Thu hút người lao động, doanh nghiệp cần quan tâm chế độ phúc lợi

Theo thông lệ, phiên giao dịch việc làm sau tết thường nhộn nhịp, có nhiều người tham gia tìm việc vì một bộ phận người lao động từ các tỉnh, thành phố lớn về quê ăn tết sẽ đến tìm hiểu, tìm kiếm việc làm phù hợp để ở lại. Tuy nhiên, năm nay đối tượng này hầu như không có.

Phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị tổ chức vào ngày 14/2 có 15 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp với nhu cầu hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 70 lao động tham gia tìm kiếm việc làm, ít hơn hẳn so với những năm trước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó cốt lõi là do môi trường làm việc, chế độ phúc lợi của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút người lao động.

Tổng hợp nhu cầu doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị hiện nay là 8.224 lao động, trong đó doanh nghiệp trong tỉnh cần tuyển 4.212 người.

Theo cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nền kinh tế đang phục hồi, nhiều doanh nghiệp cần lao động nên khó tuyển lao động là tình trạng chung của cả nước. Cũng vì khó tuyển lao động mới nên doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn tập trung hơn về chính sách thu hút, giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Cụ thể bên cạnh tiền lương, thưởng, doanh nghiệp còn xây dựng nhà ở tập thể, hỗ trợ tiền thuê trọ cho công nhân, xây dựng trường mầm non, các thiết chế văn hóa, tặng vé tàu xe, bố trí xe đưa công nhân về quê ăn tết và đón họ trở lại làm việc...

Sự nỗ lực này của doanh nghiệp đã phần nào được thể hiện qua kết quả công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết vừa qua. Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, công nhân, người lao động cả nước quay trở lại làm việc đông đảo, trong đó có nhiều địa phương đạt tỉ lệ 100% trong ngày làm việc đầu tiên, tình trạng công nhân nghỉ việc, nhảy việc giảm hẳn so với trước.

Thông tin này khiến tôi nhớ đến trường hợp gia đình người em họ ở huyện Hướng Hóa cách đây không lâu. Sau gần 1 tuần về quê ăn tết, đúng ngày mồng 5 tháng Giêng, vợ chồng em khăn gói vượt hàng trăm cây số trở lại Bình Dương làm việc. Gắn bó với Bình Dương gần 10 năm nhưng cách đây vài năm - thời điểm COVID-19 bùng phát, vợ chồng em chật vật cùng dòng người từ các tỉnh phía Nam trở về hồi hương.

Lúc đó em có ý định về quê hẳn, không bôn ba mưu sinh ở xứ người nên nộp đơn xin làm công nhân một nhà máy ở TP. Đông Hà. Được một thời gian, thấy việc đi về trong ngày rất vất vả, thuê phòng trọ ở lại thì tăng chi phí nên hai vợ chồng quyết định để con nhỏ ở quê cho ông bà ngoại chăm rồi trở lại Bình Dương làm việc.

Tháng 7/2024, hai vợ chồng về quê đón con nhỏ vào ở với mình. Sở dĩ quyết định như vậy vì năm ngoái gia đình được công ty bố trí vào ở khu tập thể công nhân, trong khu công nghiệp nơi người em này làm việc lại có trường mầm non để gửi con nhỏ nên rất thuận tiện, giúp giảm được nhiều chi phí.

Để có những người lao động gắn bó, sẵn sàng vượt hàng trăm cây số trở lại làm việc như thế chính là nhờ doanh nghiệp đã có những việc làm cụ thể về chính sách phúc lợi, đáp ứng được nguyện vọng của công nhân.

Theo khảo sát của Công ty Anphabe (đơn vị tư vấn tiên phong về giải pháp Thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc hạnh phúc) về chất lượng lao động và môi trường làm việc cho thấy trong năm 2024, ở những doanh nghiệp tốp đầu đều có tỉ lệ lao động nhảy việc thấp, tuyển dụng lao động dễ dàng và thường không lo thiếu lao động...

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, những người lao động hạnh phúc thường có khả năng sáng tạo cao, kiên trì vượt qua khó khăn và sẵn sàng gắn bó với doanh nghiệp lâu dài hơn 2,5 lần so với những người không hài lòng.

Có thể thấy, bản chất của việc phát triển nguồn nhân lực bền vững chính là tạo ra môi trường làm việc mà ở đó, người lao động cảm thấy hạnh phúc, an tâm làm việc và cống hiến.

Hiện nay, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực hạn chế nên đời sống của công nhân vẫn ở mức thấp so với người lao động ở các tỉnh, thành phố lớn. Để cải thiện tình hình, tỉnh Quảng Trị bắt đầu có một số chính sách xã hội dành cho công nhân lao động.

Cụ thể như tỉnh đã rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp với 27,66 ha quỹ đất nhà ở xã hội tại các khu đô thị và khu dân cư.

Ngoài ra còn có 117,05 ha quỹ đất nhà ở công nhân tại khu kinh tế và khu công nghiệp. Tháng 8/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu nhà ở đô thị kết hợp nhà ở xã hội Khu công nghiệp Nam Đông Hà.

Tháng 7/2024, HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết 55/2024/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; trợ cấp đối với trẻ em đang đi học ở các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, phối hợp các phòng, ban liên quan triển khai thực hiện.

Kỳ vọng rằng với những chính sách hỗ trợ của địa phương sẽ kích cầu, thu hút doanh nghiệp đầu tư phúc lợi, quan tâm chăm lo hơn nữa đến môi trường làm việc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thu-hut-nguoi-lao-dong-doanh-nghiep-can-quan-tam-che-do-phuc-loi-191844.htm
Zalo