Sớm hoàn thiện thể chế, chính sách giao khoán đất lâm nghiệp

Chính sách giao khoán đất lâm nghiệp đã thay đổi theo từng thời kỳ, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bất cập trong thực tiễn đòi hỏi có những sửa đổi cho phù hợp.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 25/4, tại Hà Nội.

Có nên tiếp tục hình thức giao khoán đất lâm nghiệp?

Chia sẻ báo cáo Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp do Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - cho biết, kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế từ ngày 5/2 đến ngày 23/3/2025 tại 7 tỉnh (gồm Bắc Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Bình Định, Gia Lai, Đồng Nai, Cà Mau), có 26 công ty lâm nghiệp đang quản lý 292.632,47 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 290.008,19 ha.

Hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp” . Ảnh: Nguyễn Hạnh

Hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp” . Ảnh: Nguyễn Hạnh

Có 21 công ty đã thực hiện khoán cho 121.722,59 ha, chiếm 41,59%; trong đó: Khoán 50 năm chiếm 3,1%; khoán 20 năm chiếm 28,04%; khoán theo chu kỳ sản xuất của cây trồng chiếm 8,13%; khoán theo công đoạn sản xuất chiếm 8,18%; khoán hằng năm chiếm 52,51%.

Kết quả phỏng vấn kết hợp khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết cán bộ quản lý và người dân được phỏng vấn cho biết, chính sách khoán đất lâm nghiệp đã thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên đất khoán; tạo ra nhiều mô hình trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp hiệu quả trên diện tích khoán.

Trong các hình thức khoán, giao khoán theo công đoạn sản xuất, khoán việc công ty chủ động trong sản xuất, kinh doanh, quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Người dân nhận khoán hầu hết là người địa phương có đất sản xuất, có công việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư và tình hình an ninh trật tự.

“Khảo sát, phỏng vấn 37 hộ nhận khoán ở 6 tỉnh, các hộ đều làm nông nghiệp là chính; bình quân 1 hộ có 4,65 khẩu, 2,78 lao động chính, trong đó có 2,49 lao động nông nghiệp. Thu nhập bình quân 1 hộ nhận khoán là 167 triệu/năm, trong đó: Thu nhập từ khoán lâm nghiệp là 53 triệu đồng/năm, chiếm 31,73% tổng thu nhập; thu nhập từ nông nghiệp là 87 triệu đồng/năm; thu nhập khác là 27 triệu đồng /năm”, báo cáo nêu rõ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đánh giá thực trạng về công tác giao khoán, kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, thống nhất giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề về cơ chế, chính sách giao khoán trong các công ty lâm nghiệp gắn với việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý sử dụng đất đai trong các công ty lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tiến thông tin, chính sách giao khoán rừng và đất lâm nghiệp đã có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập trong thực tiễn. Các quy định mới về đối tượng nhận khoán, hạn mức khoán, thời hạn khoán và quyền lợi, trách nhiệm của bên nhận khoán chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả bên khoán và bên nhận khoán trong việc thiết lập hồ sơ và thực hiện hợp đồng.

Đặc biệt, việc chuyển tiếp từ Nghị định 01/1995/NĐ-CP ngày 04/01/1995 sang Nghị định 135/2005/NĐ-CP và tiếp tục chuyển sang Nghị định 168/2016/NĐ-CP gặp nhiều vướng mắc do thiếu các hướng dẫn chi tiết và chưa có cơ chế kế thừa rõ ràng.

Những hạn chế trong quản lý hồ sơ, xử lý tài sản trên đất, cơ chế xử lý vi phạm và việc phối hợp giữa các bên liên quan cũng tạo ra những rào cản trong quá trình thực hiện.

Những bất cập trong công tác giao khoán đất lâm nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân như hạn chế trong tuyên truyền chính sách, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, hồ sơ đất đai chưa hoàn thiện, công tác giám sát chưa chặt chẽ và tranh chấp đất đai phức tạp. Việc xử lý các vi phạm còn lúng túng, thiếu chế tài răn đe, gây khó khăn cho quá trình thực hiện và quản lý hợp đồng khoán.

Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tổ chức sản xuất, khoán trong công ty lâm nghiệp; sửa đổi, bổ sung Nghị định 168/2016/NĐ-CP là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh trong các công ty lâm nghiệp.

Chính sách phải phù hợp với tình hình mới

Công ty lâm nghiệp là một trong 7 nhóm chủ rừng quan trọng nhất (12% tổng diện tích rừng cả nước). Câu hỏi đặt ra đó là với thực trạng sử dụng đất như hiện nay, cơ hội và thách thức của các công ty là gì và điều gì cần thay đổi để kiểm soát thách thức và biến cơ hội thành thực tế?

Bàn về việc này, chuyên gia phân tích chính sách Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trends - cho hay, hiện các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng đòi hỏi chặt chẽ hơn về các khía cạnh hợp pháp và không mất rừng.

Quy định chống mất rừng của EU (EURD) có hiệu lực từ đầu năm 2026, các mặt hàng gỗ, cà phê, cao su trồng trên các diện tích đất lâm nghiệp không tuân thủ các quy định của Chính phủ Việt Nam về sử dụng đất, bao gồm các quy định về khoán sẽ không đáp ứng được quy định EURD và như vậy có rủi ro trong việc không chấp nhận tại thị trường này.

Cũng theo ông Tô Xuân Phúc, hiện chưa có thông tin về liệu các mặt hàng nông sản được sản xuất trên diện tích đấy lâm nghiệp, bao gồm cả các diện tích do các công ty lâm nghiệp đang quản ký có được xuất khẩu vào thị trường EU hay không. Tuy nhiên, những tồn tại trong khâu sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp cho thấy các thách thức trong việc tiếp cận thị trường này trong tương lai đối với các mặt hàng được sản xuất trên các diện tích đất lâm nghiệp hiện nay.

Ngoài ra, EURD quy định nếu quá trình sản xuất các mặt hàng gây mất rừng, với thời điểm mất rừng tính từ 31/12/2020, toàn bộ các mặt hàng gây mất rừng này sẽ không được phép nhập khẩu vào EU. Nói cách khác, các loại cây hàng hóa trồng trên diện tích xâm lấm vào các diện tích rừng từ thời điểm cuối năm 2020 trở lại đây do các công ty lâm nghiệp được giao quản lý sẽ không có cơ hội tiếp cận thị trường EU.

Một vấn đề khác được ông Tô Xuân Phúc đề cập đến đó là thị trường carbon rừng có tiềm năng rất lớn để tạo nguồn thu mới từ nguồn tín chỉ carbon cho các công ty lâm nghiệp. Ngày 24/1/2025, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thành lập và Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm đang xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng.

Thực hiện Đề án và áp dụng bộ tiêu chuẩn trong tương lai có tiềm năng trong việc tạo ra nguồn tín chỉ carbon rừng và nguồn tài chính mới từ việc kinh doanh tín chỉ carbon nhằm phục vụ các hoạt động quản lý và bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên, để tiềm năng này trở thành thực tế, các công ty cần giải quyết các tồn tại trong sử dụng đất và trong các hình thức khoán, bảo vệ rừng.

Ngành lâm nghiệp đang hội nhập sâu rộng với thế giới, với cơ hội thị trường mở rộng, tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức. Cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản được sản xuất trên các diện tích đất lâm nghiệp và cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon rừng chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các tồn tại trong các hình thức khoán được giải quyết được triệt để.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau 30 năm thực hiện chính sách về giao khoán, các công ty lâm nghiệp toàn quốc đã thực hiện khoán gần 460.000 ha, tương đương khoảng 27% tổng diện tích được quản lý; trong đó giao khoán rừng, đất lâm nghiệp, vườn cây và mặt nước nuôi trồng thủy sản theo Nghị định 01/1995/NĐ-CP chiếm tới 68%, theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP chiếm 29%, còn theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP chỉ khoảng 3% tổng diện tích giao khoán.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/som-hoan-thien-the-che-chinh-sach-giao-khoan-dat-lam-nghiep-384821.html
Zalo