Phát triển hydro xanh tại Việt Nam còn nhiều rào cản
Việt Nam có rất nhiều lợi thế phát triển thị trường hydro xanh vì được thiên nhiên ưu đãi như nắng, gió. Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn vướng nhiều rào cản về chi phí, công nghệ, cơ sở hạ tầng…
Phát triển hydro xanh để hướng tới trung hòa carbon
Chiều 16/7, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cùng Câu lạc bộ Hydro ASEAN Việt Nam, Hiệp hội Hydro và pin nhiên liệu Hàn Quốc (KHFCIA) tổ chức hội thảo Hydro Việt Nam - Hàn Quốc năm 2025.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức để phát triển thị trường hydro xanh.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Hydro ASEAN Việt Nam Lê Ngọc Ánh Minh cho biết, hội thảo là bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác năng lượng Việt Nam - Hàn Quốc, kết hợp công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc vào thị trường tiềm năng Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hydro.
Các chuyên gia cho rằng, hydro xanh được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, đây là một giải pháp tiềm năng giúp giảm khí thải carbon trong các ngành công nghiệp. Hydro xanh không chỉ hỗ trợ giảm phát thải, đem lại lợi ích kinh tế mà còn có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Còn theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Hydro ASEAN Việt Nam Nguyễn Ánh Tâm, hydro xanh đang trở thành giải pháp chiến lược để Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đến tháng 5/2024, có ít nhất 74 quốc gia đã xây dựng chiến lược phát triển hydro sạch, cho thấy sự dịch chuyển trong chính sách năng lượng toàn cầu rất mạnh mẽ.

Việt Nam dồi dào về năng lượng điện gió, điện mặt trời nên có tiềm năng rất lớn để sản xuất hydro xanh. Ảnh: Bộ Công Thương.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 về “Phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, nhằm tạo nền tảng pháp lý cho việc phát triển loại năng lượng sạch này.
Theo kế hoạch đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất từ 100.000 - 500.000 tấn hydro sạch mỗi năm. Đến năm 2050, dự kiến sản lượng hydro sạch tăng từ 10-20 triệu tấn/năm. Để thúc đẩy mục tiêu này, ngày 3/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Nghị định này đưa ra nhiều chính sách ưu đãi dành cho các dự án sản xuất hydro xanh và năng lượng tái tạo, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực còn mới mẻ nhưng đầy tiềm năng.
Còn nhiều rào cản
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế về năng lượng tái tạo, như: điện gió, điện mặt trời nên có rất nhiều tiềm năng sản xuất hydro xanh. Nhưng Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương - nghiên cứu viên cao cấp của Viện Dầu khí Việt Nam lại cho rằng, nước ta vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi phát triển thị trường hydro xanh.
Cụ thể, công nghệ sản xuất hydro chưa phát triển; các giải pháp điện phân, lưu trữ, vận chuyển và ứng dụng hydro quy mô lớn vẫn trong giai đoạn nghiên cứu hoặc thử nghiệm tại nhiều nước. Chi phí đầu tư cao do hydro xanh hiện nay có giá thành cao hơn các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Khi sản xuất rất cần công suất điện tái tạo lớn, thiết bị điện phân hiện đại, hệ thống lưu trữ an toàn. Do đó, vốn đầu tư phải rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn lại dài.

Hydro xanh sẽ thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Ảnh: Bộ Công Thương.
Ngoài ra, thiếu cơ sở hạ tầng cũng là một thách thức, vì hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống ống dẫn, trạm nạp hoặc các trung tâm lưu trữ hydro với quy mô lớn và quan trọng nhất vẫn là chính sách thiếu đồng bộ. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương cho rằng, dù Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nghị định quan trọng về quy hoạch điện VIII, về cơ chế mua bán điện trực tiếp, về chiến lược hydrogen. Nhưng các cơ chế cụ thể để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ và đầu tư vào hydro xanh, như: giá hỗ trợ (FiT - chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời bằng cách đưa ra mức giá mua điện ưu đãi từ các nguồn năng lượng tái tạo khi bán vào lưới điện quốc gia), hợp đồng chênh lệch (CFD) hay tín dụng carbon vẫn chưa rõ ràng.
Ngoài chi phí và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Hydro ASEAN Việt Nam Nguyễn Ánh Tâm, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế cũng là rào cản phát triển thị trường hydro xanh. Còn Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương cho rằng, phía doanh nghiệp cũng cần lồng ghép mục tiêu hydro vào các chiến lược đầu tư phát triển, như: tối ưu hóa quy trình giảm phát thải, xây dựng lộ trình thâm nhập thị trường hydro thông qua hợp tác chiến lược với đối tác trong và ngoài nước.