'Đỏ mắt' tìm căn hộ dưới 2 tỷ đồng tại trung tâm TP.HCM và Hà Nội
Hai tỷ đồng là số tiền không nhỏ đối với người lao động. Nhưng với số tiền đó, thật khó để có thể mua được một căn hộ ở khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM.
Căn hộ dưới 2 tỷ đồng ở trung tâm đã... biến mất
Anh Vũ Tiến Đạt (31 tuổi), quê Thái Bình, đã gắn bó với Hà Nội được 8 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học. Hiện, anh đang làm việc tại một công ty công nghệ với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Dù đã tích lũy được hơn 1 tỷ đồng sau nhiều năm làm việc chăm chỉ và sống tiết kiệm, anh vẫn phải thuê một căn phòng nhỏ tại quận Hà Đông với giá 4 triệu đồng/tháng.

Dù đã tích lũy nhiều năm, anh Đạt vẫn đang thuê một căn phòng nhỏ tại quận Hà Đông do không đủ tiền mua nhà.
"Tôi từ quê lên Hà Nội lập nghiệp với ước mơ sở hữu một căn hộ chung cư trước khi lập gia đình. Dù được bố mẹ hỗ trợ thêm kinh phí, nhưng với mức giá nhà hiện tại, tôi không dám nghĩ đến việc mua nhà ở trung tâm nữa. Với số tiền 2 tỷ, tôi chỉ có thể nhắm đến những căn hộ ở vùng ven xa trung tâm thành phố, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc mỗi ngày tôi phải di chuyển 3-4 tiếng đồng hồ trong điều kiện giao thông xa xôi, tắc nghẽn để đến nơi làm việc", anh Đạt nói.
Gia đình chị Phạm Hương Anh (33 tuổi) tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) cũng nằm trong tình trạng bấp bênh. Với hai con đang học cấp tiểu học, vợ chồng chị đã phải chuyển nhà thuê 3 lần trong 4 năm qua do chủ nhà liên tục tăng giá.
"Mỗi lần chuyển nhà, chúng tôi phải xin chuyển trường cho con, làm lại hồ sơ, đóng thêm phí. Bé lớn nhà tôi đã bắt đầu có dấu hiệu lo lắng, sợ hãi mỗi khi nghe bố mẹ nói chuyện về nhà cửa", chị Hương Anh kể.
Chồng chị Anh làm kế toán cho một doanh nghiệp nhỏ, còn chị làm nhân viên văn phòng. Tổng thu nhập hằng tháng của gia đình khoảng 18 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, tiền học cho con và tiền thuê nhà 6 triệu đồng/tháng cho căn hộ 45m2, họ chỉ có thể tiết kiệm được 2-3-5 triệu đồng tùy mỗi tháng. Vợ chồng chị đã không ít lần tìm hiểu vay mượn từ người thân, ngân hàng để mua một căn hộ nhưng vẫn không thể đủ khả năng tài chính với số tiền quá 2 tỷ đồng.
Khan hiếm nguồn cung nhà ở giá rẻ tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang khiến cho hàng nghìn gia đình trẻ, người lao động thu nhập thấp buộc phải sống trong cảnh đi thuê dài hạn, chịu đựng sự bấp bênh và thiếu ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc và học hành của con cái.
Vì sao căn hộ dưới 2 tỷ đồng vắng bóng?

Khó tìm được căn hộ dưới 2 tỷ đồng ở trung tâm thành phố lớn.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu & tư vấn Savills Hà Nội, trong quý I/2025, các căn hộ tại Hà Nội có giá trên 4 tỷ đồng chiếm 50% tổng số lượng căn bán được. Các căn hộ có giá từ 2-4 tỷ đồng chiếm 50%. Đáng chú ý, thị trường không có căn hộ nào có giá dưới 2 tỷ đồng.
Thậm chí, theo bà Hằng phân khúc căn hộ hạng C, vốn được xem là nhà ở thương mại giá thấp với mức giá trung bình tại thời điểm trước đó chỉ dao động từ 30-40 triệu đồng/m2 thì đến nay đã lên tới khoảng 50 triệu đồng/m2. Những căn hộ tại Hà Nội có giá thấp hơn rất hiếm.
Lý giải về điều này, bà Hằng nhận định, mặt bằng giá ngày càng cao cũng khiến nhu cầu lớn dành cho phân khúc căn hộ tại Thủ đô giá cao hơn. Tuy nhiên, dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nguồn cung căn hộ dưới 2 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn chưa hoàn toàn biến mất, mà chủ yếu là số lượng hiện có trên thị trường sơ cấp ngày càng khan hiếm. Trên thị trường thứ cấp, những căn hộ này vẫn còn nhưng phần lớn nằm ở các khu vực xa trung tâm và có diện tích nhỏ.
Nói về lý docăn hộ giá trên dưới 2 tỷ vắng bóng tại TP.HCM, ông Trịnh Xuân Hà, Tổng Giám đốc Điều hành Vạn Xuân Group lý giải: Đầu tiên phải nói đến quỹ đất ngày càng khan hiếm và hạn hẹp. Đơn giá hình thành quỹ đất triển khai dự án đã thay đổi nhiều, chẳng hạn chi phí hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Tiếp đến, chi phí phát triển dự án của các chủ đầu tư nói chung ngày càng tăng so với trước do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có chi phí đầu tư quỹ đất sạch, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng biến động. Thời gian hoàn thành pháp lý dự án kéo dài, làm chậm triển khai kinh doanh, kéo theo tăng lãi vay ngân hàng trong giai đoạn này.
Hiện nay, cơ cấu giá căn hộ đã thay đổi rất nhiều. Giá trung bình căn hộ tại TP.HCM đã đạt khoảng 90 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, có những sản phẩm hạng sang trên 500 triệu đồng/m2 (Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của CBRE 2024).
Với xu hướng này, thậm chí nhóm sản phẩm nhà ở xã hội cũng đang hướng đến tiêu chuẩn cao hơn về diện tích và mức độ hoàn thiện để phù hợp với xu hướng phát triển chung và nhu cầu của người sử dụng.
Đây là hiện thực không chỉ người dân mà các doanh nghiệp đều phải đối diện. Chính vì vậy, đại diện doanh nghiệp cho rằng, nếu tài chính dưới 2 tỷ đồng, người mua nhà cần cân nhắc dịch chuyển ra vùng ven, hoặc có thể tìm đến các gói hỗ trợ tài chính vay mua nhà. Bên cạnh đó, nếu nguồn cung dưới 2 tỷ đồng không xuất hiện từ thị trường thương mại, thì nhà ở xã hội sẽ là một giải pháp thay thế cho người mua nhà.
Trước kia, có 2 tỷ đồng, người dân có thể mua được một căn nhà nhưng giờ rất khó, phần lớn dự án tại các quận đều tăng lên hơn 70 triệu đồng/m2. Thậm chí, chung cư cũ, nhà tập thể cũng bị đẩy giá lên 1,5-2 lần.
Nhận định về thị trường nhà ở trong năm 2025, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng giá bất động sản nhà ở tăng mạnh khiến nguồn cung nhà ở giá rẻ ngày càng khan hiếm do áp lực từ giá đất và chi phí đầu vào cao.
Theo ông Đính, Nhà nước cần sớm có các biện pháp hỗ trợ nhằm "thông đường đi" cho các dự án nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, rất cần sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp bất động sản và môi giới bất động sản.