Đưa sản xuất về Mỹ có thể khiến doanh nghiệp tốn chi phí gấp đôi

Các chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm khuyến khích doanh nghiệp đưa sản xuất trở lại Mỹ. Nhưng không nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án này.

 Ông Trump đặt mục tiêu đưa nền sản xuất toàn cầu trở về Mỹ thông qua chính sách thuế quan. Ảnh: Reuters.

Ông Trump đặt mục tiêu đưa nền sản xuất toàn cầu trở về Mỹ thông qua chính sách thuế quan. Ảnh: Reuters.

Theo khảo sát mới nhất của CNBC, các doanh nghiệp toàn cầu đang thiên về hướng chuyển sản xuất sang các quốc gia có chi phí thuế thấp hơn, thay vì chuyển sản xuất về Mỹ như mục đích ban đầu của ông Trump khi đưa ra chính sách thuế quan.

Nguyên nhân là việc đưa sản xuất trở lại Mỹ có thể làm gia tăng gấp đôi chi phí. Hơn một nửa số công ty được khảo sát (57%) cho biết chi phí là rào cản lớn nhất; 21% khác lo ngại về việc thiếu lao động lành nghề.

Chính quyền ông Trump hứa hẹn giảm thuế cho các công ty mang sản xuất về Mỹ, nhưng khảo sát chỉ ra thuế chỉ là yếu tố thứ yếu (14%) trong quyết định địa điểm sản xuất của doanh nghiệp.

Ngay cả khi một số công ty công nghệ lớn như Nvidia và Apple đã công bố kế hoạch đầu tư vào Mỹ, phần lớn doanh nghiệp vẫn cho rằng chi phí ở Mỹ là quá cao.

Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát của CNBC ước tính rằng chi phí xây dựng một chuỗi cung ứng nội địa hoàn toàn mới sẽ tốn kém gấp đôi (18%), thậm chí nhiều hơn thế (47%). Thay vì đưa dây chuyền sản xuất trở lại Mỹ, 61% doanh nghiệp được hỏi cho biết việc chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác sẽ hiệu quả hơn về mặt chi phí.

Ngoài thuế quan, nhu cầu tiêu dùng và giá nguyên liệu thô cũng là mối lo ngại lớn đối với các doanh nghiệp.

61% doanh nghiệp tham gia khảo sát thậm chí tin rằng chính quyền ông Trump đang không tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ.

Cuộc khảo sát của CNBC được thực hiện từ ngày 14 đến ngày 18/4, đã thu thập ý kiến từ 380 đại diện của các công ty trong chuỗi cung ứng và tổ chức kinh doanh.

Trong số những người tham gia khảo sát có quan tâm đến việc tái thiết chuỗi cung ứng tại Mỹ, 41% dự đoán quá trình này sẽ mất từ 3 đến 5 năm. 33% tin rằng đây là một quá trình phức tạp và tốn nhiều thời gian, thậm chí kéo dài hơn 5 năm, đòi hỏi sự đầu tư và kế hoạch dài hạn.

Mô hình kinh tế mới khi sản xuất trở lại Mỹ

Kết quả khảo sát cho thấy nếu sản xuất được đưa trở lại Mỹ, tự động hóa sẽ đóng vai trò then chốt trong mô hình kinh tế mới. Cụ thể, 81% người tham gia khảo sát dự kiến tăng cường sử dụng tự động hóa thay vì lao động thủ công.

Ông Mark Baxa, Giám đốc điều hành của CSCMP, tập đoàn thương mại chuyên về chuỗi cung ứng, nhận định: "Thị trường lao động Mỹ sẽ là một yếu tố đáng lo ngại khi xem xét việc tái cấu trúc sản xuất tại đây”.

Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, vấn đề cắt giảm nhân sự đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Khảo sát ghi nhận 47% công ty có kế hoạch cắt giảm nhân sự, trong khi 53% chưa có kế hoạch này.

