Hành trình 45 năm thơ Nguyên tiêu Phú Yên

Phú Yên chưa hẳn là đất thơ, nhưng chắc chắn một điều, đây là vùng đất của người yêu thơ. Một minh chứng rất sống động là hội thơ Nguyên Tiêu trên đất Phú Yên đã có tuổi đời 45 năm, không ngừng phát triển và được tôn vinh tổ chức trên đỉnh 'linh sơn' giữa lòng Tuy Hòa.

Những viên gạch đầu tiên

Cách đây 45 năm, mừng xuân Canh Thân 1980 - mùa xuân thứ 5 thống nhất đất nước - những người làm thơ và yêu thơ quê hương núi Nhạn - sông Đà nâng cốc rượu xuân tại thư viện Hải Phú xướng họa, vịnh thơ mừng năm mới.

Bảy vị thi nhân có mặt trong đêm thơ mùa xuân Canh Thân 45 năm trước, gồm: Ái Dân, Trần Sĩ Huệ (đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin TX Tuy Hòa), Đặng Như Mai (Giám đốc thư viện Hải Phú), Dương Thái Nhơn (cán bộ thư viện), Đoàn Anh (Phạm Tu), Nguyễn Hữu Bình (giảng viên văn học Trường Trung cấp Sư phạm Phú Khánh), Triệu Lam Châu (giảng viên Trường Trung cấp Địa chất Tuy Hòa - nay là Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung), đã đi vào lịch sử văn hóa vùng đất này với tư cách là những sáng lập viên, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng truyền thống đêm thơ Nguyên tiêu trên vùng đất Phú Yên.

Những mùa xuân nối tiếp thập niên 1980, các vị lão thành cách mạng và cựu chiến binh như Cửu Long, Nguyễn Ngọc Cảnh, Ngô Sao Kim, Trần Khắc Huỳnh, Nguyễn Công Hoan, Quang Ngự… đã tham gia sáng lập Câu lạc bộ Thơ Diên Hồng và tổ chức thường xuyên các “Hội thơ đêm rằm”, đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần trong một thời kỳ khó khăn.

Các văn nghệ sĩ tên tuổi ở Tuy Hòa đều hội tụ về đêm thơ Nguyên Tiêu, như Đào Minh Hiệp, Nguyễn Tường Văn, Lê Khánh Nam, Huỳnh Quang Nam, Huỳnh Duy Hiếu, Nguyễn Tường Văn, Lê Anh, Đoàn Việt Hùng và cả những anh em văn nghệ sĩ tỉnh Phú Khánh (cũ) Nguyễn Văn Hùng, Giang Nam, Đào Xuân Quý, Liên Nam, Võ Văn Âu, Nguyễn Gia Nùng, Cao Duy Thảo, Trần Vạn Giã, Đỗ Kim Cuông, Trần Việt Kỉnh, Triệu Phong, Nguyễn Thế Khoa… cùng góp sức, thổi hồn vào những đêm thơ Nguyên Tiêu ngày càng chất lượng và sâu lắng.

Sau ngày tái lập tỉnh (1-7-1989), với hào khí xây dựng vóc dáng tỉnh Phú Yên mới, đêm thơ Nguyên Tiêu đã vươn lên tầm cao mới, trở thành "bữa tiệc văn hóa" độc đáo với những đêm thơ sang trọng ở vườn hoa Diên Hồng và sau đó "thượng sơn" lên núi Nhạn, thu hút những người yêu thơ trong và ngoài tỉnh đến với đêm thơ Nguyên Tiêu như đi trẩy hội.

Lung linh đêm thơ Nguyên tiêu tại núi Nhạn. Ảnh: Trần Quới

Lung linh đêm thơ Nguyên tiêu tại núi Nhạn. Ảnh: Trần Quới

Lung linh Nguyên tiêu Núi Nhạn

Bắt nguồn từ mùa xuân Kỷ Mão (1999), Đài Truyền hình Việt Nam giao cho Đài Truyền hình Phú Yên thực hiện điểm cầu đón giao thừa tại núi Nhạn. Những di sản văn hóa đặc trưng của Phú Yên như đàn đá, kèn đá, hò bả trạo, trống đôi – cồng ba – chiêng năm, tạo dấu ấn hấp dẫn.

Nhiều nghệ sĩ góp phần thổi hồn nâng cánh đêm thơ Nguyên tiêu, như nghệ sĩ thổi sáo Nguyễn Dạc, nhạc sĩ Duy Tài, nghệ sĩ đàn tranh Hoàng Hường, dẫn chương trình Lê Phú Hải, Phương Trà; các nghệ sĩ ngâm, diễn Phan Kim Việt, Vân Phi, Bích Trâm, Vũ The, Ngọc Hà, Túy Ba, Phi Yên…

Đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn đã lan tỏa sức sống về các địa phương trong tỉnh, hình thành các điểm thơ của các huyện thị trong toàn tỉnh vào ngày mùng Sáu, mùng Bảy tết hằng năm. Hơn thế, đêm thơ Nguyên tiêu nhanh chóng phát triển xuống các phường, xã, cơ quan, trường học, như câu lạc bộ Thơ Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Tân, An Ninh, Bình Kiến, phường 5, phường 7, thị trấn Sông Cầu (nay là thị xã Sông Cầu)....

Không chỉ tổ chức đọc thơ, ngâm thơ, bình thơ, các địa phương còn xuất bản nhiều ấn phẩm để tôn vinh thơ, lưu giữ và lan tỏa thơ trong cộng đồng, tạo một nét đẹp văn hóa lung linh, trong hào khí thẳng tiến vào thế kỷ 21. Phong trào yêu thơ làm sáng thêm động lực và mục tiêu của văn hóa hướng đến nguyện ước “đất Phú trời Yên”.

Nhà thơ Nguyễn Gia Nùng đúc kết trong bài thơ nổi tiếng “Luận án thơ từ núi Nhạn” đầy xúc cảm:

“…Cả người làm thơ, người yêu thơ đều phải vượt tầm cao
Từ bốn phương trời tụ về bên tháp cổ
Vầng trăng xuân chưa bao giờ tròn thế
Sông Đà Rằng dào dạt giọng thơ ngâm”

Đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên là “hiện tượng” độc đáo giữa thời cơ chế thị trường mà chẳng cần phải giải mã cao siêu, bởi thơ có sức sống trường tồn riêng. Thơ Nguyên tiêu Phú Yên đã thắp ngọn lửa đầu tiên, tạo cảm hứng mãnh liệt để đất nước hình thành Ngày Thơ Việt Nam đầu thế kỷ 21.

Mùa xuân năm 2010, kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội và tiến tới kỷ niệm 400 năm Phú Yên có tên trên bản đồ Tổ quốc, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Yên tuyển chọn xuất bản “30 năm thơ Nguyên tiêu Phú Yên”, giới thiệu những bài thơ tự chọn đặc sắc nhất của các tác giả tham gia đêm thơ trong ba thập kỷ.

Và từ ấy đến nay, hàng năm đều có các tuyển tập thơ Nguyên tiêu để quảng bá và lưu giữ cho hậu thế.

Cội nguồn âm hưởng đêm thơ Nguyên tiêu Phú Yên

Có một chuyện vui, bạn bè Phú Yên lứa “tri thiên mệnh” có chút máu me văn chương gặp nhau thường hỏi vui: “Ông sắp làm thơ chưa?” hoặc “Dạo này làm thơ đều nhỉ?”. Câu hỏi vui ấy ẩn tàng hàm ý đã đến tuổi sắp nghỉ hưu, chí tang bồng hồ thỉ, lập thân lập nghiệp đã lặng như sóng hồ thu.

Và chỉ đến tuổi ấy, mới thấm: “Vèo trông lá rụng đầy sân/ Công danh phù thế chỉ ngần ấy thôi” (Tản Đà). Cái tuổi mệnh trời đã thông, cái tâm đủ lắng, con người mới thư thái giũ bỏ những suy tư nhọc nhằn để đến với thơ như một sự giãi bày.

