Cơ hội nào sau 'đòn phủ đầu' thuế đối ứng?

Hơn bao giờ hết, vấn đề thương mại quốc tế trở nên đầy kịch tính khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trở lại chính trường. Ông nhanh chóng ban hành hàng loạt sắc lệnh quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, nhờ sự hậu thuẫn của cử tri cộng thêm kinh nghiệm tích lũy từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Những quyết định liên quan đến thuế đối ứng không những gây sốc, gây biến động thị trường Mỹ mà còn tạo ra các phản ứng khác nhau từ các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.

LỜI TÒA SOẠN: GS. Trần Lê Anh hiện giảng dạy các môn kinh tế và quản trị tại Đại học Lasell (Massachusetts, Mỹ). Ông nghiên cứu về phát triển kinh tế, chính sách thương mại quốc tế, quan hệ Việt - Mỹ và là tác giả cuốn sách Tự do kinh tế - Đòn bẩy phát triển Việt Nam, với nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn về các vấn đề kinh tế, phát triển và hội nhập của Việt Nam.

Trong bài viết này, GS. Trần Lê Anh đem đến một góc nhìn từ bên trong nước Mỹ về chính sách thuế quan đối ứng, qua việc phân tích động cơ, mục đích áp thuế của Tổng thống Donald Trump. Đồng thời cũng trên quan điểm của một chuyên gia kinh tế đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, ông đề xuất một cách thức để Việt Nam ứng phó chính sách thuế đối ứng và nắm bắt cơ hội từ thách thức này. Nhân Việt Nam khởi động đàm phán kinh tế, thương mại song phương với Hoa Kỳ (tối 23/4), Đài Hà Nội trân trọng giới thiệu bài phân tích của GS. Trần Lê Anh để cung cấp thêm một góc nhìn về vấn đề này.

***

Hơn bao giờ hết, vấn đề thương mại quốc tế trở nên đầy kịch tính khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trở lại chính trường. Ông nhanh chóng ban hành hàng loạt sắc lệnh quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, nhờ sự hậu thuẫn của cử tri cộng thêm kinh nghiệm tích lũy từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Những quyết định liên quan đến thuế đối ứng không những gây sốc, gây biến động thị trường Mỹ mà còn tạo ra các phản ứng khác nhau từ các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng mà Mỹ sẽ áp lên hàng hóa của các quốc gia vào những ngày đầu tháng 4/2025 khiến cả thế giới phải bất ngờ.

Tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng mà Mỹ sẽ áp lên hàng hóa của các quốc gia vào những ngày đầu tháng 4/2025 khiến cả thế giới phải bất ngờ.

Trong chính sách thương mại của Tổng thống Trump, thuế quan không chỉ là một vũ khí kinh tế mà còn là công cụ chính trị. Với khẩu hiệu “America First” (nước Mỹ trên hết), người đứng đầu Nhà Trắng xem thuế quan là cách hữu hiệu để đối đầu với cái ông gọi là “bất công thương mại”, tái thiết ngành sản xuất trong nước vì lợi ích quốc gia và thực hiện lời hứa với cử tri ở những nơi bị tác động tiêu cực bởi hàng nhập khẩu (do nhà máy đóng cửa và công nhân mất việc.

Chính quyền Trump cho rằng, mức thâm hụt thương mại hàng hóa cao ngất ngưởng (1,2 nghìn tỷ USD năm 2024) là vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết. Ông Trump cho rằng khó duy trì một nước Mỹ thịnh vượng, hùng cường nếu thâm hụt thương mại vẫn cứ gia tăng và cáo buộc Trung Quốc “thao túng thương mại quốc tế” với những “hành vi thương mại không công bằng”.

Vì vậy, ông Trump đang thể hiện lập trường cứng rắn trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và không ngần ngại nâng mức thuế đối ứng mỗi khi nước này trả đũa. Diễn biến “ăn miếng, trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đẩy mức thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc vào Mỹ lên 145%, và hàng Mỹ vào Trung Quốc lên 125% trong tuần qua.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ đảo ngược quyết định áp thuế quan.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ đảo ngược quyết định áp thuế quan.

