Tư duy cũ cản trở đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp tuần hoàn
Các hoạt động ứng dụng khoa công nghệ cũng như các giải pháp máy tính đổi mới sáng tạo trong nền nông nghiệp tuần hoàn còn gặp nhiều rào cản do bị chi phối của các quy định hiện hành. Việt Nam còn đang sử dụng những công cụ quản lý cũ để mong muốn quản lý các mô hình, các giải pháp và cách làm mới...
Thiếu cơ chế khuyến khích kinh tế tuần hoàn
Tại diễn đàn nông nghiệp 2025 với chủ đề "Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều ngày 16/7 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh tác động ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp là bước đi tất yếu của Việt Nam. Cơ hội và sức ép về việc ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp thông minh cũng trở nên cấp thiết.
Tuy nhiên theo ông Phòng, việc chuyển đổi sang mô hình KTTH trong nông nghiệp vẫn gặp phải những rào cản về đất đai, vốn cần được tháo gỡ. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là rào cản cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn. Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào sản phẩm sản xuất hữu cơ. Trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Chỉ ra những tồn tại trong triển khai KTTH, ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP T&T 159 cho biết, hiện còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích và bảo vệ mô hình KTTH. Chưa có các quy định riêng biệt cho lĩnh vực này, trong khi nhiều mô hình sản xuất vẫn bị áp dụng những quy định lỗi thời không còn phù hợp.
Một rào cản nữa là tư duy sản xuất tuyến tính vẫn còn phổ biến. Nhiều nông dân vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt, sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay chất tăng trọng mà chưa quan tâm đến hậu quả lâu dài. Trong khi đó, sản xuất tuần hoàn đòi hỏi tư duy hệ thống, đầu tư dài hạn và thay đổi cách tiếp cận trong quản trị sản xuất.
Về rào cản trong ứng dụng công nghệ, ông Thắng nhấn mạnh, các hoạt động ứng dụng khoa công nghệ cũng như các giải pháp máy tính đổi mới sáng tạo còn gặp nhiều rào cản bởi chi phối của các quy định hiện hành. Việt Nam còn đang sử dụng những công cụ quản lý cũ để mong muốn quản lý các mô hình, các giải pháp và cách làm mới.

Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP T&T 159.
"Đổi mới sáng tạo phải được hiểu là thay cái cũ đã lạc hậu không còn phù hợp để thay bằng các giải pháp phù hợp hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn, tuy nhiên lại không được một số quy định hiện hành thừa nhận. Do đó, vô hình chung đã tạo rào cản cho đổi mới sáng tạo, không khuyến khích được các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mạnh dạn ứng dụng được những cách làm mới, giải pháp mới", ông Thắng nêu.
Chỉ ra rào cản pháp lý, ông Bùi Hải Nam - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết, hiện nay thiếu một khung pháp lý và định nghĩa tổng thể, thống nhất cho nông nghiệp sinh thái. Trên thực tế, khái niệm về "nông nghiệp sinh thái" còn mới, chưa được định nghĩa và đề cập trực tiếp trong các văn bản pháp quy, dẫn đến sự nhầm lẫn với "nông nghiệp hữu cơ", "nông nghiệp an toàn".
Bên cạnh đó, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong thực thi. Các chính sách hiện hành chỉ gián tiếp tác động đến nông nghiệp sinh thái thay vì tạo ra một khung khổ toàn diện. Nhiều chính sách vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu tăng sản lượng, đôi khi mâu thuẫn với mục tiêu bảo vệ môi trường và bền vững.
Cần chiến lược riêng về nông nghiệp tuần hoàn
Để kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trở thành xu thế chủ đạo, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần sớm hình thành một hệ sinh thái chính sách đồng bộ, bao gồm các cơ chế hỗ trợ tài chính và tín dụng xanh; ưu đãi thuế và đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sạch, tuần hoàn. Cùng với phát triển hạ tầng vùng sản xuất tập trung, cần hoàn thiện tiêu chuẩn, quy trình và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như thúc đẩy kết nối thị trường.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đề xuất ban hành Chiến lược riêng về nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh, lồng ghép vào các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực và gắn với mục tiêu Net Zero.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, nếu người nông dân sẵn sàng, doanh nghiệp vào cuộc thì cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương phải là người dẫn dắt, định hướng, xây dựng chính sách, hỗ trợ nguồn lực, tạo động lực để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào ngành nông nghiệp tuần hoàn.
Cần phải có giải pháp dài hơi là đưa doanh nghiệp đến với nông dân, cùng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị để thực hiện hóa được khát vọng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Chủ tịch TW Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc CTCP Công Nông nghiệp Tiến Nông cho biết, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức. Lãnh đạo cần đi đầu, xem tuần hoàn là cơ hội phát triển và tối ưu hóa tài nguyên, không phải là gánh nặng chi phí. Tư duy phải đi đôi với hành động. Theo đó, bước đi cụ thể đầu tiên là kiểm kê và đo lường mức độ phát thải của doanh nghiệp.
"Tiến Nông bắt đầu bằng việc kiểm kê khí nhà kính để biết chính xác mình đang "nợ" môi trường bao nhiêu. Từ con số cụ thể đó, chúng tôi mới xây dựng được kế hoạch hành động, ví dụ như tìm kiếm các giải pháp thay thế nguyên liệu đầu vào để giảm phát thải", ông Phong chia sẻ.
Theo ông Phong, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu Net Zero nhưng có thể cảm thấy quá sức. Kinh nghiệm của Tiến Nông cho thấy một lộ trình thực tế và khả thi hơn.
"Chưa kiểm kê, chưa trung hòa thì chưa thể nói đến Net Zero. Đây là một lộ trình từng bước, giúp doanh nghiệp không bị "ngợp" và có thể hành động ngay", ông Phong khuyến nghị.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động, thậm chí là "lăn xả" để tìm kiếm các nguồn phế phụ phẩm và coi đó là nguyên liệu đầu vào.