Dựng ảnh cho nữ liệt sĩ hy sinh năm 19 tuổi, chàng trai Hà Nội vỡ òa cảm xúc

Nhìn bức ảnh cũ hoen ố với vết xước trên cổ của nữ liệt sĩ hy sinh ở tuổi 19, chàng trai Hà Nội xúc động tột bậc.

Trắng đêm “hồi sinh” di ảnh liệt sĩ

Sáng 5/5, Khuất Văn Hoàng (SN 2003) trở về Hà Nội sau chuyến đi trao ảnh liệt sĩ cho các gia đình ở Côn Đảo. Chuyến đi vất vả nhưng đã để lại cho anh những cảm xúc khó quên.

Giọt nước mắt và nụ cười của người thân liệt sĩ khi có được bức chân dung rõ nét của người đã khuất, khiến Hoàng thấy lòng mình ấm áp.

Khuất Văn Hoàng

Khuất Văn Hoàng

4 năm qua, Hoàng đã có rất nhiều chuyến đi như thế. Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Trị... đều in dấu chân của chàng trai trẻ với công việc đầy ý nghĩa – phục dựng và trao lại di ảnh liệt sĩ cho các gia đình.

Với anh, đó không chỉ là công việc mà còn là sự kết nối quá khứ và hiện tại theo cách rất riêng.

Hành trình tri ân của Hoàng bắt đầu từ năm 2021, khi dịch Covid-19 còn đang căng thẳng. Lúc đó, anh đang học chuyên ngành thiết kế đồ họa.

Giữa lúc cách ly xã hội, mọi người đều phải ở nhà, Hoàng nhận làm ảnh thờ cho những gia đình mất người thân. Trong số đó, có một lời “nhờ vả” đặc biệt.

“Đó là lời nhờ vả của người nhà liệt sĩ. Họ nhắn tin nhờ tôi phục dựng tấm ảnh cũ đã bị hỏng, nước ảnh hoen ố, đường nét mờ mịt. Họ từng nhờ nhiều nơi nhưng không có ai nhận làm và cũng không làm được vì ảnh quá cũ.

Khoảnh khắc xúc động khi Hoàng trao lại di ảnh cho gia đình liệt sĩ

Khoảnh khắc xúc động khi Hoàng trao lại di ảnh cho gia đình liệt sĩ

Tôi lại thấy việc làm này quá ý nghĩa nên trắng đêm phục dựng di ảnh. Công việc này đã trở thành bước khởi đầu cho chặng đường thử thách và đầy ý nghĩa của tôi sau này”, Hoàng kể.

Gửi lại bức ảnh hoàn chỉnh cho gia đình, Hoàng ngay lập tức nhận được cuộc gọi cảm ơn. Qua điện thoại, anh nghe được tiếng khóc của nhiều người. Họ xúc động khi sau bao năm cuối cùng cũng được nhìn người thân một cách chân thực qua ảnh.

Giọt nước mắt ấy khiến Hoàng nhận ra, phục dựng di ảnh cho các liệt sĩ là việc anh phải làm và có thể làm nhanh nhất để sống đúng lời căn dặn của cha ông “uống nước nhớ nguồn”.

Vẽ lại miền ký ức

Hoàng tham gia nhóm Skyline và cùng với nhóm phục dựng hơn 7.000 di ảnh. Riêng anh đã phục dựng được hơn 1.000 bức ảnh liệt sĩ.

4 năm qua, Hoàng đã quen với những bữa cơm vội vàng và những đêm thức trắng. Anh không có ngày nghỉ, ban ngày tự cân đối công việc riêng để sau bữa cơm tối, anh có thể dồn toàn lực phục dựng di ảnh.

“Nhiều khi, tôi rời mắt khỏi chiếc máy tính thì trời đã sáng từ lúc nào. Có những ngày, tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng vì rất nhiều mọi người nhờ phục dựng ảnh. Dĩ nhiên, tôi không muốn nói ‘không’ với bất kỳ người thân nào của liệt sĩ”, Hoàng nói.

