếu kịch bản thuế đối ứng của Hoa Kỳ áp lên Việt Nam hơn 40% xảy ra sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc hoạt động, khiến các doanh nghiệp phải thay đổi thị trường cung ứng.
Cơ hội để ''nâng tầm" dòng vốn
Nhiều chuyên gia nhận định, môi trường thương mại toàn cầu đang thay đổi với tốc độ chưa từng có, thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong cấu trúc công nghiệp toàn cầu, buộc các doanh nghiệp sản xuất phải tái cấu trúc và chuyển đổi căn bản trong tư duy vận hành.
Đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội để các bên định hình tư duy quản trị đổi mới - từ đó không chỉ ứng phó hiệu quả với các thách thức mà còn góp phần xây dựng một mối quan hệ hợp tác khăng khít hơn, một tương lai phát triển bền vững hơn.
KOCHAM cam kết sẽ tiếp tục chủ động và tích cực kiến nghị những chính sách hiệu quả tới Chính phủ Việt Nam, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước. Đồng thời, sẽ đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư mới, giúp họ nhanh chóng ổn định hoạt động và triển khai kinh doanh tại Việt Nam một cách thuận lợi, hiệu quả.
“Chúng ta cần có những phản ứng linh hoạt đối với chính sách thuế quan. Bên cạnh đó, cần chung tay đề xuất các chính sách lâu dài nhằm thúc đẩy thương mại song phương. Thông qua sự hợp tác và chia sẻ, chúng ta có thể đưa ra những sáng kiến thiết thực để kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn”, ông Ko Tae-yeon - Chủ tịch KOCHAM kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Việt Nam cũng tiếp tục tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng tới các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo. Đây là cơ hội để Việt Nam và các nhà đầu tư FDI nâng tầm hợp tác, chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng”, xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp kết nối ngày càng đi vào chiều sâu và vững chắc.
Để duy trì sức hút và vươn lên trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực, Việt Nam không chỉ tăng đầu tư cho hạ tầng cứng, mà còn phải cải thiện hạ tầng mềm từ quy hoạch, thủ tục đầu tư, đến môi trường phát triển ngành công nghiệp sản xuất mang tính bền vững, nhân lực chất lượng cao.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Đầu tư nước ngoài tập trung triển khai nhiều giải pháp như: Rà soát, triển khai thực hiện Nghị định số 182/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư; tiếp tục nhân rộng cơ chế Tổ công tác làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược và triển khai hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao...
Cùng với đó là tập trung hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9; tập trung hoàn thiện báo cáo thẩm định Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng theo đúng thời hạn được giao…
Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB
Tôi tin rằng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Dù có thể có một vài điều chỉnh nhỏ về cơ cấu ngành, nhưng xu hướng chung vẫn rất tích cực. Chính phủ đang đi đúng hướng, chú trọng vào các ngành công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như những lĩnh vực có giá trị sở hữu trí tuệ. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đang từng bước hướng tới tăng trưởng bền vững về lâu dài.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân
Ảnh hưởng đến FDI là có, nhưng tôi không cho rằng đó là yếu tố gây biến động lớn. Một số nhà đầu tư "hụt hơi" có thể rút lui, nhưng các dòng vốn khác – bao gồm cả từ Trung Quốc sẽ thế chỗ. FDI vào Việt Nam chủ yếu để xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực, không chỉ Hoa Kỳ, nên sẽ không rút ồ ạt nếu có biến động. Tôi cho rằng vốn FDI thực hiện năm nay vẫn sẽ đạt khoảng 25 - 26 tỷ USD như năm ngoái. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ sự ổn định, chi phí hợp lý và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam
Để tăng thu hút đầu tư FDI, Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm các rào cản và tăng cường tính minh bạch để tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn. Khi thu hút đầu tư trong kỷ nguyên mới, Việt Nam cần ủng hộ và tạo điều kiện cho các khoản đầu tư bền vững với môi trường và lợi ích kinh tế lâu dài. Bên cạnh đó, cần thực hiện chương trình giáo dục và đào tạo toàn diện để trang bị cho lực lượng lao động các kỹ năng liên quan đến các ngành công nghiệp mới nổi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh.