Đưa thi ca trở về giá trị đích thực vốn có

Các nhà thơ lớn trong lịch sử đều là những người tiên phong của thời đại, sẵn sàng ghé vai gánh vác trách nhiệm xã hội.

Đây là khẳng định của nhà thơ Hà Phạm Phú tại tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam năm 2025, tổ chức sáng 12.2. Nói về trách nhiệm xã hội của nhà thơ, ông cho rằng thơ có thể phàn nàn về các vấn đề chính trị, phê bình những tệ nạn hiện tại và quan tâm đến sinh kế của con người. Thơ có thể trau dồi gu thẩm mỹ của con người và trau dồi tư cách đạo đức của họ. Nó cũng có thể đóng vai trò giao tiếp, kế thừa hoặc tiếp nối văn hóa. Thơ là một mô hình thu nhỏ của xã hội.

"Sứ mệnh xã hội của thơ là quay trở lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau của xã hội, quan tâm đến mọi đối tượng có thể quan tâm. Trách nhiệm của nhà thơ là đi tiên phong và dự báo nó. Muốn vậy thì tác phẩm mà nhà thơ công bố ra công chúng phải hay".

Nhà thơ Hà Phạm Phú quan niệm, thơ hay trong thời đại hiện nay, phụ thuộc vào góc nhìn, cách thức quan tâm, quan thiết đến cuộc sống… đặc biệt với cá tính mạnh, với trí tưởng tượng và tính sáng tạo xuất sắc của nhà thơ.

 Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình tổ chức sáng 12.2. Nguồn: Báo Ninh Bình

Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình tổ chức sáng 12.2. Nguồn: Báo Ninh Bình

Thơ hay có thể khám phá, thấu hiểu và soi sáng cuộc sống một cách sâu sắc, nhưng nó cũng có thể bộc lộ, lên án, phản kháng, trừng phạt và từ bỏ một lối sống, khơi dậy ý chí sống của con người; dẫn con người đến giao diện khác của cuộc sống, trong việc tích lũy kinh nghiệm, đánh thức ký ức cá nhân và mở rộng những cảm xúc nhất thời, truyền tải vô thức tập thể. Tất cả, trên nền tảng nhân văn cho đến khi cuộc sống được tái sinh.

Xét cho cùng, "một bài thơ hay có thể được nhận biết thông qua những cơn “rùng mình” mà nó gây ra cho người đọc. Một bài thơ hay phải có đời sống tinh thần xung động, trải nghiệm thực tế hoặc ký ức lịch sử đằng sau lời nói của nó. Những bài thơ đầy cảm xúc, có thể nhìn thấy ánh sáng và bóng tối của bản chất con người chắc chắn sẽ chạm đến trái tim người đọc và khiến họ khó quên", nhà thơ Hà Phạm Phú nói.

Theo nhà thơ Đặng Huy Giang, thơ hay là thơ có tư tưởng, giản dị mà sâu sắc, giản dị mà khó làm, làm khác thường những điều bình thường hoặc phát hiện ra những điều khác thường trong những điều bình thường. Đó là cái đích muôn đời mà nhân loại đã, đang và sẽ hướng tới. Và những bài thơ hay, được chuyển ngữ thường đáp ứng những đòi hỏi trên.

Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ là không cùng. Ai cũng muốn làm thơ hay, nói theo cách quen thuộc là “ai cũng muốn để lại cho đời những bài thơ hay, những câu thơ hay”, nhưng đâu có dễ! Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cho rằng, “những câu thơ hay là những câu thơ bắt được hoặc trời cho”. "Trước khi có những câu thơ hay, chúng ta hãy có một tinh thần lao động sáng tạo thực sự và có một thái độ nghiêm túc trong cách hành xử với thi ca. Phấn đấu làm sao để thi ca trở về giá trị đích thực vốn có của nó", nhà thơ Đặng Huy Giang khẳng định.

Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyên Như cũng cho thơ là thứ không phải cứ kể một cách thời sự; bản chất của thơ là mơ tưởng, lãng mạn… tài của người làm thơ có nhiều cách để tỏ bày góc độ sống, lý lẽ của riêng mình. Nhiệm vụ của người làm thơ là đi tìm cái đẹp, giác ngộ, cứu rỗi những đớn đau, vấn nạn… "Tôi quan sát có những bài thơ xoay vòng trong những nỗi buồn ấy chỉ khiến người đọc càng đau, càng ủ rũ, càng thấy như có sự đe dọa giữa đời? Biết rằng, đã thể hiện trách nhiệm của một công dân nhưng lại là sự thất bại của một người viết, thật khiên cưỡng, thật gò bó. Tôi nghĩ nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà thơ là hãy làm thơ bằng cả tấm lòng chân xác nhất của mình là đủ!".

 Biểu diễn thơ trong khuôn khổ tọa đàm. Nguồn: TTXVN

Biểu diễn thơ trong khuôn khổ tọa đàm. Nguồn: TTXVN

Nhà thơ Nguyên Như trăn trở, tại sao thơ ca nước nhà chưa thể vươn tầm, thậm chí độc giả nước nhà cũng chưa mấy mặn mà và quan tâm? "Tôi khảo sát qua nhiều bạn đọc ngẫu nhiên, có những người không quan tâm gì về thơ, bởi thơ không giải tỏa, bồi đắp được tinh thần, tâm trạng của họ; có trường hợp cảm thấy thơ bây giờ trừu tượng và rời xa với đời sống con người quá; cũng có trường hợp quan tâm và cảm nhận được thơ nhưng vì mưu sinh mà không còn thời gian để đọc…".

Theo nhà thơ Nguyên Như, nguyên do là đa phần sản phẩm thơ chưa hấp dẫn, chưa thời đại, chưa sát đời sống, chưa đủ cao cấp… để thuyết phục người đọc. Thơ Việt cũng không ít tác phẩm hay và tốt, nhưng nhà thơ lại chưa có một chiến dịch truyền thông, mở rộng đủ mạnh để lan tỏa. Có lẽ điều cần thiết nhất để thơ Việt được nâng tầm và vươn xa là các nhà thơ phải đối xử với thơ bằng cả tâm hồn mình; mỗi cá nhân, tổ chức văn chương cần xây dựng chiến dịch, đội ngũ dịch thuật và truyền thông chất lượng nhằm tinh lọc, chọn lựa tác phẩm và một cách nào đó đưa tác phẩm tới nhiều độc giả nước ngoài hơn.

"Khát vọng của tôi không phải là để lại danh tiếng, mà là để lại những câu thơ khiến người ta phải dừng lại một nhịp giữa đời vội vã, để cảm nhận, để nghĩ suy, để thấy chính mình trong đó. Nghĩa là, tôi muốn thơ không chỉ là con chữ, mà là nhịp đập của cảm xúc và của những phút phản tư. Và hơn hết, tôi muốn dùng thơ để kết nối con người với nhau, để những tâm hồn lạc lõng tìm thấy sự đồng điệu, để tin và hy vọng vào cuộc sống này", nhà thơ Nguyên Như cho hay.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dua-thi-ca-tro-ve-gia-tri-dich-thuc-von-co-post404293.html
Zalo