Hoàng trao di ảnh cho gia đình liệt sĩ Đặng Thị Kim

Hoàng trao di ảnh cho gia đình liệt sĩ Đặng Thị Kim

Mỗi lần phục dựng xong một tấm hình, Hoàng đều thấy hạnh phúc vì đã hoàn thành tâm nguyện cho người thân liệt sĩ sau bao năm chờ đợi.

4 năm qua, chàng trai Hà Nội đã đi khắp mọi miền Tổ quốc để trực tiếp trao ảnh cho các gia đình. Đến mỗi miền, mỗi nhà, anh đều có kỷ niệm khó quên.

Kỷ niệm gần đây nhất cũng là câu chuyện khiến Hoàng xúc động tột bậc là khi trao di ảnh liệt sĩ Đặng Thị Kim (tên thường gọi là Đặng Thị Oanh, quê Nam Định) bị địch sát hại năm 19 tuổi khi đang mang trong mình giọt máu của chồng.

Sự hy sinh lớn lao của liệt sĩ đã “chạm” đến Hoàng khi được nghe gia đình kể lại. Anh càng cảm thấy xót xa hơn khi biết gia đình không có nổi một tấm ảnh trọn vẹn của liệt sĩ để thờ.

“Em trai của liệt sĩ Kim tâm sự với tôi, bao năm qua mang bức ảnh cũ đi khắp nơi nhờ phục dựng mà không ai dám làm vì sợ không làm được.

Lúc nhận được bức ảnh cũ của liệt sĩ, tôi không thể kìm lòng khi nhìn thấy một vết xước ở cổ liệt sĩ trên di ảnh. Tôi biết, mình phải hoàn thành được việc này”, Hoàng kể.

Nhận được tấm ảnh phục dựng rõ nét, người thân liệt sĩ ôm chầm lấy Hoàng khóc nức nở. Bản thân anh cũng vỡ òa cảm xúc. Tấm ảnh trọn vẹn là điều họ mong chờ suốt mấy chục năm và đến giờ mới có được.

“Cũng có những khoảnh khắc khiến tôi day dứt, nuối tiếc mãi không thôi. Đó là dự án tri ân ở tỉnh Hải Dương, tôi nhận phục dựng ảnh cho một gia đình liệt sĩ. Người mẹ già đã trông ngóng ảnh con suốt bấy nhiêu năm.

Khi đến trao ảnh, tôi thấy không khí trong nhà ảm đạm và tĩnh lặng. Hỏi ra mới biết, bà vừa qua đời 3 ngày trước và chưa kịp nhìn thấy hình ảnh trọn vẹn của con.

Hoàng hiểu rõ công việc ý nghĩa mình đang làm

Hoàng hiểu rõ công việc ý nghĩa mình đang làm

Khoảnh khắc ấy, tôi như chết lặng, tự trách mình sao không làm nhanh hơn để người mẹ ấy được nhìn thấy con trước khi qua đời. Sau ngày hôm đó, tôi luôn ưu tiên làm ảnh cho các Mẹ Việt nam Anh hùng trên mọi miền Tổ quốc, trong bất cứ hoàn cảnh nào”, Hoàng tâm sự.

Hiện tại, ngoài công việc phục dựng ảnh cho các liệt sĩ, Hoàng còn làm thiết kế đồ họa. Bố mẹ anh ban đầu khi thấy con thường xuyên thức đêm thì phiền lòng nhưng khi biết con trai đang làm công việc ý nghĩa lại ủng hộ nhiệt tình.

Có khi vì bận làm ảnh mà suốt thời gian dài Hoàng không ăn cơm chung với bố mẹ, dù sống cùng nhà. Bố mẹ anh chỉ nói một câu: “Cố gắng con nhé!”. Câu nói ấy đã trở thành động lực của Hoàng cho đến bây giờ.

“Những năm qua, tôi không ít lần vỡ òa cảm xúc khi được chứng kiến khoảnh khắc người còn sống được gặp lại người đã khuất qua bức ảnh. Tôi biết, công việc này có ý nghĩa như thế nào”, Hoàng nói.

Ảnh: NVCC

Thanh Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dung-anh-cho-nu-liet-si-hy-sinh-nam-19-tuoi-chang-trai-ha-noi-vo-oa-cam-xuc-2398545.html
Zalo