Đừng để tiêu chuẩn điện 'xanh' RES chỉ là kỳ vọng trên giấy

Khi chính sách ưu đãi giá mua điện tái tạo đã dừng thì một 'luật chơi' mới đang hình thành. Đó là, áp dụng tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo (RES) và chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC). Tuy nhiên, để thị trường REC phát triển lành mạnh thì không thể thiếu hạ tầng pháp lý đồng bộ.

Đây là hai công cụ thị trường được kỳ vọng sẽ thay đổi cách doanh nghiệp đầu tư, tiêu thụ và mua bán điện xanh trong tương lai của Việt Nam.

Theo Chiến lược phát triển ngành điện lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, các nhà sản xuất sử dụng điện lớn như khu công nghiệp, nhà máy xuất khẩu sẽ phải đảm bảo ít nhất 10% điện tiêu thụ đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tăng lên 20% vào năm 2050.

Tại TPHCM, nơi có gần 1.000 khách hàng tiêu dùng điện lớn, sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ hàng năm đạt khoảng 5,5 tỉ kWh, chiếm gần 20% điện thương phẩm của thành phố. Như vậy, nhóm này cần đầu tư hoặc mua ít nhất 550 triệu kWh điện xanh mỗi năm từ năm 2030. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tự đầu tư điện mặt trời, điện gió, ký hợp đồng mua điện xanh hoặc đơn giản hơn là mua chứng chỉ năng lượng tái tạo (gọi tắt là chứng chỉ REC) từ bên thứ ba.

Về bản chất, chứng chỉ REC là công cụ xác nhận rằng một đơn vị điện (1 MWh) được sản xuất từ nguồn tái tạo. Dù Việt Nam chưa có hệ thống REC nội địa nhưng cơ chế quốc tế I-REC (International Renewable Energy Certificate) đã được áp dụng rộng rãi với gần 500 dự án được cấp chứng chỉ, tổng công suất hơn 8.000 MW, chủ yếu là điện mặt trời và thủy điện nhỏ.

Sự phát triển chứng chỉ REC không chỉ đến từ nhà đầu tư phát điện mà còn từ doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn, nhất là các doanh nghiệp hướng đến tiêu chuẩn phát triển bền vững (ESG), các nhà máy này cần chứng chỉ REC để chứng minh mình “sạch”. Tại các khu công nghiệp, mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản - tự tiêu hiện nay đang nổi lên như giải pháp giúp doanh nghiệp vừa giảm chi phí, vừa chủ động tạo nguồn chứng chỉ REC để sử dụng hoặc bán lại.

Tuy nhiên, để thị trường chứng chỉ REC phát triển lành mạnh thì không thể thiếu hạ tầng pháp lý đồng bộ. Một hệ thống chứng chỉ hiệu quả phải có các tiêu chuẩn rõ ràng về phát hành, cơ chế giám sát minh bạch, hệ thống đo đếm điện thực tế và nền tảng giao dịch điện tử. Nếu không, chứng chỉ REC sẽ chỉ là “giấy chứng nhận xanh” mang tính hình thức, dễ dẫn đến tình trạng một MWh được “chứng nhận hai lần”.

Nếu được thiết kế hợp lý thì chứng chỉ REC và tỷ lệ năng lượng tái tạo (RES) -tiêu chuẩn bắt buộc mà doanh nghiệp phải đáp ứng có thể tạo liên kết ba chiều giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư. Khi doanh nghiệp buộc phải dùng điện tái tạo, các dự án điện xanh sẽ có thêm dòng thu từ chứng chỉ REC thay vì trông đợi vào cơ chế trợ giá cố định như trước.

Tỷ lệ điện xanh không nên là con số chỉ tồn tại trên báo cáo. Để tiêu chuẩn RES thực sự trở thành động lực chuyển đổi năng lượng, cần chính sách rõ ràng, cơ sở hạ tầng số đáng tin cậy và giám sát thực chất.

Một khi Nhà nước tháo gỡ các rào cản pháp lý, hình thành hành lang pháp lý cho thị trường mua bán, giao dịch chứng chỉ REC thì đây là cơ hội cho công nghiệp năng lượng tái tạo cất cánh. Lúc này, tiêu chuẩn RES và chứng chỉ REC sẽ là bước đi tất yếu để đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam.

Hồng Văn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dung-de-tieu-chuan-dien-xanh-res-chi-la-ky-vong-tren-giay/
Zalo