Về thời gian đưa ra quyết định nhân sự, phần lớn công ty (38%) cho biết sẽ hành động trong vòng 2 đến 3 tháng, và 23% trong vòng 3 đến 6 tháng tiếp theo. Một khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố hồi đầu tuần cũng cho thấy tình trạng đáng lo ngại về “bão sa thải” đáng đến gần.

Hiện tại, phản ứng phổ biến nhất của doanh nghiệp đối với chính sách thuế quan mới của chính quyền ông Trump là hủy đơn đặt hàng (89%).

Ngoài ra, 75% doanh nhân tham gia khảo sát dự báo người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu. Đối với những sản phẩm chịu thuế quan mới, 61% doanh nghiệp dự kiến tăng giá.

Ông Baxa nhận xét: "Tác động tức thời từ thuế quan là việc hủy đơn đặt hàng và nguy cơ người tiêu dùng giảm chi tiêu."

Khảo sát cũng cho thấy các sản phẩm dự kiến bị ảnh hưởng nặng nề nhất do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu là hàng hóa không thiết yếu (44%), đồ nội thất (19%) và xa xỉ phẩm (19%).

Ông Paul Brashier, Phó chủ tịch Chuỗi cung ứng Toàn cầu của ITS Logistics, nhận xét: "Đến nay, chúng tôi ghi nhận tỷ lệ hủy hoặc tạm dừng đơn đặt hàng cao đối với hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy khối lượng hàng hóa tăng lên và được vận chuyển sớm từ những quốc gia châu Á khác - nơi tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày”.

Chuỗi cung ứng đối diện nguy cơ gì?

Kết quả khảo sát cho thấy 63% doanh nghiệp lo ngại chính sách thuế quan của chính quyền ông Trump sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế tại Mỹ trong năm nay. Khoảng 51% dự đoán người tiêu dùng sẽ bắt đầu cắt giảm chi tiêu từ quý II.

Ông Steve Lamar, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quần áo và Giày dép Mỹ, đã cảnh báo thiệt hại đối với các doanh nghiệp trên toàn nền kinh tế có thể sớm trở nên "khó cứu vãn”.

Tuy nhiên, ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của chính quyền ông Trump, khẳng định rằng hơn 10 quốc gia đã đưa ra các đề xuất thỏa thuận thương mại "tuyệt vời" cho Mỹ và ông "đảm bảo 100%" rằng không có cuộc suy thoái diễn ra.

Trái ngược với quan điểm này, nhiều cuộc khảo sát ý cho thấy các giám đốc điều hành đang lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế đã bắt đầu hoặc sắp xảy ra.

Ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock, cho biết đã nói chuyện với rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Và họ đều tin rằng Mỹ đang ở rất gần hoặc đã rơi vào suy thoái.

Các doanh nghiệp nhỏ và công ty khởi nghiệp cũng lên tiếng cảnh báo rằng thuế quan sẽ gây rủi ro cho thị trường lao động Mỹ.

Ông Bruce Kaminstein, nhà sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành Casabella, chia sẻ: "Các công ty tiêu dùng nhỏ có ý tưởng kinh doanh, nhưng không đủ vốn để đầu tư vào xây dựng nhà máy. Họ buộc phải tìm đến những nhà sản xuất ở nước ngoài. Các nhà máy đặt tại Trung Quốc sẵn sàng hợp tác và giúp chúng tôi đưa sản phẩm ra thị trường”.

Trong diễn biến mới nhất, chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc cắt giảm thuế quan cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Kinh.

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết thuế quan đối với Trung Quốc có khả năng sẽ giảm xuống còn khoảng 50% đến 65%.

Tuy nhiên, ông He Yadong, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "Hiện tại, không có bất kỳ cuộc đàm phán nào về kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ", theo CNBC.

Ông cũng bổ sung rằng mọi phát ngôn về tiến triển trong các cuộc đàm phán song phương nên bị bác bỏ.

“Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề thì họ nên hủy bỏ tất cả mức thuế đơn phương áp đặt lên Trung Quốc", ông nói thêm.

Huy Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/dua-san-xuat-ve-my-co-the-khien-doanh-nghiep-ton-chi-phi-gap-doi-post1548290.html
Zalo