Đừng để người ở biệt thự 'tranh suất' mua nhà ở xã hội với người nghèo

Nhà ở xã hội là 'cứu cánh' của người thu nhập thấp. Tuy nhiên, để có được suất mua, họ có thể sẽ phải cạnh tranh với những người đi ô tô, ở biệt thự, thậm chí là người quen của chủ đầu tư.

Khi việc cạnh tranh suất mua không công bằng

Trong hành trình tìm nơi an cư tại Thủ đô, nhiều người không khỏi ngao ngán khi thấy những căn hộ chung cư cũ bong tường, tróc sơn, nhưng vẫn có giá lên tới 50 triệu đồng/m2. Còn tại các dự án mới, tệp khách hàng mà các chủ đầu tư hướng đến đã không còn là người lao động phổ thông.

Với mức giá chỉ khoảng 18 - 25 triệu đồng/m2, những căn nhà ở xã hội là “cứu cánh” của người lao động thu nhập thấp khi mặt bằng giá nhà đất ngày càng cao. Song, việc sở hữu những căn hộ này không đơn giản.

Do nguồn cung còn hạn chế, trong khi sức cầu quá lớn, việc cạnh tranh suất mua nhà ở xã hội trở nên khó khăn hơn, nhất là tại các dự án trong nội thành. Tại thời điểm nhà ở xã hội NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm) mở bán vào năm 2023, tỷ lệ có cơ hội mua nhà tại đây là 1/9.

Cạnh tranh suất mua nhà ở xã hội đã không dễ, nhưng nếu có tiêu cực xảy ra, thì cơ hội sẽ càng thu hẹp. Khi tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội, phóng viên Báo Đầu tư chứng kiến những người đi ô tô, đã sở hữu nhà, thậm chí cả doanh nghiệp, vẫn lên mạng hỏi cách mua nhà ở xã hội. Có người còn “vô tư” hỏi về lợi suất khi “đầu tư” phân khúc này.

Năm 2016, dư luận có một phen xôn xao khi bố của tổng giám đốc doanh nghiệp B. lọt vào danh sách khách hàng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội tại khu Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Chưa hết, doanh nghiệp B. chính là chủ đầu tư của dự án nhà ở xã hội này và đã chấm điểm hồ sơ cho bố của tổng giám đốc đạt 96/100 điểm. Ngoài ra, còn có 2 người khác cũng thuộc diện “người nhà” của ban lãnh đạo công ty B. được xét duyệt mua nhà ở xã hội.

Hy vọng, kịch bản “người nhà” giám đốc được mua nhà ở xã hội sẽ không lặp lại ở những dự án được mở bán trong thời gian tới, người ở biệt thự sẽ không còn đi “tranh suất” mua nhà ở xã hội với người nghèo.

Liệu có “bàn tay” thao túng?

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc một công ty bất động sản cho biết, chủ đầu tư nhà ở xã hội có thể nắm những cách thức để “găm” một lượng căn nhất định. Theo quy định, trong những nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội, có 5 nhóm được ưu tiên không phải bốc thăm (gồm người có công với cách mạng; thân nhân liệt sĩ; người khuyết tật; người được bố trí tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội; nữ giới). Số lượng căn hộ dành cho các đối tượng ưu tiên được xác định bằng tỷ lệ giữa tổng số hồ sơ của 5 nhóm đối tượng ưu tiên trên tổng số hồ sơ đăng ký nhân với tổng số căn hộ tại dự án.

“Chủ đầu tư có thể lợi dụng quy định này để nắm chắc trong tay một số căn nhất định nhằm bán cho người nhà, người quen”, vị giám đốc trên tiết lộ.

Trong một sự kiện về nhà ở xã hội, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đặt vấn đề: “Liệu có nên áp dụng một mức giá trần đối với các dự án nhà ở xã hội? Mặc dù đã đưa ra định mức lợi nhuận 10%, nhưng trên thực tế, rất khó để xác định khi nào doanh nghiệp vượt qua con số này”.

Sắp tới, tại Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội sẽ được mở bán. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, có 2 dự án thực sự thu hút công chúng và nhiều khả năng sẽ nhận trên 1.000 hồ sơ đăng ký.

Đó là Dự án Rice City Long Châu (quận Long Biên) của liên danh Công ty cổ phần Him Lam Thủ đô - Công ty cổ phần BIC Việt Nam và Dự án N01 Hạ Đình của liên danh Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) - Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội (Haweicco) - Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà DAC Hà Nội.

Cả 2 dự án trên đều là dự án nhà ở xã hội hiếm hoi nằm gần khu vực trung tâm thành phố. Các nhóm môi giới bán suất ngoại giao hoặc mời chào làm hồ sơ cũng tập trung chủ yếu tại 2 dự án này.

Tháng 3/2025, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Công an Thành phố tăng cường chỉ đạo công an cấp xã (nơi có dự án nhà ở xã hội) rà soát, xử lý môi giới lợi dụng nhận kê khai, nộp hồ sơ mua, thuê hoặc thuê mua trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc rà soát chủ đầu tư lại chưa được nêu.

Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần siết chặt khâu xét duyệt hồ sơ và tăng cường công tác hậu kiểm. Sự chặt chẽ, nghiêm túc, minh bạch sẽ là những đòn giáng mạnh vào các cá nhân, tổ chức có ý định đầu cơ, trục lợi chính sách nhà ở xã hội và những người thu nhập thấp sẽ có cơ hội an cư.

Nhật Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/dung-de-nguoi-o-biet-thu-tranh-suat-mua-nha-o-xa-hoi-voi-nguoi-ngheo-d273265.html
Zalo