Điều đó là dễ hiểu, bởi thơ là một “thánh đường” riêng, là nghệ thuật ngôn từ, là cõi thánh thiện của tiếng lòng, hoàn toàn xa lạ với lợi danh “lục dục thường tình”. Bởi thế, ngay cả những bậc trí giả đạt tầm “thi dĩ ngôn chí” (làm thơ nói lên cái chí) cũng cho rằng: “Lập thân tối hạ thị văn chương” (lập thân thấp kém nhất là bằng văn chương).

Tại Phú Yên, người yêu thơ khá đông và có những “tín đồ” yêu thơ thành kính, đến với thơ bằng cả sự rung động, háo hức, đam mê nên các hoạt động thơ như đêm thơ Nguyên tiêu mới tỏa sáng và lan tỏa diệu kỳ trong cuộc sống.

Nói vậy, chứ không phải vậy. Người lập thân bằng thơ và xứng danh với thơ cũng vẻ vang lắm. Họ là một thiểu số vô cùng nhỏ nhoi, giữa hàng triệu bạn đọc yêu thơ và thỉnh thoảng hứng chí làm thơ. Không có sự tiếp nhận và cộng hưởng trong trẻo của hàng triệu người yêu thơ thì thơ ca đích thực không thể tồn tại lâu bền.

Dấu ấn thơ Nguyên tiêu Phú Yên có căn nguyên lịch sử.

Lần lại cội nguồn lịch sử, mấy ngàn lưu dân đầu tiên từ vùng Thanh Nghệ theo Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh mở đất Phú Yên là những người nghèo không sản nghiệp. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, họ mang tố chất nghệ sĩ khi dũng cảm và lãng mạn dấn thân vào vùng biên viễn để xây dựng quê hương mới. Mối u hoài cố thổ giữa vùng hoang nhàn u tịch đã được gửi gắm trong kho tàng văn học dân gian mang đặc trưng Phú Yên.

Chính lòng yêu nước, yêu quê hương và yêu thi ca của những con người hào sảng và lãng mạn trên vùng đất trấn biên Phú Yên đã hình thành phong trào yêu thơ, như mạch nguồn tuôn chảy. Đó là “Sầm Sơn thi xã” - Hội thơ Núi Sầm của võ sư tài hoa Lương Văn Cương (Can) thầy dạy võ của danh tướng Tây Sơn Võ Văn Dũng và đô đốc Tây Sơn Đặng Đức Vĩ thế kỷ 18.

Đó là “Tụ hiền trang” ở Xuân Quang (Đồng Xuân), nơi văn ôn, võ luyện của các hậu duệ Tây Sơn ẩn cư tránh sự trả thù tàn bạo của triều Nguyễn. Và từ đây xuất hiện nhiều lãnh tụ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19, như Nguyễn Hào Sự, Võ Trứ, Võ Thiệp, Nguyễn Thị Vân Đương, Bạch Ngọc Đường… mà tác phẩm thơ ca của họ tạo dấu ấn sâu đậm trong chuyên khảo văn học thời Cần Vương do Viện Văn học xuất bản năm 1978.

Đó là “Tam thai thư viện” của các nhân sĩ trí thức ở vùng Núi Hương (Hòa Phong, Hòa Mỹ) nơi thường xuyên tụ hội văn nhân Miền Trung ngâm vịnh đầu thế kỷ 20. Đó là nhóm thơ Núi Nhạn của thầy Trần Sĩ và các nhà thơ: Huỳnh Khanh, Huỳnh Khinh, quy tụ nhiều thi nhân mặc khách trong cả nước và quốc tế đến giao lưu, trong đó có thi sĩ Tản Đà để lại câu thơ bất hủ: “Đa tình con mắt Phú Yên…”, “Lấy chi vui với thu tàn/ Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu”. Nhóm thơ Núi Nhạn có nhà thơ tiền chiến Đỗ Huy Nhiệm, lưu danh trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân, xuất bản năm 1942.

