Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp: Mở ra cơ hội đưa kết quả nghiên cứu tại trường đại học vào sản xuất

Đánh giá cao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã bổ sung quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập, các đại biểu kỳ vọng, quy định này sẽ mở ra cơ hội đưa nghiên cứu khoa học tại các trường đại học vào thực tiễn sản xuất, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quản lý, điều hành doanh nghiệp

Theo dự thảo Luật, điểm b, khoản 2, Điều 17 được sửa đổi, bổ sung: “Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra. Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp”.

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đánh giá cao dự thảo Luật đã bổ sung quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập. Đồng thời tin tưởng, quy định này sẽ mở ra nhiều cơ hội trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao nghiên cứu khoa học tại các trường đại học vào thực tiễn sản xuất, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy định về quyền của viên chức trong tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như quản lý, góp vốn với doanh nghiệp để bảo đảm có sự thống nhất giữa Luật Viên chức với dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín này.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) lưu ý, thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng có nhu cầu thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng có điều khoản cho phép thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Theo đó, cần quy định: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tham gia quản lý, điều hành nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra. Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp”.

Kiểm soát chặt chẽ, có cơ chế hậu kiểm

Thống nhất với quy định viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ và có cơ chế hậu kiểm. Viên chức có góp vốn hoặc có tham gia quản lý các doanh nghiệp định kỳ phải báo cáo về hoạt động của doanh nghiệp do mình quản lý hoặc góp vốn để bảo đảm công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc mức độ tham gia của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập trong quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập. Nêu rõ, có hai hình thức là pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại, đại biểu phân tích, “theo quy định của dự thảo Luật, nhà giáo vừa là người thầy, vừa làm chủ doanh nghiệp. Nếu mở rộng ra là pháp nhân thương mại, thì theo Bộ luật Hình sự sẽ có một số việc phải chịu trách nhiệm hình sự, như trốn thuế, lừa đảo, không đóng bảo hiểm môi trường… "Pháp nhân thương mại thì ranh giới giữa huy động vốn, làm ăn hiệu quả với không hiệu quả, lừa đảo rất mong manh; cho nên phải cân nhắc rất kỹ, nhất là với hình ảnh của một người thầy”, đại biểu nói.

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu cũng lưu ý những bài học nhãn tiền ở một số một số đơn vị sự nghiệp thành lập doanh nghiệp, nhưng làm ăn không hiệu quả lại để lại gánh nặng lớn đối với đơn vị, cơ sở đó. Từ thực tế này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị viên chức chỉ tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp ở cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Quy định như vậy sẽ "đúng với chức năng, sứ mệnh của cơ sở giáo dục đại học; đồng thời, chỉ nên sử dụng pháp nhân phi thương mại để đúng với tôn chỉ, mục đích, mục tiêu của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, không nên mở rộng với vai trò pháp nhân thương mại", đại biểu đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình về những vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình về những vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã cho phép: Viên chức, quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập, hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình về những vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình về những vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Hồ Long

Trong dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện đã quy định: Viên chức làm việc tại tổ chức khoa học công nghệ được góp vốn điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập, được tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra.

Nhằm thể chế hóa đối với đối tượng còn lại, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đề xuất sửa đổi, bổ sung đối tượng viên chức, quản lý làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra. "Quy định này không trùng dẫm với quy định của dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng khẳng định.

Với đề nghị bổ sung đối tượng là viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tham gia quản lý, điều hành nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra, Bộ trưởng ghi nhận và cho biết sẽ nghiên cứu thêm. Bởi thực tế, Luật Thủ đô đã cho phép đối tượng này được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm "những gì đã rõ, đã chín" sẽ đưa vào Luật.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-doanh-nghiep-mo-ra-co-hoi-dua-ket-qua-nghien-cuu-tai-truong-dai-hoc-vao-san-xuat-10373045.html
Zalo