Dự thảo Luật Nhà giáo: Quan tâm quyền lợi nhà giáo ngoài công lập

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo. Lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo đang làm việc tại các cơ sở ngoài công lập được xác lập, đồng bộ với nhà giáo làm việc trong cơ sở giáo dục công lập.

Băn khoăn chính sách tiền lương

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, tiền lương, các chính sách theo lương đối với nhà giáo đang làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập được đảm bảo không ít hơn tiền lương, chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo và chức danh, trừ khi có thỏa thuận khác.

Bà Phạm Thị Lệ Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Việt Úc, cho biết, quy định nói trên nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, trong bối cảnh tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng của quy luật kinh tế thị trường, nhà tuyển dụng và người lao động đã đạt được thỏa thuận về yêu cầu công việc, chế độ lương bổng trước khi ký hợp đồng làm việc.

Do đó, không cần có thêm quy định về chế độ tiền lương bởi sẽ tạo áp lực cho nhà tuyển dụng. Thay vào đó, chế độ tiền lương nên quy định theo hướng “mở”, phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên liên quan.

 Học sinh Trường Mầm non Tân Đông (TP Thủ Đức, TPHCM) trong một giờ học. Ảnh: THU TÂM

Học sinh Trường Mầm non Tân Đông (TP Thủ Đức, TPHCM) trong một giờ học. Ảnh: THU TÂM

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Phó trưởng Phòng Tổ chức nhân sự, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đề xuất, chính sách tiền lương và các chính sách theo lương đối với nhà giáo làm việc tại các cơ sở ngoài công lập nên giao cho cơ sở tự xây dựng, đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động như hiện hành.

Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp, TPHCM), cần làm rõ khái niệm “tiền lương” là lương cơ bản hay tổng thu nhập bao gồm lương và các khoản phụ cấp. Hiện nay, các trường ngoài công lập hoạt động xuyên suốt cả năm, không nghỉ hè để giải quyết nhu cầu gửi con của phụ huynh. Trong khi đó, ở hệ thống công lập, trong thời gian nghỉ hè, giáo viên được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn từ nguồn kinh phí bồi dưỡng thường xuyên của đơn vị.

“Để tạo sự bình đẳng về quyền lợi giữa giáo viên công lập và ngoài công lập, cần có thêm quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên ở các trường ngoài công lập, không nên khoán cho chủ đầu tư như cách làm hiện nay vì sẽ có trường quan tâm, có trường không quan tâm”, ông Nguyễn Quốc Cường nêu ý kiến.

Xem xét yếu tố đặc thù

Bà Phạm Thị Lệ Nhân nêu thực tế, trước đây nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên trường ngoài công lập có chuẩn tuyển dụng thấp hơn trường công lập. Do đó, việc quy định lại chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn trình độ đào tạo cho cả giáo viên công lập và ngoài công lập giúp các trường ngoài công lập thuận lợi hơn trong công tác tuyển dụng.

Cũng theo bà Lệ Nhân, không nên phân biệt nhà giáo công tác trong hệ thống công lập là viên chức, nhà giáo công tác ở hệ thống ngoài công lập là người lao động, mà nên sử dụng chung khái niệm “nhà giáo” để đảm bảo quyền lợi như nhau ở hai hệ thống.

Riêng đối với nhà giáo là giáo viên nước ngoài, dự thảo Luật Nhà giáo hiện nay có rất ít điều khoản nhắc đến đối tượng này. Trong khi đó, chế độ tuyển dụng và chính sách cho giáo viên nước ngoài hiện nay khá phức tạp, cần được quy định cụ thể hơn để tạo cơ sở pháp lý cho các trường tuyển dụng và quản lý giáo viên.

Ông Phan Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký (quận 11, TPHCM), phân tích, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo tại cơ sở ngoài công lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động. Trong nhiều trường hợp, việc đối chiếu, quy đổi còn khó khăn, dẫn đến tranh chấp pháp lý giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Đơn cử, người lao động được quy định làm việc 8 giờ/ngày, một tuần làm việc từ 5-6 ngày, quy đổi ra tổng số giờ làm việc là 40-48 giờ/tuần. Tuy nhiên, theo quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21-10-2009 của Bộ GD-ĐT, định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, giáo viên THCS là 19 tiết/tuần và giáo viên THPT là 17 tiết/tuần.

Do đó, Luật Nhà giáo ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý giúp cơ sở giáo dục thuận lợi hơn trong công tác quản lý. Tuy nhiên, cần sự đồng bộ của các văn bản dưới luật để việc thực hiện đạt hiệu quả.

Để hoàn thiện Luật Nhà giáo, các chuyên gia đều cho rằng, cần có cơ chế giám sát để cộng đồng trách nhiệm việc thực hiện từ nhiều phía, gồm nhà đầu tư, cán bộ quản lý, giáo viên. Song song đó, ngành giáo dục tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho các chủ trường, nhà đầu tư, cán bộ quản lý, giáo viên để các nhóm đối tượng hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình, thực thi quy định của pháp luật một cách nghiêm túc.

Luật Nhà giáo được đánh giá là luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn với nhiều chính sách liên quan đến các luật khác. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, Bộ GD-ĐT luôn chủ động, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, hoàn thiện các nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu, phù hợp thực tiễn.

Qua nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo Luật Nhà giáo được tinh gọn theo hướng quy định khung; còn các hướng dẫn chi tiết hơn sẽ được quy định tại các văn bản dưới luật, gồm nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành.

Ông VŨ MINH ĐỨC - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT)

MINH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-thao-luat-nha-giao-quan-tam-quyen-loi-nha-giao-ngoai-cong-lap-post771290.html
Zalo