Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
Chiều 16-7, tại phường Quy Nhơn, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai và 2 công ty lâm nghiệp tham gia dự án 'Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tại Việt Nam' (dự án SFM).
Dự án do Chính phủ CHLB Đức tài trợ, triển khai tại 6 công ty lâm nghiệp nhà nước và ban quản lý rừng phòng hộ của 3 tỉnh: Gia Lai (Bình Định cũ), Quảng Trị và Đăk Lăk (Phú Yên cũ) trong 3 năm (2022-2025).

Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Nga
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Danh Đàn-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án SFM-cho biết: Việt Nam đang có định hướng chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao tính đa dạng loài, chu kỳ trồng rừng dài hơn và sản xuất gỗ xẻ. Theo đó, Việt Nam thiết lập các điều kiện về mặt pháp luật và thể chế cần thiết để chuyển dịch sang quản lý rừng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực cho các chủ thể liên quan trong ngành lâm nghiệp để họ chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững thân thiện với môi trường, khí hậu.

Ông Ngô Văn Tỉnh-Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn trình bày lợi ích rừng gỗ lớn từ thực tế triển khai dự án tại công ty trong thời gian qua. Ảnh: Ngọc Nga
Ông Đàn cho rằng, quản lý rừng bền vững với chu kỳ trồng rừng dài sẽ khiến rừng trở thành “bể chứa” các bon tự nhiên, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu tổng lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tỉnh Gia Lai có 2 công ty lâm nghiệp tham gia dự án này là Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Thời gian qua, 2 công ty này đã được dự án hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý rừng trồng chu kỳ dài, các phương án tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, kỹ thuật sản xuất gỗ xẻ… Bên cạnh đó, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện xuyên suốt những hoạt động của dự án. Những năm 2023-2024, dự án hỗ trợ 2 công ty tổ chức các đợt tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng quản lý rừng bền vững, góp phần lan tỏa nhận thức bảo vệ rừng, quản lý rừng trồng bền vững trong các cộng đồng dân cư.