Đưa tỉnh ủy viên, giám đốc sở về xã làm lãnh đạo để đào tạo, rèn luyện cán bộ
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng việc đưa tỉnh ủy viên, giám đốc sở về làm lãnh đạo xã cũng chính là để đào tạo, rèn luyện cán bộ, phù hợp với chủ trương luân chuyển cán bộ của Trung ương.
Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về việc thành lập tổ chức đảng trong các đơn vị hành chính (ĐVHC) ở địa phương sau sắp xếp, các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo và bố trí, phân công cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức và biên chế của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp xã theo hướng cơ bản bố trí cán bộ, công chức, viên chức, biên chế cấp huyện, cấp xã hiện nay về cấp xã.
Đối với các chức danh lãnh đạo đảng ủy cấp xã, cần xem xét, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc chung là chính, đồng thời theo thứ tự định hướng: Các nhân sự là thường trực; ủy viên ban thường vụ; phó chủ tịch HĐND, UBND; cấp ủy viên cấp huyện hiện nay…
Bên cạnh đó, có thể tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ban, ngành, sở cấp tỉnh (nếu cần) về làm lãnh đạo đảng ủy cấp xã.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, trước khi bỏ cấp huyện (cấp trung gian), cũng có nhiều trường hợp giám đốc sở, tỉnh ủy viên, thành ủy viên về làm bí thư huyện ủy. Bởi vậy, khi đã liên thông cán bộ cấp xã, tỉnh và Trung ương theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tới đây, việc luân chuyển cán bộ, công chức từ tỉnh, huyện về làm lãnh đạo xã là điều hoàn toàn bình thường.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: Ngọc Thắng
Khi toàn bộ thẩm quyền, nhiệm vụ, chức năng của cấp huyện được chuyển cho cấp xã, các lĩnh vực như y tế, giáo dục, dịch vụ công đều do cấp xã trực tiếp quản lý và thực hiện.
Vì vậy, bí thư và chủ tịch UBND cấp xã sẽ được trao nhiều quyền hạn, từ tuyển dụng, sử dụng, đến kỷ luật cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý trực tiếp với người dân. Cùng với đó, cấp tỉnh lại tiếp tục phân quyền nhiều hơn cho xã.
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ cho rằng việc đưa cán bộ cấp tỉnh về cấp xã, đặc biệt tại một số địa bàn trọng điểm phức tạp là điều cần thiết. Các giám đốc sở hay tỉnh ủy viên có thể đảm nhiệm vai trò bí thư cấp xã, dù công việc tại đây đòi hỏi tính toàn diện hơn so với tính chuyên ngành ở cấp sở.
“Đây cũng là dịp để rèn luyện, nâng cao năng lực cán bộ. Khi đứng đầu xã, họ sẽ phải nắm toàn diện các vấn đề như phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự,…”, ông Dĩnh nêu rõ.
Giai đoạn chuyển tiếp để ổn định bộ máy sau sáp nhập
Theo ông Dĩnh, trong bối cảnh sáp nhập ĐVHC, việc sắp xếp và sàng lọc cán bộ từ cấp tỉnh, huyện xuống cấp xã cần đảm bảo sự ổn định, tránh gián đoạn trong lãnh đạo và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
“Việc sắp xếp bộ máy sẽ tạo ra xáo trộn và cũng rất phức tạp. Chưa kể, Chính phủ đặt ra mục tiêu rất gấp là mô hình chính quyền 2 cấp - tỉnh và xã - đi vào hoạt động kể từ ngày 1/7”, ông Dĩnh nói.
Vì vậy, nguyên Thứ trưởng cho rằng, việc dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định về giai đoạn chuyển tiếp là phù hợp với điều kiện thực tế để ổn định bộ máy, đội ngũ trước mắt và sàng lọc dần để đạt số lượng, chất lượng trong 5 năm tới.
Ông nhấn mạnh trách nhiệm của cấp tỉnh hiện nay là bố trí, sắp xếp kết thúc cấp huyện cho đến kiện toàn bộ máy cấp xã để ổn định trật tự. Trong đó, việc phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh quyết định vấn đề nhân sự cũng chính là một bước đi cần thiết trong thời điểm này.
Bộ Nội vụ cho biết, theo tổng hợp sơ bộ từ các địa phương, tổng số ĐVHC cấp xã trên cả nước được hình thành mới sau sắp xếp là khoảng 3.300 đơn vị, đảm bảo theo tinh thần của Trung ương giảm 60-70%.
Các địa phương có thể bố trí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hiện nay về làm bí thư xã, phường mới. Không chỉ giám đốc sở, tỉnh ủy viên hay thành ủy viên, thậm chí các địa bàn quan trọng có thể bố trí ủy viên ban thường vụ cấp tỉnh hiện nay làm người đứng đầu cấp ủy của địa phương.
Nội dung liên quan đến bố trí nhân sự như ai làm bí thư, ai làm chủ tịch, phó chủ tịch, các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức ra sao thì địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm theo các quy định hiện hành.