Phú Yên chưa hẳn là đất thơ, nhưng chắc chắn một điều, đây là vùng đất của người yêu thơ. Một minh chứng rất sống động là hội thơ Nguyên Tiêu hàng năm, đã có tuổi đời 45 năm, không ngừng phát triển và được tôn vinh tổ chức trên đỉnh linh sơn giữa lòng Tuy Hòa.

Hội thơ này đã thu hút không chỉ thi nhân, mặc khách trong cả nước mà còn có nhiều tầng lớp nhân dân địa phương, làm nên hồn cốt sống động cho hoạt động văn hóa đỉnh cao của xúc cảm và ngôn từ được trường tồn. Và thành phố Tuy Hòa đã đặt tên đường phố dưới chân núi Nhạn là đường Tản Đà để ghi nhớ thịnh tình của nhà thơ lớn với vùng đất này.

Đôi uyên ương thi nhân tiền chiến Đông Hồ - Mộng Tuyết đã từng đến giao lưu với nhóm thơ Núi Nhạn và vị nữ sĩ “Thất tiểu muội” kể tường tận giao lưu thơ thú vị ở núi Nhạn - Sông Đà trong bài viết mừng thầy Trần Sĩ đại thọ 90 (vào năm 2000), trong đó có bài thơ tứ tuyệt sâu sắc tình thi nhân:

"Nửa thế kỷ rồi qua Phú Yên
Sông Đà - núi Nhạn nước non tiên
Bài thơ tương thức tình tri ngộ
Trọng nghĩa tâm giao nhớ bạn hiền".

Trong hai cuộc chiến tranh, Phú Yên là nơi hội tụ nhiều nhà thơ tài hoa, như: Hữu Loan, Văn Công, Trần Dần, Ngô Tịnh Hà, Việt Phương, Trần Mai Ninh… và nhiều thi nhân tiền bối khác.

Trong những năm tháng khó khăn nhất của cách mạng Miền Nam, sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Phú Yên là một trong những vùng đất hiếm hoi có nhiều bài thơ vượt tuyến ra đất Bắc, trong đó có 17 bài của nhà thơ Văn Công được tặng giải nhất báo Thống Nhất, in chung trong tập “Tiếng hát Miền Nam”, cùng hai tác giả Giang Nam, Thanh Hải, được Trung ương Mặt trận giải phóng Miền Nam Việt Nam tặng Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (năm 1965).

Thay lời kết

70 mùa xuân trước, trong bài thơ “Tuy Hòa mến yêu” được sáng tác trong hoàn cảnh bi thương núi sông chia cắt, nhà thơ Văn công cảm thán:

"Ta lặn lội giữa trời bùng khói lửa
Tháp Chàm ơi mây quyện gió hoang vu.
… Chóp Chài mây phủ màu tang
Nhìn Nhạn Tháp sương mù hay nước mắt…"

Giữa bời bời khói lửa chiến tranh ly loạn, nhà thơ Văn công mơ ước:

"Tuy Hòa ơi! Ngày mai sẽ đến
Bụi mù tan chim bướm nhởn nhơ bay
Đỉnh Nhạn tháp ánh trăng lồng ánh điện
Cửa sông Đà buồm giong cánh về đây!"

45 năm đêm thơ Nguyên tiêu đã thắp sáng ước mơ của bậc lão thành nặng lòng với với quê hương Phú Yên và có nhiều bài thơ sống mãi cùng năm tháng.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên, nhận định đêm thơ Nguyên tiêu 45 năm mừng xuân Ất Tỵ năm 2025 sẽ càng có sự phát triển vượt bậc về chất, càng tôn vinh giá trị “hội thơ truyền thống”, đạt tầm “gia bảo” trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Thơ và những tấm lòng yêu thơ Phú Yên đã nâng vầng trăng Nguyên tiêu lung linh hơn, nối tiếp những mùa trăng đất nước trong kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc.

Phan Thanh Bình Trần Quới

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/hanh-trinh-45-nam-tho-nguyen-tieu-phu-yen/
Zalo