Tuy nhiên, khả năng hai nước sẽ tiến tới một thỏa thuận tốt hơn là khá cao. Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không tiếp tục nâng thuế trả đũa, ngay cả khi Mỹ tiếp tục leo thang. Về phía Mỹ, chính quyền vừa thông báo miễn thuế đối ứng đối với một số mặt hàng điện tử, như điện thoại thông minh và máy tính – những sản phẩm mà Mỹ nhập khẩu với số lượng rất lớn từ Trung Quốc. Trong phát biểu gần đây trước báo chí tại Nhà Trắng hôm 17/4, ông Trump cũng nói rằng không muốn nâng thuế lên cao nữa, vì sẽ khiến người dân Mỹ ngừng mua hàng. Những phát biểu sau đó về thuế với Trung Quốc của ông Trump còn “mềm mại” hơn nữa.

Điều này cho thấy dù áp dụng lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, Mỹ vẫn thận trọng để không “đập bể nồi cơm” của mình. Tuy nhiên, ông Trump vẫn sẽ khó chấp nhận mức thâm hụt thương mại 294,5 tỷ USD với Trung Quốc (năm 2024) và sẽ bằng mọi cách giảm bớt mức thâm hụt này.

Ông Donald Trump không phải là một người giáo điều hoặc tuân theo những hệ thống lý thuyết kinh tế phức tạp. Những động thái chính sách của ông luôn sát với những biến chuyển thực tế, và bắt nguồn từ thực tế. Ông chắc chắn không muốn kinh tế Mỹ rơi vào khó khăn nếu mức thuế quan cao ngất ngưởng được thực thi toàn diện và cuộc chiến thương mại lan rộng. Ông quan sát kỹ tín hiệu thị trường và được cho là đã đưa ra quyết định tạm hoãn thi hành thuế đối ứng trong 90 ngày vì trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo, đẩy lãi suất trái phiếu lên cao. Tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ kéo theo các loại lãi suất khác gia tăng, có nguy cơ làm chậm tăng trưởng kinh tế vì mức đầu tư và tiêu dùng sẽ giảm.

Tổng thống Trump cũng không bảo hộ thương mại mù quáng. Song ông cho rằng không công bằng khi xe hơi Mỹ xuất sang khối Liên minh châu Âu phải chịu mức thuế 10%, trong khi xe hơi từ châu Âu vào nước này chỉ chịu thuế nhập khẩu 2,5%.

Với diễn biến hiện nay, có thể dự đoán gần như chắc chắn rằng các mức thuế đối ứng mà Mỹ đã công bố sẽ được giảm xuống đáng kể và lượng hàng xuất khẩu Mỹ sẽ tăng cao hơn sau khi các thỏa thuận đàm phán được ký kết. Dựa vào tầm quan trọng của thị trường Mỹ đối với các đối tác thương mại, Nhà trắng đã sử dụng chiến thuật thuế đối ứng “đánh phủ đầu" rất hiệu quả để thúc đẩy các nước đi đến đàm phán. Trước phong cách “có qua có lại" của Tổng thống Trump, các nhà đàm phán thiện chí sẽ đạt được thỏa thuận với chính quyền của ông nhanh hơn.

Trong cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2018, nhiều doanh nghiệp FDI đã chuyển sang đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước diễn biến tiêu cực của chính sách thuế đối ứng lần này, Việt Nam cần phải khắc phục những điểm yếu để tạo ra những cơ hội mới.

Hiện tại, theo tính toán từ phía Mỹ, Việt Nam là nước có thặng dư mâu dịch lớn thứ ba với Mỹ (123,5 tỷ USD), chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam được chính quyền Trump tính toán dựa trên mức thuế quan mà Việt Nam áp lên hàng Mỹ (trung bình chỉ 9,4%). Tuy nhiên, mức thuế này còn dựa trên quan điểm của Mỹ về các rào cản phi thuế quan và cáo buộc hành vi “thương mại không công bằng” khiến Việt Nam có mức thặng dư cao.

