Một trăm mùa Xuân của báo chí cách mạng

Ất Tỵ 2025 đã về, mang theo hơi ấm của tiết Xuân và sự rạo rực của lòng người. Trong chiều dài của lịch sử dân tộc, năm Ất bao hàm sự đổi mới. Ất Tỵ dự báo một kỷ nguyên mới của đất nước - kỷ nguyên vươn vai Phù Đổng. 100 năm trước, năm Ất Sửu 1925, sôi động những phong trào tìm đường đi cho dân tộc Việt vong quốc nô… Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo Thanh Niên - Tờ báo của cách mạng để vận động cách mạng. Năm 2025, đất nước ta, báo giới Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày ra đời nền Báo chí cách mạng (21/6/1925-21/6/2025).

Nhà trưng bày Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên) rộng 80m2, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu về nhà dạy học làm báo.

Nhà trưng bày Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên) rộng 80m2, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu về nhà dạy học làm báo.

Nói đến báo chí cách mạng, trước hết phải nói về nhà báo kiến tạo vĩ đại Hồ Chí Minh. Trong hành trình gian khổ tìm đường cứu nước, cả khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ rất chú trọng tuyên truyền, vận động qua báo chí. Kể từ khi Bác viết bài báo đầu “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên Báo Nhân đạo ngày 18/6/1919 và bài báo cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 25/8/1969, cả cuộc đời Bác viết hơn 2.000 bài báo các loại, sử dụng 150 bút danh.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh còn là người sáng lập ra 9 tờ báo: Người Cùng Khổ (Le Paria) năm 1922; Quốc Tế Nông Dân (1924); Thanh Niên (1925); Công Nông (1925); Lính Cách Mệnh (1925); Thân Ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam Độc Lập (1941); Cứu Quốc (1942). Bác còn tham gia đặt tên và định hướng tôn chỉ cho nhiều tờ báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân…

Chuyện kể rằng, đầu năm 1950, tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên, các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị xin gặp Bác trình bày: Đến lúc ấy, lực lượng vũ trang có 3 tờ báo: Vệ Quốc Quân (trước đó là Báo Vệ Quốc Đoàn), Quân Du Kích và Tiếng Súng Reo, trong khi chưa có một tờ báo chung cho Quân đội. Bác đồng ý chủ trương sáp nhập, sau khi nghe báo cáo về dự kiến tên tờ báo, Bác hỏi lại: Quân đội chúng ta từ đâu ra? Trả lời từ nhân dân. Bác góp ý luôn: Vậy thì đặt tên là Báo Quân đội nhân dân. Và, ngày 20/10/1950, tại xóm Khau Diều, xã Thanh Định (Định Hóa), Báo Quân đội nhân dân ra số đầu.

Là người sáng lập và di sản báo chí của Bác rất đồ sộ. Chỉ tính từ khi có báo chí cách mạng (21/6/1925), tờ Thanh Niên phát hành hơn 200 số, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chỉ đạo và viết nhiều bài cho 88 số đầu (từ tháng 6-1925 đến tháng 4-1927). Trong số hơn 2.000 tác phẩm báo chí Bác đã viết, nhiều tác phẩm trở nên kinh điển, bao quát những vấn đề hệ trọng, phân tích một cách sắc sảo, xác đáng và đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi để khắc phục hoặc phát huy.

Báo chí đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh là công cụ truyền bá, là vũ khí đấu tranh, giác ngộ quần chúng, là khẩu hiệu kêu gọi hoạt động. Bác sớm nhận ra và phát triển tư tưởng coi báo chí là động lực to lớn trong sự phát triển của mỗi đất nước, một thứ vũ khí sắc bén trong việc bảo vệ chân lý, bảo vệ quyền thiêng liêng của con người. Chân lý tối thượng của Bác là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Xuất bản tờ Thanh Niên, trang sử mới của báo chí cách mạng bắt đầu: Ngày 21/6/1925, tại số nhà 13A, đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đây chính là tờ báo cách mạng và là nền móng đầu tiên của báo chí cách mạng nước ta.

Ngay sau khi ra đời, Báo Thanh Niên trên thực tế đã là tờ báo truyên truyền đường lối cách mạng, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam 5 năm sau đó. Cho nên, thật dễ hiểu bởi chính Nguyễn Ái Quốc là người lập trình nội dung, hầu hết trực tiếp thực hiện các nội dung, tư tưởng của Báo Thanh Niên.

Ngày 25/5/1947, nghĩa là chỉ 5 ngày sau cuộc rút lui trường kỳ kháng chiến an toàn, tại lán Khau Tý giữa ATK tuyệt mật Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có những cán bộ báo chí, Bác nhấn mạnh: “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.

Công trình trùng tu, tôn tạo Nhà bia Di tích lịch sử Quốc gia Báo Nhân Dân ra số đầu tiên (11/3/1951) tại xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ, Định Hóa, được khánh thành ngày 10/7/2024.

Công trình trùng tu, tôn tạo Nhà bia Di tích lịch sử Quốc gia Báo Nhân Dân ra số đầu tiên (11/3/1951) tại xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ, Định Hóa, được khánh thành ngày 10/7/2024.

Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), ngay nghị quyết đầu tiên cũng đã có quy định: “Ban Trung ương có thể xuất bản một tạp chí lý luận và 3 tờ báo tuyên truyền”. Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II, ngày 16/4/1959, một lần nữa Bác Hồ khẳng định: “Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí, họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí”.

Dưới ánh sáng tư tưởng của Đảng, của Bác, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển và hoàn thiện không ngừng, có những đóng góp to lớn và quan trọng cho từng giai đoạn của cách mạng.

Thực tế chứng minh, 100 năm kể từ khi ra đời, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cam go, hào hùng, chúng ta đã huy động nhiều mặt trận: Đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị, tư tưởng, văn hóa, ngoại giao, kinh tế… Báo chí là một mặt trận cụ thể. Chẳng những xung kích trên mặt trận tư tưởng, thông tin mà không ít cán bộ báo chí còn trực tiếp cầm súng ngoài mặt trận. Gần 600 nhà báo liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho độc lập dân tộc.

Binh chủng báo chí lớn mạnh không chỉ số lượng mà còn ở khả năng chi phối thông tin, khả năng phát hiện, khả năng phản biện. Từ tờ Thanh Niên, đất nước đã phát triển lên gần 1.000 cơ quan báo chí, 45 nghìn lao động báo chí từng ngày đóng góp cho sự cường thịnh và ổn định của đất nước.

Trong hoạt động nghề nghiệp, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nhà báo tên tuổi lớn; Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển báo chí thông qua ban hành Luật Báo chí (Luật Báo chí 1989, sửa đổi năm 1999 và năm 2016).

Báo chí cách mạng trước vận hội mới, có thể nói, ra đời, phát triển, cống hiến cho sự nghiệp cao cả của Đảng, của dân tộc, 100 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã từng bước phát triển, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang của mình.

Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình đi tới hiện đại, giầu sang. Tiếp tục phụng sự cho thời kỳ mới của đất nước, báo chí Việt Nam sẽ phát huy thật tốt thành quả có được từ một thế kỷ đã qua cho công cuộc đổi mới hôm nay. Trong đó tài sản quý giá nhất là những quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng.

Phan Hữu Minh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202502/mot-tram-mua-xuan-cua-bao-chi-cach-mang-eec0ab0/
Zalo