Mấu chốt của chính sách thuế đối ứng là số thâm hụt mậu dịch giữa Mỹ và Việt Nam phải giảm xuống.

Mấu chốt của chính sách thuế đối ứng là số thâm hụt mậu dịch giữa Mỹ và Việt Nam phải giảm xuống.

Trong buổi tuyên bố áp thuế đối ứng tại Nhà Trắng hôm 2/4, mặc dù đưa ra con số “choáng váng" cho Việt Nam, Tổng thống Trump đã nói rằng: “Việt Nam, những nhà đàm phán tuyệt vời, những con người tuyệt vời. Họ thích tôi, tôi thích họ”. Ông rõ ràng có thiện cảm với Việt Nam. Yếu tố này cộng với việc Việt Nam nhanh chóng đưa ra quan điểm có thể áp mức thuế 0% với hàng Mỹ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Mỹ, sẽ giúp Việt Nam “dễ thở” hơn trong cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là con số thâm hụt mậu dịch phải giảm xuống. Muốn được như vậy, Việt Nam cần cải thiện thủ tục hải quan và tháo gỡ những rào cản phi thuế quan để hàng Mỹ có thể vào Việt Nam được nhiều hơn. Ví dụ, trong báo cáo về rào cản thương mại mới đây của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Mỹ phàn nàn việc Việt Nam thông quan chậm trễ và gây khó khăn cho việc xuất khẩu nội tạng động vật của họ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần giải quyết rốt ráo vấn đề “trung chuyển hàng hóa”. Thách thức này càng cao hơn trong bối cảnh Trung Quốc phải tìm đường tiêu thụ sản phẩm dư thừa. Nếu Việt Nam xử lý tốt vấn đề này thì hàng xuất khẩu thực thụ của Việt Nam vào Mỹ vẫn có thể tăng mà thặng dư mậu dịch vẫn có thể giảm. Hơn nữa, điều này thể hiện thiện chí hợp tác của Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ không phản ứng nếu Việt Nam có thặng dư mậu dịch từ sự “giao thương tự do và công bằng thương mại” theo quan điểm của họ. Hai nước không phải là đối thủ cạnh tranh kinh tế.

Về cơ hội, Việt Nam nhân cơ hội này tháo gỡ thủ tục rườm rà, để những công ty công nghệ cao của Mỹ đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Những công ty như Apple sẽ tạo ra hệ sinh thái các nhà sản xuất phụ kiện giúp Việt Nam nâng cao hàm lượng công nghệ trong nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, dù muốn hay không thì các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng phải tăng cường dịch chuyển sản xuất ra sang các nước khác. Họ mong có một môi trường đầu tư minh bạch, cạnh tranh công bằng, với chính sách nhà nước thông thoáng và ổn định.

Việt Nam nên nhân cơ hội này tháo gỡ thủ tục hải quan.

Việt Nam nên nhân cơ hội này tháo gỡ thủ tục hải quan.

Việt Nam không cần kỳ vọng thương lượng được mức thuế đối ứng 0% cho hàng Việt vào Mỹ. Việt Nam chỉ cần một mức thuế tương đối thấp hơn so với các nước đang cạnh tranh với các mặt hàng xuất của Việt Nam là khá tốt rồi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần khai thác để đa dạng hóa tối đa các thị trường xuất khẩu. Nằm sát vách nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới mà Việt Nam để bị thâm hụt mậu dịch quá cao là một thách thức cần phải xử lý. (Hai nước láng giềng của Mỹ là Canada và Mexico đều hưởng thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ).

Chính sách thương mại của Tổng thống Trump đang định hình lại trật tự thương mại quốc tế và buộc các đối tác, trong đó có Việt Nam, phải thích ứng. Trong bối cảnh hiện nay, thách thức và cơ hội cùng hiện diện. Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội nếu thích nghi linh hoạt, đàm phán thiện chí và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao hàm lượng công nghệ và thúc đẩy tự do kinh tế.

Bài viết: Trần Lê Anh
Đồ họa: Thanh Nga

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/co-hoi-nao-sau-don-phu-dau-thue-doi-ung-325015.htm
Zalo